Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGO

Tiểu thuyết

Phần 1 - HIỆN TẠI

1.
Khi tôi quyết định đặt cho cuốn sách của mình cái tên như vậy, thì mụ Phương Nham nhảy dựng lên, quăng hẳn cuốn tạp chí "Ăn quà vặt" vèo một cái, chạy đến sau lưng tôi, không hẳn là xỉa xói, nhưng rất gay gắt, thở phì phào, gấp gáp:
-Không được! Ai lại đặt tên như thế?
-Sao lại không được? Sao lại không được kia chứ? Tôi nhắc lại hai hay ba lần gì đó, câu khẳng định chủ quyền của mình, bằng những câu hỏi giống nhau. Phương Nham vẫn không chịu thôi, lấy ngón tay trỏ có cái móng nhọn hoắt và đen thầm, chỉ vào màn hình máy tính, làm nó lõm xuống trông thấy:
-Đàn bà thì phải có gương để soi cái dung nhan của mình.
-Cuốn sách của tôi không phải là một mụ đàn bà, lại càng không phải một mụ đàn bà xấu xí, hỗn hào, nanh nọc, và không chồng, không con, cô quả cô độc.
Suy nghĩ một hồi tương đối lâu, mụ tấn công tôi bằng một đòn tuyệt đối:
-Cuốn sách nào cũng là một con đàn bà.
Không thể cứ cãi nhau tay đôi với một người đàn bà đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, nhan sắc rơi rụng lả tả sau mỗi lần thất tình. Phương Nham là một người đàn bà thất tình chuyên nghiệp. Chị ta yêu hối hả và cũng chia tay với những người đàn ông còn hối hả hơn. Không nên tìm hiểu quá kỹ lý do thất tình của Phương Nham, vì mụ đâu có phải là nhân vật chính trong câu chuyện của tôi. Vì thế, tôi không thèm cãi cọ với mụ nữa. Tôi phải dành thì giờ để viết nó, ít nhất là những trang đầu.
-Tôi nói câu cuối cùng với chị nhé: cuốn sách là của tôi, do tôi bịa ra cái câu chuyện này, thì tôi có quyền đặt tên. Cũng như đứa con của người ta, làm cha, làm mẹ người ta bịa ra những đứa con của mình, thì họ có quyền đặt tên cho nó mà không phụ thuộc vào những người đàn bà lắm chuyện.
-Tôi không lắm chuyện. Chỉ vừa đủ. Nhưng, cuốn sách với một đứa con hoàn toàn khác nhau.
-Đồng ý thôi! Nhưng cũng giống nhau, tôi bất ngờ phản lại.
-Là sao?
-Là người ta, tôi đây này, cũng phải vất vả lắm mới tạo được ra nó.
-Đồ đàn ông vô dụng!
Tôi không thèm để ý đến câu nói ngang rất kém văn hoá của Phương Nham, mà như một "ông già lựu đạn", vừa điếc, vừa khinh người, tiếp tục huy động sự suy nghĩ của mình thành lời nói:
-Chị có thấy cái biệt thự kia không? Nó đồ sộ, hùng dũng, và rồi khi tô trát, sơn phết xong, sẽ hứa hẹn một biệt thự xinh đẹp, lộng lẫy... nhưng người chủ của nó lại đặt cho nó một cái tên nghe vừa xấu, vừa bốc mùi hôi thối lên kia...
-Tên là gì?
-Hoa Cứt Lợn! Tôi trả lời rành mạch và để ý đến khuôn mặt của Phương Nham còn xinh đẹp gọi là đôi chút, đang biến động một cách thảm hại:
-Cái gì? Tôi có nghe nhầm không đấy? Hoa Cứt Lợn à?
- Tất nhiên rồi. Tôi khoái chí, nhìn con mắt vốn đã hơi xếch, giờ càng xếch thêm của Phương Nham. Nó giống như cái miệng của Đạo Sĩ Mùa Thu, mỗi lần cần tập trung luyện chí khí. Phương Nham đã thất bại.
Mụ quay lại với công việc của mình.
Còn tôi, tiếp tục viết.

RĂC-KI CHÚC NGỦ NGON

Phần 1 - HIỆN TẠI
2.
 
Đó là một ngôi nhà đẹp! Đẹp và hoành tráng đến nỗi người đời không nỡ gọi nó là nhà được nữa, mà a dua theo nhau gọi nó bằng cái tên sang trọng và thời thượng: biệt thự! Ngoài sự sang trọng và tuyệt mỹ, chắc chắn và kín đáo thì sự khác nhau giữa biệt thự và nhà còn ở chỗ: nhà thì vô danh, hay nói đúng hơn, chỉ có một cái tên chung là nhà; còn biệt thự thì có tên, tên riêng, như tên người và cũng có thể như tên của một con vật nuôi yêu quý, như ngựa, chó, hoặc mèo, vân vân!
       Ngôi biệt thự kia có tên, và tên nó là Biệt thự Hoa Chó Đẻ.
       Bây giờ thì mọi chuyện có thể sẽ dài dòng đây. Cái tên nghe không được tao nhã mấy kia đã là đầu đề tham chiếu của biết bao người, từ người vô học đến tao nhân mặc khách, từ bình dân đến các nhà chính khách, nếu có dịp đi qua khu vực này. Cái tên như thế hoàn toàn không xứng đáng không chỉ với bản thân ngôi biệt thự mà còn không tương xứng với người chủ của nó.
       Hoa Chó đẻ, nghe nói là tên một loại cây thuốc chữa bệnh có tên chữ là Trân Châu Dạ Thảo. Tuy nhiên mấy chàng trai đen đủi, rách bươm quê quán từ miền Bắc vào làm thợ hồ lại cứ "lăn tăn" mãi rằng, tại sao ông chủ lại không lấy tên chữ Tàu để đặt cho nó sang, mà lại dùng cái tên "Viêt Lam", nghe cứ bẩn bẩn thế nào! Chuyện ấy bọn chúng không hiểu, và chẳng muốn hiểu, nhưng lại cãi rằng:
       -Cây Cứt Lợn! Chính xác "chăm phần chăm" nó là hoa cứt lợn. Còn tại sao ư? Nó có lá màu xanh đậm, đem cắt về, băm ra thành từng đoạn dài cỡ nửa gang tay, vãi ra ruộng, cứ gọi là ngang ngửa với phân lợn. Ở quê tớ gọi đấy là phân xanh!
       -Chả phải! Một tay khác có cái áo xanh bợt, đứt ngang lưng và cái mồm đầy răng thì cãi lại. Đấy là cây cỏ hôi, hiểu chưa? Nó hôi lắm...
       -Thế mà cũng đòi giải thích! Cỏ là cỏ, đằng này nó là cây hẳn hoi. Có cành, có thân, có lá... Như thế này mà gọi là cỏ à?
       -Cũng sai nốt! Các cậu "chả biết gì về điện" cả! Nó chính xác là cây chó đẻ. Còn vì sao lại có tên như thế, thì vểnh tai chó lên mà nghe đây: người ta cắt về lót làm or cho con chó nó đẻ! Đơn giản chỉ có thế mà cũng cãi nhau.
       -Chó đẻ thì đúng rồi, nhưng nó là loài cây mọc vô tội vạ, mọc đểu, mọc không biết ngượng. Đồ chó đẻ là thế...
       Bọn chúng chia nhau ra, đi tìm bằng được cái thứ cây cãi nhau ấy ra phân tích, mổ xẻ. Cuối cùng thì, ông chủ ngôi Biệt thự Hoa Chó đẻ phải nhảy vào can:
       -Tôi phục các anh lắm. Phục cái biệt tài tranh luận, đấu khẩu của các anh. Ở đâu và bao giờ các anh cũng có thể "hội thảo, đấu khẩu được". Ai cũng muốn mình là người chiến thắng. Xứ sở gì mà hoành tráng thế? Nhưng mà, nói tóm lại, cái nhà này là của tôi, chứ không phải của các anh. Nghe rõ chưa? Ai còn lắm mồm bình luận thì tôi đuổi, không thuê các anh nữa!
       Ấy, thế thì có mà chết! Vác thân đi tha hương, cầu thực, kiếm đồng cháo, hào rau, mà vì cái vạ miệng đến nỗi bị mất miếng ăn thì... Lập tức bọn chúng, tức bọn thợ hồ ấy im lặng, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. 
       Mặt rời bắt đầu lên quá ngọn dừa ở cái quán bà Lé Bốn Chín, thu ngắn cái bóng của nó lại, đến bên này cái hố rác, đầy ruồi nhặng và những con côn trùng cánh cứng, đủ sắc màu, đẹp lạ lùng.
       Khuất sau đống rác khá to, là cái đầu nhấp nhô của một thằng bé mười ba tuổi. Khuôn mặt bé nhưng già kinh khủng, quắt lại như một miếng vỏ bưởi héo, ở đó người ta chỉ thấy có đôi mắt sáng lạnh lùng. Thằng bé này sẽ còn xuất hiện ở những đoạn sau của câu chuyện, nên bây giờ chúng ta chỉ nên tạm biết như thế.