Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 1)

Bây giờ thì bạn đang cầm trên tay cuốn sách của tôi. Nếu nó không hay, không hấp dẫn bạn thì tôi, với tư cách là tác giả xin bạn hãy khoan buông xuống, mà đọc thử một đoạn này. Rồi sau đó, có đọc tiếp hay không, là quyền của bạn, do bạn quyết định.
Tôi tin rằng bạn biết và nhớ hai câu thơ này.
"Tôi ở Vĩnh Yên lên,
Anh trên Sơn Cốt xuống!"
Hai câu thơ trên được viết bởi nhà thơ lớn nhất, vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Hai câu ấy được đưa vào sách giáo khoa, để nếu ai đã từng cắp sách đến trường đều được học. Nếu chỉ được viết bởi nhà thơ, dù là nhà thơ lớn tôi cũng không có gan cam đoan như trên, mà vì nó còn được đưa vào sách giáo khoa cho tôi, cho bạn và hàng triệu, hàng triệu người được học và phải học, phải trả bài nên niềm tin của tôi vào bạn là có cơ sở, bởi tôi tin là bạn có đi học và được học hai câu thơ trên.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 2)


Sau khi vãi nốt gánh phân cuối cùng để có được năm điểm ghi vào sổ hợp tác, tôi quẳng đôi quang gánh vào đâu đó rồi lên đồi nằm vật vờ trên vạt cỏ mua đất. Bên cạnh tôi, những ngôi mộ cũ cùng những bụi sim chằng chịt dây tơ hồng. Trời càng lúc càng tối sẫm, văng vẳng tiếng người gọi nhau trở về từ phía làng, nghe như tiếng gọi của những con người lạc nhau trong chiều hôm. Từ một ngôi mộ nào đó rất gần cất lên tiếng kêu đơn điệu, cô độc của một con dế. Tiếng kêu nghe lúc xa như kẻ hụt hơi, lúc gần đến chói tai. Cánh đồng tháng tám, cánh đồng có cái tên nghe muốn rớm nước mắt, trải ra một vùng tím ngát nối vùng đồi với dòng sông ngầu đục, con sông chảy cắt đôi làng tôi làm hai nửa không đều nhau, bên tả ngạn đang bồi, còn bờ kia đang lở. Phía bờ ngòi, một người đàn bà nách cắp chiếc rổ, xắn quần ngang đầu gối, hối hả chạy, bước thấp bước cao như có ma đuổi.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 3)

Trở lại phần đầu câu chuyện, tôi có kể là lúc tôi ở chiến trường ra, thăm thầy Hoan thầy ở một mình.
    -Tôi mới nhận sổ hưu được mấy tháng nay. Định cải tạo cái vườn trồng ít quất hồng bì và hồng xiêm. Cô Nga cô ấy xin đâu được hai cây giống, tôi mới trồng góc kia...
    -Thế còn cây si, cây si to thế bây giờ đâu rồi ạ?
    -Cây si ấy đáng lẽ là của tôi, nó mọc trên đất tôi. Nhưng người ta bảo của xã. Thế rối tự dưng nó héo cành, úa lá, rụng xuống đen thâm cả nước ao. Họ chặt năm ngoái rồi!
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 4)

 Anh Kỳ kể:
    -Sau khi cưới nhau được già nửa năm, chính xác là sáu tháng với mười sáu ngày, tôi nhập ngũ. Lần này do chính tôi xung phong, có người can ở lại chờ vợ có mang rồi hẵng đi cho chắc chắn có người nối dõi. Nhưng tôi không nghe, bởi thấy nó cứ thế nào ấy. Cậu thấy không? Tất cả dù lý do chính đáng thế nào đi nữa, có hợp lý đến đâu, trong hoàn cảnh ấy đều không hợp tình. Ba tháng huấn luyện ở Phú Bình, vợ tôi có sang thăm hai lần, tôi tranh thủ xin về nhà được một đêm. Sau đó là đi B...
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 5)

Sau những biến cố trên xảy ra, có thể coi như những cơn giông bão ập đến đổ lên hai vai chị Nga làm chị hoàn toàn thay đổi. Trước hết chị như người mộng du trong một cõi hư không của riêng chị. Lúc nào chị cũng cảm thấy muốn cười, cái cười nhạt, không chứa đựng một ý nghĩa nào, dù là chua chát đắng cay. Chị cười với con lợn, tiếng cười khanh khách như hồi còn trẻ, lúc chị mới vào trường trung cấp sư phạm. Từ trong nhà ngang, bà Tuân cố bò lại gần cái cửa sổ mắt cáo nhìn sang, bà thở dài rạch trở lại chỗ nằm, không thể biết bà nghĩ gì về cô con dâu. Có lúc chị cười với cái bóng mình dưới đáy giếng. Và kỳ lạ ở chỗ, trong mâm cơm, chị cứ nhìn ông Tuân mà cười! Điều thứ hai làm mọi người xung quanh để ý là chị bắt đầu hay chải tóc, ngắm nghía mình thật lâu bên thành giếng nước. Có vài lần chị lấy cái áo để đã lâu không mặc từ trong đáy hòm ra hong nắng, và buổi tối, chị mặc nó vào đi ngủ.
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 6)

Nắng gay gắt! Nắng tháng Tám héo quăn héo quắt lá sắn, bưởi trong vượn rụng bình bịch suốt đêm. Ban ngày, tầm quá trưa nước trên cánh đồng Lưu Lạc như sôi lên, sủi tăm, những con cua con, những con cá cờ đuôi tím ngắt... nhao vào bờ leo lên gốc rạ tìm nơi tránh nắng. Một buổi chiều, đúng vào ngày thằng con đầy tháng chị Nga đội nón bồng con ra xã làm giấy khai sinh. Tôi không muốn thuật lại cái chuyện đầy sóng gió này vì có nhiều người đã viết về sự "thẳng như nòng súng, rắn như hòn đạn" của Ủy ban hành chính hồi đó rồi. Nhưng nhờ vào tấm lòng từ tâm, đầy giông bão và đau khổ của bà chủ tịch xã, mà cũng có lẽ là do tiếng khóc đanh thép và dai dẳng của thằng bé, đích thân chủ tịch xã đã viết và ký giấy khai sinh cho nó. Nó mang họ Trần, họ của anh Kỳ, tên nó được chị Nga đặt là Hận, Trần Hận! Xong xuôi cái thủ tục này, chị bế thẳng con về nhà ông Tuân.
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 7)

 Ngay sau ngày hòa bình, từ chiến trường miền Nam trở về, một trong những nơi tôi đến thăm đầu tiên là Soi Vạt.
Bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Chỉ mới có mười năm thôi ư? Nhưng sao mà lâu thế, mà đằng đẵng thế? Và bất chợt tôi hiểu ra rằng, thời gian đối với mỗi con người, mỗi lứa tuổi và mỗi sự kiện, công việc cũng khác nhau. Thời gian chính là cái đồng hồ chỉ có mỗi một việc là quay tròn, tích tắc vô tư, vô hồn, còn con người thì lại dích dắc, ngoắt ngoéo, có khi thì là số phận đẩy đưa, mà cũng có khi lại là những mưu toan do chính mình bày ra và lao theo.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 8)

Nghe có người báo con gái đến tìm, chị Diệu lật đật chạy ra cổng ủy ban xã. Nhìn thấy con bé Thảo lúng túng nhảy từ trên chiếc xe đạp bóng nhoáng xuống, mẹ nó hốt hoảng:
- Chết thôi! Ai cho mày đi xe đạp thế hả Thảo?
- Ông! Ông bảo con đi tìm mẹ về ông bảo gì ấy! Con bé Thảo thích thú đáp lời mẹ. Nó chệnh choạng dẫn chiếc xe định dựa vào thềm gạch, nhưng dựa mãi không được, làm cái xe suýt thì đổ kềnh. Chị Diệu chạy đến giúp con gái:
- Ông làm sao thế hả con?
- Ông không làm sao, nhưng cơ mà khi ông chống gậy lên Soi Vạt về bảo con đi tìm mẹ ngay. Nhanh lên, mẹ về ngay đi!

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -9)

Tôi vẫn không biết, mà cũng không dám hỏi thầy Hoan rằng, trong những ngày hoạn nạn của chị Nga, tức là những ngày chị Nga bồng bế thằng Hận lên Soi Vạt trú ngụ, thì thầy Hoan làm gì, làm thế nào, sống như thế nào? Nhưng những mẩu chuyện vụn vặt trong mối giao tình giữ thầy Hoan và ông lão Tuân thì tôi đã được nghe kể.
Sự đối trọng căng thẳng, quyết liệt và cũng rất cân bằng giữa một bên là thầy Hoan, một ông giáo làng đã hồi hưu, chẳng giữ một vai trò gì trong cái làng Sơn Cốt bé bỏng, nghèo nàn, nheo nhóc..., nhưng thầy Hoan của tôi lại tồn tại như một thứ cây thảo mộc cổ thụ, luôn tiềm ẩn những vị thuốc, tuy không quý giá, mà đôi khi cần người ta vẫn nhớ đến. Bên kia, là ông thông gia, cụ Tuân, một lão nông chi điền chất phác với người ngoài nhưng lại rất uy nghi, pha thêm cái chút láu cá tiểu nông trong cư xử với người thân, trong làng xóm, trong họ mạc. Nếu thầy Hoan là một thứ cây thảo mộc ít rễ, dễ ăn, dễ sống, dễ bị lung lay trước cả những cơn gió heo may... thì ông lão Tuân như một cây ổi già trong vườn tạp bị trẻ con leo trèo, quần thảo, lá cành tơi tả, khiến nó sinh ra những quả chua ngắt, nhưng mà bền chắc, vững chãi đời đời.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -10)

Như tôi đã kể ở phần trên cuốn sách này, tôi và chị Nga, hai chị em chúng tôi xa nhau kể từ buổi sáng chị đi lấy chồng, và tôi lên đường nhập ngũ, đến tận mãi hai mươi bảy năm sau, khi cả hai đã bạc tóc mới gặp lại nhau. Quãng thời gian xa cách ấy, là quãng đời lưu lạc, cho đến khi gặp nhau cũng không phải ở quê nhà. Có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu biến cố mà chị dồn nén trong lòng, đem ra kể với đứa em là tôi.
    Thì ra cái đêm chị dời Soi Vạt để trôi theo dòng sông Công về xuôi, không phải hai mẹ con chị ngồi trên cái mảng nứa, lềnh bềnh theo dòng lũ xiết như người ta đồn thổi lên. Chị kể với tôi rằng, Soi Vạt không phải là nơi trú ngụ suốt đời chị và thằng Hận con chị, và ngay cả cái làng Sơn Cốt của chúng tôi cũng không thể dung thứ chị. Phải ra đi, chị nhất quyết đã nghĩ như vậy. Nhưng đi bằng cách nào? Và sẽ sống ra sao?
   

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -11)

Tôi gặp lại chị Nga của mình sau đúng hai mươi bảy năm. Từ dạo ấy, từ sau cái ngày đám cưới chị, tôi đạp xe mải miết về tỉnh đội, mải miết đi B, đi trong nhiều đội hình, rồi nếm trải, thưởng thức hương vị vinh quang của khúc khải hoàn do chiến tranh mang lại. Suốt một chặng đường dài ấy tôi nhận thấy rằng có nhiều lần tôi đã quên bẵng hình ảnh chị Nga, nhất là những khi cảm thấy mình có một chút thành đạt trong đời. Nhưng lạ lùng thay hễ cứ mỗi lần vấp ngã, một bận gặp phải nỗi niềm oan trái tai ương ập đến tôi lại nhớ về cái làng quê bé bỏng của tôi. Và hình ảnh chị Nga lại hiện ra, lại thì thầm bên tôi như như những ngày thơ dại. Mỗi lần tôi muốn khóc, tôi lại nghe tiếng chị:
    - Nín đi em, khóc thế đủ rồi!
   

Cánh đồng lưu lạc (Trich tiểu thuyết)(12)

Tôi cho rằng, nhất định đến một ngày nào đó, gần đây thôi, người ta phải chịu hiểu rằng một con người được sinh ra là hoàn toàn ngẫu nhiên. Con người đó, sinh mệnh đó, bắt buộc phải có mặt trên cõi đời này hoàn toàn do ý chí của người khác. Và cũng có khi chẳng do ý chí của một ai. Tình cờ thôi! Đó chính là điều bất hạnh.
    Rất nhiều người do chậm hiểu hoặc do lợi ích nào đó của mình, cố gắng biện hộ cho vai trò của con người. Đó là điều bất nhẫn, không thể tha thứ được. Sự ngẫu nhiên đến buồn cười của số phận khoác cho ai, buộc cho ai những thứ gì đó… đến bây giờ cũng chẳng có ý thức nào hiểu nổi.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (13)


 Đang dở tay với mấy cái cọc bên bờ dậu, lúng túng thế nào để cái lạt cật cứa ngang lòng bàn tay, máu ứa ra, buốt xót, Tĩnh vào sân, quăng con dao lên hè, vào nhà, nằm vật ra giường. Bà cụ mẹ anh đang ngồi xếp lại mấy thứ lặt vặt, cũ kỹ, trong cái làn mây, thấy con trai thở dài thì nhìn lên, ái ngại. Cụ định nói một câu gì đó, nhưng nghĩ mãi chẳng ra. Khuyên nó mãi cũng chẳng nổi. Mắng nó rồi cũng chẳng thấy xiêu. Nhất là sau chuyến ngược bè về, tiền nong có được vài chục đưa hết cho mẹ rồi không đi nữa. Bà cụ hỏi ông Thuần, thì ông ấy cũng chẳng nói thật:
    - Bè giang cực lắm cụ ơi! Sức chú ấy trông thế nhưng còn yếu lắm. Ở chiến trường bao nhiêu năm, còn gì là người. Chuyến này để cho nó ở nhà…
    Ở nhà là phải rồi, mấy sào ruộng thằng anh nó san bớt cho, hai mẹ con cũng đủ rau cháo. Nó không nói gì, cứ hơn hớn theo bè ông Thuần. Những chuyến trước chẳng sao, nhưng mà chuyến này về thấy được ít quá, hay nó chán?

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (14)


 Ông lão ra đi vào một đêm tối trời, dường như để lánh mặt người làng. Hành lý của ông lão chỉ gồm có một bộ quần áo được coi là tươm tất nhất, chiếc áo gụ hơi bạc mồ hôi, cái quần kaki của anh Kỳ để lại cũng đã sờn bạc. Với số tiền tổng cộng được gần hai mươi lăm đồng bạc, trong đó có đến quá nửa là loại giấy một hào, hai hào, do tích cóp mà có, số còn lại là tiền liệt sĩ của anh Kỳ, của nhà nước.
    Vào những tháng năm ấy, hẳn nhiều người còn nhớ việc đi lại bằng xe ô ô khách là một cực hình. Cả tỉnh chúng tôi chỉ có một bến xe Đồng Quang, mà xe thì ọc ạch, giờ giấc thì phập phù, hành khách lèn chật cứng, còn tài xế là những người mà vừa là hung thần, vừa là tên lưu manh mạt hạng. Xe ô tô của nhà nước, thường được ca ngợi là của nhân dân, tài sản của toàn dân, nhưng rơi vào tay tài xế nó đương nhiên là của báu để kiếm chác, để diễu võ giương oai. Đến nỗi, trong quân đội vẫn có câu: “Trung uý thiếu uý, không bằng một tí lái xe!”. Vì thế, ông lão Tuân không thể chọn con đường xe ô tô khách để đi Phú Thọ. Ông quyết định lấy con đường tàu hoả, lên từ ga Phổ Yên để về Hà Nội, rồi từ ga Hàng Cỏ, ông lại lên tàu đi Phú Thọ. Con đường đi của mẹ con chị Nga cũng là con đường ấy, tuy xuất phát từ một bến sông, con đường định mệnh...

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (15)

Chị Nga không biết có người đang theo sát chân mình, nên cứ chạy co ro trong gió. Chiếc nón lá già thỉnh thoảng lại bị gió lật nghiêng, khiến chị phải vừa chạy vừa giữ. Mưa đã ngớt nhưng vẫn còn thấm ướt lưng áo. Chiếc áo len gụ cũng thấm đẫm nước mưa. Không sao, tí nữa chị có thể hong khô ngay trên mặt bếp lò than của cửa hàng, chị vừa đi vừa mỉm cười một mình.
    Đằng sau chị một quãng xa, ông lão cũng rảo chân theo sau. Thỉnh thoảng đến chỗ ngã rẽ, ông cố chạy lên để không bị mất dạng người ông đang tìm. Đến khi thấy người đàn bà rẽ vào cửa hàng ăn, ông đinh ninh chị vào ăn hàng. Ông thu xếp một chỗ ngồi bên dưới một mái hiên nhà kho, chờ đợi như một người qua đường trú mưa, nhất là trông ông trong bộ dạng một lão già hành khất như thế này.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (16)

Sáng hôm sau tôi dậy muộn, đó là một tật xấu của tôi. Trong một số tật xấu có thể kể ra được của tôi, có tật ngủ vùi. Người ta bảo càng già càng ít ngủ. Những người cùng tuổi với tôi, bốn năm giờ sáng đã dậy, họ đi bộ, tập thể dục, chăn lợn gà, đưa hàng ra chợ cho vợ con… Còn tôi vẫn đang ngủ, thường trở dậy vào khoảng tám giờ sáng! Cho nên khi tôi mở mắt ra đã thấy chị Nga đang lúi húi quét nhà. Tôi ra khỏi giường, nhìn đồng hồ thấy hơn bảy giờ, cười ngượng:
    - Chị quét làm gì? Cứ để đấy, tí nữa trẻ con về chúng nó làm…
    - Cậu hay nhỉ? Người đâu mà ngủ khiếp thế? Người ta chả bảo “Cuộc đời ngắn một gang tay; những kẻ ngủ ngày còn độ nửa gang”. Chị cười thật tự nhiên, cái hồn nhiên của tuổi sắp già, nó vừa buồn cười, lại vừa thương.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (17)

17
  
Khi chị Nga về đến làng Sơn Cốt của chúng tôi thì sức lực của thầy Hoan đã suy kiệt, thầy yếu lắm rồi. Chị Nga lao vào ôm lấy bố khóc như mưa gió, trong khi anh Tĩnh và thằng Hận chỉ biết ngồi nhìn. Nhưng khi thấy con gái đã về, thầy cố gượng dậy và cố vui như không có chuyện gì xảy ra, như chị Nga vẫn ở bên thầy từ trước đến giờ. Thấy thế chị Nga càng tủi. Một tuần sau, thầy qua đời. Đám ma của thầy giản dị nhưng trang nghiêm. Tất cả người làng đều đến đưa thầy ra nghĩa trang, ai cũng muốn thả một hòn đất xuống cho thầy được yên ấm. Kể cũng lạ, anh Tĩnh là người hoàn toàn xa lạ với phong tục tập quán của làng tôi, nhưng anh đã rất thành thạo trong công việc ma chay, khiến dân làng cứ tưởng anh là chồng chị Nga từ lâu rồi…
    Mấy năm sau, tôi có dịp về quê và có đến thắp hương trước mộ thầy. Nhưng tôi vô tâm, đến nỗi không hỏi xem chị Nga bây giờ ở đâu. Mà có hỏi chắc cũng chẳng ai biết. Tôi chỉ được nghe mẹ tôi nói rằng, “có cả thằng chồng nó cùng về trước khi ông giáo qua đời. Sau đó chúng nó đưa nhau đi đâu thì không ai biết”.