Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 1)

Bây giờ thì bạn đang cầm trên tay cuốn sách của tôi. Nếu nó không hay, không hấp dẫn bạn thì tôi, với tư cách là tác giả xin bạn hãy khoan buông xuống, mà đọc thử một đoạn này. Rồi sau đó, có đọc tiếp hay không, là quyền của bạn, do bạn quyết định.
Tôi tin rằng bạn biết và nhớ hai câu thơ này.
"Tôi ở Vĩnh Yên lên,
Anh trên Sơn Cốt xuống!"
Hai câu thơ trên được viết bởi nhà thơ lớn nhất, vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Hai câu ấy được đưa vào sách giáo khoa, để nếu ai đã từng cắp sách đến trường đều được học. Nếu chỉ được viết bởi nhà thơ, dù là nhà thơ lớn tôi cũng không có gan cam đoan như trên, mà vì nó còn được đưa vào sách giáo khoa cho tôi, cho bạn và hàng triệu, hàng triệu người được học và phải học, phải trả bài nên niềm tin của tôi vào bạn là có cơ sở, bởi tôi tin là bạn có đi học và được học hai câu thơ trên.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 2)


Sau khi vãi nốt gánh phân cuối cùng để có được năm điểm ghi vào sổ hợp tác, tôi quẳng đôi quang gánh vào đâu đó rồi lên đồi nằm vật vờ trên vạt cỏ mua đất. Bên cạnh tôi, những ngôi mộ cũ cùng những bụi sim chằng chịt dây tơ hồng. Trời càng lúc càng tối sẫm, văng vẳng tiếng người gọi nhau trở về từ phía làng, nghe như tiếng gọi của những con người lạc nhau trong chiều hôm. Từ một ngôi mộ nào đó rất gần cất lên tiếng kêu đơn điệu, cô độc của một con dế. Tiếng kêu nghe lúc xa như kẻ hụt hơi, lúc gần đến chói tai. Cánh đồng tháng tám, cánh đồng có cái tên nghe muốn rớm nước mắt, trải ra một vùng tím ngát nối vùng đồi với dòng sông ngầu đục, con sông chảy cắt đôi làng tôi làm hai nửa không đều nhau, bên tả ngạn đang bồi, còn bờ kia đang lở. Phía bờ ngòi, một người đàn bà nách cắp chiếc rổ, xắn quần ngang đầu gối, hối hả chạy, bước thấp bước cao như có ma đuổi.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 3)

Trở lại phần đầu câu chuyện, tôi có kể là lúc tôi ở chiến trường ra, thăm thầy Hoan thầy ở một mình.
    -Tôi mới nhận sổ hưu được mấy tháng nay. Định cải tạo cái vườn trồng ít quất hồng bì và hồng xiêm. Cô Nga cô ấy xin đâu được hai cây giống, tôi mới trồng góc kia...
    -Thế còn cây si, cây si to thế bây giờ đâu rồi ạ?
    -Cây si ấy đáng lẽ là của tôi, nó mọc trên đất tôi. Nhưng người ta bảo của xã. Thế rối tự dưng nó héo cành, úa lá, rụng xuống đen thâm cả nước ao. Họ chặt năm ngoái rồi!
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 4)

 Anh Kỳ kể:
    -Sau khi cưới nhau được già nửa năm, chính xác là sáu tháng với mười sáu ngày, tôi nhập ngũ. Lần này do chính tôi xung phong, có người can ở lại chờ vợ có mang rồi hẵng đi cho chắc chắn có người nối dõi. Nhưng tôi không nghe, bởi thấy nó cứ thế nào ấy. Cậu thấy không? Tất cả dù lý do chính đáng thế nào đi nữa, có hợp lý đến đâu, trong hoàn cảnh ấy đều không hợp tình. Ba tháng huấn luyện ở Phú Bình, vợ tôi có sang thăm hai lần, tôi tranh thủ xin về nhà được một đêm. Sau đó là đi B...
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 5)

Sau những biến cố trên xảy ra, có thể coi như những cơn giông bão ập đến đổ lên hai vai chị Nga làm chị hoàn toàn thay đổi. Trước hết chị như người mộng du trong một cõi hư không của riêng chị. Lúc nào chị cũng cảm thấy muốn cười, cái cười nhạt, không chứa đựng một ý nghĩa nào, dù là chua chát đắng cay. Chị cười với con lợn, tiếng cười khanh khách như hồi còn trẻ, lúc chị mới vào trường trung cấp sư phạm. Từ trong nhà ngang, bà Tuân cố bò lại gần cái cửa sổ mắt cáo nhìn sang, bà thở dài rạch trở lại chỗ nằm, không thể biết bà nghĩ gì về cô con dâu. Có lúc chị cười với cái bóng mình dưới đáy giếng. Và kỳ lạ ở chỗ, trong mâm cơm, chị cứ nhìn ông Tuân mà cười! Điều thứ hai làm mọi người xung quanh để ý là chị bắt đầu hay chải tóc, ngắm nghía mình thật lâu bên thành giếng nước. Có vài lần chị lấy cái áo để đã lâu không mặc từ trong đáy hòm ra hong nắng, và buổi tối, chị mặc nó vào đi ngủ.
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 6)

Nắng gay gắt! Nắng tháng Tám héo quăn héo quắt lá sắn, bưởi trong vượn rụng bình bịch suốt đêm. Ban ngày, tầm quá trưa nước trên cánh đồng Lưu Lạc như sôi lên, sủi tăm, những con cua con, những con cá cờ đuôi tím ngắt... nhao vào bờ leo lên gốc rạ tìm nơi tránh nắng. Một buổi chiều, đúng vào ngày thằng con đầy tháng chị Nga đội nón bồng con ra xã làm giấy khai sinh. Tôi không muốn thuật lại cái chuyện đầy sóng gió này vì có nhiều người đã viết về sự "thẳng như nòng súng, rắn như hòn đạn" của Ủy ban hành chính hồi đó rồi. Nhưng nhờ vào tấm lòng từ tâm, đầy giông bão và đau khổ của bà chủ tịch xã, mà cũng có lẽ là do tiếng khóc đanh thép và dai dẳng của thằng bé, đích thân chủ tịch xã đã viết và ký giấy khai sinh cho nó. Nó mang họ Trần, họ của anh Kỳ, tên nó được chị Nga đặt là Hận, Trần Hận! Xong xuôi cái thủ tục này, chị bế thẳng con về nhà ông Tuân.
    

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 7)

 Ngay sau ngày hòa bình, từ chiến trường miền Nam trở về, một trong những nơi tôi đến thăm đầu tiên là Soi Vạt.
Bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Chỉ mới có mười năm thôi ư? Nhưng sao mà lâu thế, mà đằng đẵng thế? Và bất chợt tôi hiểu ra rằng, thời gian đối với mỗi con người, mỗi lứa tuổi và mỗi sự kiện, công việc cũng khác nhau. Thời gian chính là cái đồng hồ chỉ có mỗi một việc là quay tròn, tích tắc vô tư, vô hồn, còn con người thì lại dích dắc, ngoắt ngoéo, có khi thì là số phận đẩy đưa, mà cũng có khi lại là những mưu toan do chính mình bày ra và lao theo.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 8)

Nghe có người báo con gái đến tìm, chị Diệu lật đật chạy ra cổng ủy ban xã. Nhìn thấy con bé Thảo lúng túng nhảy từ trên chiếc xe đạp bóng nhoáng xuống, mẹ nó hốt hoảng:
- Chết thôi! Ai cho mày đi xe đạp thế hả Thảo?
- Ông! Ông bảo con đi tìm mẹ về ông bảo gì ấy! Con bé Thảo thích thú đáp lời mẹ. Nó chệnh choạng dẫn chiếc xe định dựa vào thềm gạch, nhưng dựa mãi không được, làm cái xe suýt thì đổ kềnh. Chị Diệu chạy đến giúp con gái:
- Ông làm sao thế hả con?
- Ông không làm sao, nhưng cơ mà khi ông chống gậy lên Soi Vạt về bảo con đi tìm mẹ ngay. Nhanh lên, mẹ về ngay đi!

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -9)

Tôi vẫn không biết, mà cũng không dám hỏi thầy Hoan rằng, trong những ngày hoạn nạn của chị Nga, tức là những ngày chị Nga bồng bế thằng Hận lên Soi Vạt trú ngụ, thì thầy Hoan làm gì, làm thế nào, sống như thế nào? Nhưng những mẩu chuyện vụn vặt trong mối giao tình giữ thầy Hoan và ông lão Tuân thì tôi đã được nghe kể.
Sự đối trọng căng thẳng, quyết liệt và cũng rất cân bằng giữa một bên là thầy Hoan, một ông giáo làng đã hồi hưu, chẳng giữ một vai trò gì trong cái làng Sơn Cốt bé bỏng, nghèo nàn, nheo nhóc..., nhưng thầy Hoan của tôi lại tồn tại như một thứ cây thảo mộc cổ thụ, luôn tiềm ẩn những vị thuốc, tuy không quý giá, mà đôi khi cần người ta vẫn nhớ đến. Bên kia, là ông thông gia, cụ Tuân, một lão nông chi điền chất phác với người ngoài nhưng lại rất uy nghi, pha thêm cái chút láu cá tiểu nông trong cư xử với người thân, trong làng xóm, trong họ mạc. Nếu thầy Hoan là một thứ cây thảo mộc ít rễ, dễ ăn, dễ sống, dễ bị lung lay trước cả những cơn gió heo may... thì ông lão Tuân như một cây ổi già trong vườn tạp bị trẻ con leo trèo, quần thảo, lá cành tơi tả, khiến nó sinh ra những quả chua ngắt, nhưng mà bền chắc, vững chãi đời đời.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -10)

Như tôi đã kể ở phần trên cuốn sách này, tôi và chị Nga, hai chị em chúng tôi xa nhau kể từ buổi sáng chị đi lấy chồng, và tôi lên đường nhập ngũ, đến tận mãi hai mươi bảy năm sau, khi cả hai đã bạc tóc mới gặp lại nhau. Quãng thời gian xa cách ấy, là quãng đời lưu lạc, cho đến khi gặp nhau cũng không phải ở quê nhà. Có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu biến cố mà chị dồn nén trong lòng, đem ra kể với đứa em là tôi.
    Thì ra cái đêm chị dời Soi Vạt để trôi theo dòng sông Công về xuôi, không phải hai mẹ con chị ngồi trên cái mảng nứa, lềnh bềnh theo dòng lũ xiết như người ta đồn thổi lên. Chị kể với tôi rằng, Soi Vạt không phải là nơi trú ngụ suốt đời chị và thằng Hận con chị, và ngay cả cái làng Sơn Cốt của chúng tôi cũng không thể dung thứ chị. Phải ra đi, chị nhất quyết đã nghĩ như vậy. Nhưng đi bằng cách nào? Và sẽ sống ra sao?
   

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -11)

Tôi gặp lại chị Nga của mình sau đúng hai mươi bảy năm. Từ dạo ấy, từ sau cái ngày đám cưới chị, tôi đạp xe mải miết về tỉnh đội, mải miết đi B, đi trong nhiều đội hình, rồi nếm trải, thưởng thức hương vị vinh quang của khúc khải hoàn do chiến tranh mang lại. Suốt một chặng đường dài ấy tôi nhận thấy rằng có nhiều lần tôi đã quên bẵng hình ảnh chị Nga, nhất là những khi cảm thấy mình có một chút thành đạt trong đời. Nhưng lạ lùng thay hễ cứ mỗi lần vấp ngã, một bận gặp phải nỗi niềm oan trái tai ương ập đến tôi lại nhớ về cái làng quê bé bỏng của tôi. Và hình ảnh chị Nga lại hiện ra, lại thì thầm bên tôi như như những ngày thơ dại. Mỗi lần tôi muốn khóc, tôi lại nghe tiếng chị:
    - Nín đi em, khóc thế đủ rồi!
   

Cánh đồng lưu lạc (Trich tiểu thuyết)(12)

Tôi cho rằng, nhất định đến một ngày nào đó, gần đây thôi, người ta phải chịu hiểu rằng một con người được sinh ra là hoàn toàn ngẫu nhiên. Con người đó, sinh mệnh đó, bắt buộc phải có mặt trên cõi đời này hoàn toàn do ý chí của người khác. Và cũng có khi chẳng do ý chí của một ai. Tình cờ thôi! Đó chính là điều bất hạnh.
    Rất nhiều người do chậm hiểu hoặc do lợi ích nào đó của mình, cố gắng biện hộ cho vai trò của con người. Đó là điều bất nhẫn, không thể tha thứ được. Sự ngẫu nhiên đến buồn cười của số phận khoác cho ai, buộc cho ai những thứ gì đó… đến bây giờ cũng chẳng có ý thức nào hiểu nổi.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (13)


 Đang dở tay với mấy cái cọc bên bờ dậu, lúng túng thế nào để cái lạt cật cứa ngang lòng bàn tay, máu ứa ra, buốt xót, Tĩnh vào sân, quăng con dao lên hè, vào nhà, nằm vật ra giường. Bà cụ mẹ anh đang ngồi xếp lại mấy thứ lặt vặt, cũ kỹ, trong cái làn mây, thấy con trai thở dài thì nhìn lên, ái ngại. Cụ định nói một câu gì đó, nhưng nghĩ mãi chẳng ra. Khuyên nó mãi cũng chẳng nổi. Mắng nó rồi cũng chẳng thấy xiêu. Nhất là sau chuyến ngược bè về, tiền nong có được vài chục đưa hết cho mẹ rồi không đi nữa. Bà cụ hỏi ông Thuần, thì ông ấy cũng chẳng nói thật:
    - Bè giang cực lắm cụ ơi! Sức chú ấy trông thế nhưng còn yếu lắm. Ở chiến trường bao nhiêu năm, còn gì là người. Chuyến này để cho nó ở nhà…
    Ở nhà là phải rồi, mấy sào ruộng thằng anh nó san bớt cho, hai mẹ con cũng đủ rau cháo. Nó không nói gì, cứ hơn hớn theo bè ông Thuần. Những chuyến trước chẳng sao, nhưng mà chuyến này về thấy được ít quá, hay nó chán?

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (14)


 Ông lão ra đi vào một đêm tối trời, dường như để lánh mặt người làng. Hành lý của ông lão chỉ gồm có một bộ quần áo được coi là tươm tất nhất, chiếc áo gụ hơi bạc mồ hôi, cái quần kaki của anh Kỳ để lại cũng đã sờn bạc. Với số tiền tổng cộng được gần hai mươi lăm đồng bạc, trong đó có đến quá nửa là loại giấy một hào, hai hào, do tích cóp mà có, số còn lại là tiền liệt sĩ của anh Kỳ, của nhà nước.
    Vào những tháng năm ấy, hẳn nhiều người còn nhớ việc đi lại bằng xe ô ô khách là một cực hình. Cả tỉnh chúng tôi chỉ có một bến xe Đồng Quang, mà xe thì ọc ạch, giờ giấc thì phập phù, hành khách lèn chật cứng, còn tài xế là những người mà vừa là hung thần, vừa là tên lưu manh mạt hạng. Xe ô tô của nhà nước, thường được ca ngợi là của nhân dân, tài sản của toàn dân, nhưng rơi vào tay tài xế nó đương nhiên là của báu để kiếm chác, để diễu võ giương oai. Đến nỗi, trong quân đội vẫn có câu: “Trung uý thiếu uý, không bằng một tí lái xe!”. Vì thế, ông lão Tuân không thể chọn con đường xe ô tô khách để đi Phú Thọ. Ông quyết định lấy con đường tàu hoả, lên từ ga Phổ Yên để về Hà Nội, rồi từ ga Hàng Cỏ, ông lại lên tàu đi Phú Thọ. Con đường đi của mẹ con chị Nga cũng là con đường ấy, tuy xuất phát từ một bến sông, con đường định mệnh...

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (15)

Chị Nga không biết có người đang theo sát chân mình, nên cứ chạy co ro trong gió. Chiếc nón lá già thỉnh thoảng lại bị gió lật nghiêng, khiến chị phải vừa chạy vừa giữ. Mưa đã ngớt nhưng vẫn còn thấm ướt lưng áo. Chiếc áo len gụ cũng thấm đẫm nước mưa. Không sao, tí nữa chị có thể hong khô ngay trên mặt bếp lò than của cửa hàng, chị vừa đi vừa mỉm cười một mình.
    Đằng sau chị một quãng xa, ông lão cũng rảo chân theo sau. Thỉnh thoảng đến chỗ ngã rẽ, ông cố chạy lên để không bị mất dạng người ông đang tìm. Đến khi thấy người đàn bà rẽ vào cửa hàng ăn, ông đinh ninh chị vào ăn hàng. Ông thu xếp một chỗ ngồi bên dưới một mái hiên nhà kho, chờ đợi như một người qua đường trú mưa, nhất là trông ông trong bộ dạng một lão già hành khất như thế này.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (16)

Sáng hôm sau tôi dậy muộn, đó là một tật xấu của tôi. Trong một số tật xấu có thể kể ra được của tôi, có tật ngủ vùi. Người ta bảo càng già càng ít ngủ. Những người cùng tuổi với tôi, bốn năm giờ sáng đã dậy, họ đi bộ, tập thể dục, chăn lợn gà, đưa hàng ra chợ cho vợ con… Còn tôi vẫn đang ngủ, thường trở dậy vào khoảng tám giờ sáng! Cho nên khi tôi mở mắt ra đã thấy chị Nga đang lúi húi quét nhà. Tôi ra khỏi giường, nhìn đồng hồ thấy hơn bảy giờ, cười ngượng:
    - Chị quét làm gì? Cứ để đấy, tí nữa trẻ con về chúng nó làm…
    - Cậu hay nhỉ? Người đâu mà ngủ khiếp thế? Người ta chả bảo “Cuộc đời ngắn một gang tay; những kẻ ngủ ngày còn độ nửa gang”. Chị cười thật tự nhiên, cái hồn nhiên của tuổi sắp già, nó vừa buồn cười, lại vừa thương.

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (17)

17
  
Khi chị Nga về đến làng Sơn Cốt của chúng tôi thì sức lực của thầy Hoan đã suy kiệt, thầy yếu lắm rồi. Chị Nga lao vào ôm lấy bố khóc như mưa gió, trong khi anh Tĩnh và thằng Hận chỉ biết ngồi nhìn. Nhưng khi thấy con gái đã về, thầy cố gượng dậy và cố vui như không có chuyện gì xảy ra, như chị Nga vẫn ở bên thầy từ trước đến giờ. Thấy thế chị Nga càng tủi. Một tuần sau, thầy qua đời. Đám ma của thầy giản dị nhưng trang nghiêm. Tất cả người làng đều đến đưa thầy ra nghĩa trang, ai cũng muốn thả một hòn đất xuống cho thầy được yên ấm. Kể cũng lạ, anh Tĩnh là người hoàn toàn xa lạ với phong tục tập quán của làng tôi, nhưng anh đã rất thành thạo trong công việc ma chay, khiến dân làng cứ tưởng anh là chồng chị Nga từ lâu rồi…
    Mấy năm sau, tôi có dịp về quê và có đến thắp hương trước mộ thầy. Nhưng tôi vô tâm, đến nỗi không hỏi xem chị Nga bây giờ ở đâu. Mà có hỏi chắc cũng chẳng ai biết. Tôi chỉ được nghe mẹ tôi nói rằng, “có cả thằng chồng nó cùng về trước khi ông giáo qua đời. Sau đó chúng nó đưa nhau đi đâu thì không ai biết”.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGO

Tiểu thuyết

Phần 1 - HIỆN TẠI

1.
Khi tôi quyết định đặt cho cuốn sách của mình cái tên như vậy, thì mụ Phương Nham nhảy dựng lên, quăng hẳn cuốn tạp chí "Ăn quà vặt" vèo một cái, chạy đến sau lưng tôi, không hẳn là xỉa xói, nhưng rất gay gắt, thở phì phào, gấp gáp:
-Không được! Ai lại đặt tên như thế?
-Sao lại không được? Sao lại không được kia chứ? Tôi nhắc lại hai hay ba lần gì đó, câu khẳng định chủ quyền của mình, bằng những câu hỏi giống nhau. Phương Nham vẫn không chịu thôi, lấy ngón tay trỏ có cái móng nhọn hoắt và đen thầm, chỉ vào màn hình máy tính, làm nó lõm xuống trông thấy:
-Đàn bà thì phải có gương để soi cái dung nhan của mình.
-Cuốn sách của tôi không phải là một mụ đàn bà, lại càng không phải một mụ đàn bà xấu xí, hỗn hào, nanh nọc, và không chồng, không con, cô quả cô độc.
Suy nghĩ một hồi tương đối lâu, mụ tấn công tôi bằng một đòn tuyệt đối:
-Cuốn sách nào cũng là một con đàn bà.
Không thể cứ cãi nhau tay đôi với một người đàn bà đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, nhan sắc rơi rụng lả tả sau mỗi lần thất tình. Phương Nham là một người đàn bà thất tình chuyên nghiệp. Chị ta yêu hối hả và cũng chia tay với những người đàn ông còn hối hả hơn. Không nên tìm hiểu quá kỹ lý do thất tình của Phương Nham, vì mụ đâu có phải là nhân vật chính trong câu chuyện của tôi. Vì thế, tôi không thèm cãi cọ với mụ nữa. Tôi phải dành thì giờ để viết nó, ít nhất là những trang đầu.
-Tôi nói câu cuối cùng với chị nhé: cuốn sách là của tôi, do tôi bịa ra cái câu chuyện này, thì tôi có quyền đặt tên. Cũng như đứa con của người ta, làm cha, làm mẹ người ta bịa ra những đứa con của mình, thì họ có quyền đặt tên cho nó mà không phụ thuộc vào những người đàn bà lắm chuyện.
-Tôi không lắm chuyện. Chỉ vừa đủ. Nhưng, cuốn sách với một đứa con hoàn toàn khác nhau.
-Đồng ý thôi! Nhưng cũng giống nhau, tôi bất ngờ phản lại.
-Là sao?
-Là người ta, tôi đây này, cũng phải vất vả lắm mới tạo được ra nó.
-Đồ đàn ông vô dụng!
Tôi không thèm để ý đến câu nói ngang rất kém văn hoá của Phương Nham, mà như một "ông già lựu đạn", vừa điếc, vừa khinh người, tiếp tục huy động sự suy nghĩ của mình thành lời nói:
-Chị có thấy cái biệt thự kia không? Nó đồ sộ, hùng dũng, và rồi khi tô trát, sơn phết xong, sẽ hứa hẹn một biệt thự xinh đẹp, lộng lẫy... nhưng người chủ của nó lại đặt cho nó một cái tên nghe vừa xấu, vừa bốc mùi hôi thối lên kia...
-Tên là gì?
-Hoa Cứt Lợn! Tôi trả lời rành mạch và để ý đến khuôn mặt của Phương Nham còn xinh đẹp gọi là đôi chút, đang biến động một cách thảm hại:
-Cái gì? Tôi có nghe nhầm không đấy? Hoa Cứt Lợn à?
- Tất nhiên rồi. Tôi khoái chí, nhìn con mắt vốn đã hơi xếch, giờ càng xếch thêm của Phương Nham. Nó giống như cái miệng của Đạo Sĩ Mùa Thu, mỗi lần cần tập trung luyện chí khí. Phương Nham đã thất bại.
Mụ quay lại với công việc của mình.
Còn tôi, tiếp tục viết.

RĂC-KI CHÚC NGỦ NGON

Phần 1 - HIỆN TẠI
2.
 
Đó là một ngôi nhà đẹp! Đẹp và hoành tráng đến nỗi người đời không nỡ gọi nó là nhà được nữa, mà a dua theo nhau gọi nó bằng cái tên sang trọng và thời thượng: biệt thự! Ngoài sự sang trọng và tuyệt mỹ, chắc chắn và kín đáo thì sự khác nhau giữa biệt thự và nhà còn ở chỗ: nhà thì vô danh, hay nói đúng hơn, chỉ có một cái tên chung là nhà; còn biệt thự thì có tên, tên riêng, như tên người và cũng có thể như tên của một con vật nuôi yêu quý, như ngựa, chó, hoặc mèo, vân vân!
       Ngôi biệt thự kia có tên, và tên nó là Biệt thự Hoa Chó Đẻ.
       Bây giờ thì mọi chuyện có thể sẽ dài dòng đây. Cái tên nghe không được tao nhã mấy kia đã là đầu đề tham chiếu của biết bao người, từ người vô học đến tao nhân mặc khách, từ bình dân đến các nhà chính khách, nếu có dịp đi qua khu vực này. Cái tên như thế hoàn toàn không xứng đáng không chỉ với bản thân ngôi biệt thự mà còn không tương xứng với người chủ của nó.
       Hoa Chó đẻ, nghe nói là tên một loại cây thuốc chữa bệnh có tên chữ là Trân Châu Dạ Thảo. Tuy nhiên mấy chàng trai đen đủi, rách bươm quê quán từ miền Bắc vào làm thợ hồ lại cứ "lăn tăn" mãi rằng, tại sao ông chủ lại không lấy tên chữ Tàu để đặt cho nó sang, mà lại dùng cái tên "Viêt Lam", nghe cứ bẩn bẩn thế nào! Chuyện ấy bọn chúng không hiểu, và chẳng muốn hiểu, nhưng lại cãi rằng:
       -Cây Cứt Lợn! Chính xác "chăm phần chăm" nó là hoa cứt lợn. Còn tại sao ư? Nó có lá màu xanh đậm, đem cắt về, băm ra thành từng đoạn dài cỡ nửa gang tay, vãi ra ruộng, cứ gọi là ngang ngửa với phân lợn. Ở quê tớ gọi đấy là phân xanh!
       -Chả phải! Một tay khác có cái áo xanh bợt, đứt ngang lưng và cái mồm đầy răng thì cãi lại. Đấy là cây cỏ hôi, hiểu chưa? Nó hôi lắm...
       -Thế mà cũng đòi giải thích! Cỏ là cỏ, đằng này nó là cây hẳn hoi. Có cành, có thân, có lá... Như thế này mà gọi là cỏ à?
       -Cũng sai nốt! Các cậu "chả biết gì về điện" cả! Nó chính xác là cây chó đẻ. Còn vì sao lại có tên như thế, thì vểnh tai chó lên mà nghe đây: người ta cắt về lót làm or cho con chó nó đẻ! Đơn giản chỉ có thế mà cũng cãi nhau.
       -Chó đẻ thì đúng rồi, nhưng nó là loài cây mọc vô tội vạ, mọc đểu, mọc không biết ngượng. Đồ chó đẻ là thế...
       Bọn chúng chia nhau ra, đi tìm bằng được cái thứ cây cãi nhau ấy ra phân tích, mổ xẻ. Cuối cùng thì, ông chủ ngôi Biệt thự Hoa Chó đẻ phải nhảy vào can:
       -Tôi phục các anh lắm. Phục cái biệt tài tranh luận, đấu khẩu của các anh. Ở đâu và bao giờ các anh cũng có thể "hội thảo, đấu khẩu được". Ai cũng muốn mình là người chiến thắng. Xứ sở gì mà hoành tráng thế? Nhưng mà, nói tóm lại, cái nhà này là của tôi, chứ không phải của các anh. Nghe rõ chưa? Ai còn lắm mồm bình luận thì tôi đuổi, không thuê các anh nữa!
       Ấy, thế thì có mà chết! Vác thân đi tha hương, cầu thực, kiếm đồng cháo, hào rau, mà vì cái vạ miệng đến nỗi bị mất miếng ăn thì... Lập tức bọn chúng, tức bọn thợ hồ ấy im lặng, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. 
       Mặt rời bắt đầu lên quá ngọn dừa ở cái quán bà Lé Bốn Chín, thu ngắn cái bóng của nó lại, đến bên này cái hố rác, đầy ruồi nhặng và những con côn trùng cánh cứng, đủ sắc màu, đẹp lạ lùng.
       Khuất sau đống rác khá to, là cái đầu nhấp nhô của một thằng bé mười ba tuổi. Khuôn mặt bé nhưng già kinh khủng, quắt lại như một miếng vỏ bưởi héo, ở đó người ta chỉ thấy có đôi mắt sáng lạnh lùng. Thằng bé này sẽ còn xuất hiện ở những đoạn sau của câu chuyện, nên bây giờ chúng ta chỉ nên tạm biết như thế.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!

Tiểu thuyết

Phần 1 - HIỆN TẠI


3.
       Trong khi ngôi biệt thự đang xây dở dang, bọn thợ hồ còn đang đổ bê tông cho tầng thứ hai, cũng là tầng cuối cùng, thì ở bên kia đường, cách xa một quãng đúng một-trăm-bảy-mươi-chín mét, tại quán cơm bình dân Tư Chín Lé, nơi bọn thợ hồ vẫn dùng bữa, xuất hiện một người đàn ông. Ông ta, người đàn ông lưng thẳng, vai gù này nếu gọi là "ông lão" e hơi quá, bởi khó xếp ông ta vào hàng "lão' được, tuy khuôn mặt và mái tóc đã "lên lão" từ lâu. Vì sao thế thì khó nói, chung quy là ông ta vẫn còn tính con nít, trẻ ranh, ham nói và ham chơi.
       Tầm chín, mười giờ sáng, lúc bọn thợ hồ còn đang mải mê làm việc, quán Tư Chín Lé vắng ngắt, người đàn ông ấy bước vào. Chủ quán là một người đàn bà bốn-mươi-chín tuổi, không chồng (có người bảo rằng chưa, hãy còn "zin"), mắt hơi hơi lác, bước ra. Bà chủ quán ngần ngừ, chưa biết gọi người đàn ông kia bằng ngôi vị như thế nào cho xứng, thì ông ta đã chỉ tay vào ngôi biệt thự đang xây dở mà phán:
       -Hỏng! Ngôi nhà kia hỏng rồi "cô em" ạ!
       Nhân thế, bà Tư Chín Lé mới lên tiếng:
       -Dạ thưa... ông bác dùng chi?
       Ông bác, vẫn không quay đầu lại:
       -Gì cũng được. Nhưng cô em có thấy cái biệt thự kia xây như thế là hỏng, là phá cách không?
       Cô em vẫn đứng ngây ra, không trả lời ông bác:
       -Gì cũng được là thế nảo hả ông bác? Hay là em làm cho ông bác một ly cà phê đá?
       -Okey! Cà phê đá, nhiều đường, nhiều đá, nhiều cà phê...
       Bà chủ quán mỉm cười một mình rồi xoay lưng, cúi khom mình chui vào cái phòng nhỏ, kín như bưng và cũng tối như bưng của mình, lần tìm cái chai bằng nhựa trong, nhưng đã ngả đùng đục, đựng một thứ nước đen kịt, trút ra một ít vào cái ly làm bằng thuỷ tinh tái sinh, có màu vàng cũng đục. Đó là thứ nước cốt cà phê, được pha từ tối hôm qua, bây giờ khuấy đường, bỏ đá vào là thành ly cà phê đá. Đặt ly cà phê trước mặt ông bác, bà chủ quán Tư Chín Lé cười cầu thân:
       -Họ có tiền, có nhiều tiền, mua đất, xây nhà lầu thấy mà ham. Cái biệt thự bự con "dzầy" mà ông bác biểu hỏng là hỏng làm sao?
       Bấy giờ, ông bác mới ngoảnh khuôn mặt khá xương xẩu, cái miệng nhỏ ti, với hàng ria mép nhân tạo lại nhìn cô em:
       -Cô ở đây mà không để ý quan sát. Cô có biết vì sao tôi lại nói rằng cái nhà kia hỏng không?
       -Dạ, thưa ông bác, em đàn bà, con gái, mắt lại bị lé kim, làm sao biết được.
       Ông bác uống cà phê bằng một hơi dài, lấy ống tay áo quệt những giọt cà phê đọng trên mép, đặt ly cà phê xuống mặt bàn nhờn mỡ, nghiêm giọng:
       -Đấy là một ngôi nhà không có cây nóc! Hỏng là thế đấy.
       Bà chủ quán Tư Chín Lé bỗng nhiên phá ra cười, hai mắt nhắm tít lại, không còn lác nữa:
       -Trời đất, quỷ thần, thiên địa ơi! Nhà biệt thự vi-la hiện đại kiểu Mỹ của người ta mà ông bác bảo có cây nóc thì có mà khùng!
       Ông bác im lặng không thèm chấp câu nói và giọng cười rất khó nghe của cô em, vẫn cứ đều đều:
       -Nhà phải có nóc. Thiên hạ đang loạn! Đại loạn...
       Bà chủ quán bỗng nhận ra trước mặt mình không phải là người bình thường. Với vốn hiểu biết của một bà chủ hàng cơm bụi, bà không thể phân tách rạch ròi được, mà bà chỉ biết ông không giống ai, thế thôi. Không giống những người vẫn thường ghé quán của bà.
       -Đại loạn hay an bình thì em đây cũng chả mất đồng xu teng nào. Cứ có nhiều biệt thự via-la được xây lên, có nhiều thợ hồ, thợ mộc đến quán em là em khoái rồi...
       Bỗng nhiên ông bác quay phắt lại, giọng hăm he như đã quen nhau từ lâu:
       -Cô thì biết gì? Nhà không có cây nó như nước không có tổng thống! Mà cây nóc cũng phải đặt đúng kiểu như tổng thống chọn đúng người, phải ngồi đúng hướng, hiểu không?
       Thấy có vẻ bất lợi, bà chủ Tư Chín Lé cười cầu hoà:
       -Em hiểu rồi, ông bác ơi. Nhà không có cây nóc như nước không có tổng thống. Được chưa nào?
       -Được là được thế nào? Này, cô lại đây tôi nói nhỏ cho nghe.
       Bà chủ quán (vốn chưa có người đàn ông nào nói nhỏ vào tai), trong bụng đầy hồi hộp, đến sát bên ông bác. Còn ông bác nhìn quanh như muốn đề phòng bọn nghe lén, rồi thào thào:
       -Cô có biết ông chủ ngôi nhà kia là ai không?
       Bà chủ quán vừa gật vừa lắc, ý bà muốn nói là bà chỉ hiểu "chút chút" thôi. Ông bác tiếp:
       -Tốt rồi! Cô ghi nhớ lời tôi nhé. Những người trong ngôi nhà này rồi sẽ bị điên...
       Bà chủ quán giật mình, cứ y như vừa bị ông bác nhéo cho một cái vào đùi non, giãy nảy:
       -Kỳ vậy? Thấy vợ chồng cô chú ấy đàng hoàng, sang trong, đúng là trí thức, giàu có. Làm sao mà điên được?
       -Vậy mới là có chuyện! Có chuyện để tôi nói cho cô em nghe, đừng học lại cho người khác. Cứ nghe tôi đi, cô em. Nhưng bây giờ thì chưa điên đâu. Chờ coi...
       Ông bác lại đưa cái ly lên miệng, lúc này nó đã nhạt vì đá tan ra thành nước lã, nhưng ông vẫn khen:
       -Cà phê của cô ngon lắm. Cô lại khéo tay pha nữa. Giỏi thiệt à nghen...
       Bà chủ quán Tư Chín Lé cười khinh khích, nhìn kỹ bộ ria mép nhân tạo của ông bác. Nó đen nhánh, nhỏ tí teo như lông mày đàn bà nhưng lại chẳng có sợi lông nào. Thôi đúng, ông ta đã vô tiệm mỹ phẩm "xăm" ria mép rồi. Quả thật, bà chỉ từng nhìn lông mày phụ nữ kẻ chì hoặc xăm mực đen, chứ chưa thấy ai đi xăm ria mép bao giờ. Đúng là không giống ai thiệt!  
Có thể mọi người không biết "ông bác" đó là ai, nhưng tôi thì tôi biết.
Đó chính là Đạo Sĩ Mùa Thu. Ông ta là một nhân vật cực kỳ bí hiểm, nhưng cũng hoàn toàn ngờ nghệch, dại dột, như bất kỳ một anh chàng hám danh quá thời nào mà chúng ta từng thấy.
Đạo Sĩ Mùa Thu sẽ cùng chúng ta đi cho đến cuối câu chuyện này.
(còn nữa)
xem tiếp đoạn 4

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!


Tiểu thuyết

Phần 1 - HIỆN TẠI

4.
       Đã đến giờ dùng bữa của bọn thợ hồ, chúng ào ào tiến vào quán, đứng ngồi, xớ rớ, khiến bà chủ cuống lên. Có một cái đầu nhấp nhô trong bếp, mà chúng ta đã từng nhắc đến. Đó là thằng bé mười ba tuổi, nhặt rác.
       -Rác! Bà chủ Tư Chín Lé hét lên. Mày để đó ra đây chêm hộ tao cái chân bàn...
       Thằng Rác lao ra như một con mèo hoang, cúi thụp xuống kê chân bàn. Bất ngờ, nó hét lên một tiếng thất thanh đầy kinh hãi. Tiềng thét ấy cảm giác như nó bị đâm một nhát vào đâu đó trong cơ thể bé bỏng, lẵng nhẵng toàn da và xương, máu đen phọt ra tung tóe. Chỉ có cái đầu, cái đầu bù xù và cứng như gỗ đá của nó đội thẳng, hất tung mặt bàn lên một khoảng vài gang. Canh cơm, cà phê, trà đá... bay tung tóe. Người thợ hồ dang chủ tọa cái bàn sứt sẹo đó, ngồi ngây ra như mặt phỗng, thản nhiên chịu một trận mưa cơm canh, mà không hiểu vì sao? Thằng Rác, sau cú hét nó vẫn còn sống, và hoàn hồn, đờ người vì sợ, chìa tay xuống gầm bàn, vẻ như thanh minh cái chuyện nó dám đội hất cả cái bàn lên trời, vừa như ra hiệu có cái gì ghê gớm lắm ở dưới đó.
    Bây giờ thì rõ, bà Tư Chín cúi xuống nhìn thấy một bàn chân để dưới gầm bàn có những ngón nham nhở, sứt sẹo. Có một ngón bị xẻ làm tư, như một cọng rau muống chẻ, máu đen rỉ ra li ti. Bà chủ quán rùng mình lắc đầu, bịt chặt lấy miệng, kinh hãi. Thằng Rác đẻ rơi trong rác, ăn ngủ với rác, rồi đang trưởng thành từ rác, chịu đủ mùi ca ngâm của ruồi, chuột, gián... vậy mà còn phải chết cứng người trước ngón chân hoa muống, thử hỏi một cô gái lành hiền, có phần nhàn nhã như Tư Chín, chịu gì nổi!
       Bà Tư Chín đành phải rộng lượng với thằng Rác, sắp lại một bàn cơm canh, trà đá cho người thợ hồ có những ngón chân bị vôi vữa ăn cùn.
       Ông anh già, Đạo Sĩ của chúng ta vẫn ngồi yên nhìn cảnh ấy. Chỉ tinh ý lắm mới nhận thấy hàng ria nhân tạo, đúng ra là cả một bộ phân môi trên mỏng mảnh của ông hơi động đậy.

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!

Tiểu thuyết
Phần 1 - HIỆN TẠI  
5.
Việc thi công ngôi biệt thự Hoa Chó Đẻ kéo dài quá lâu khiến thần dân trong khu vực phát bực mình. Lúc đầu họ cũng thông cảm, vì rằng ai cũng thế thôi, ai cũng có lúc phải làm nhà dựng cửa. Những đống vật liệu xây dựng to lù lù chắn các lối đi trên con đường tuy không hẹp lắm. Sắt thép ngổn ngang, tạo nên khung cảnh một công trường thi công vĩ đại, hay như một trận oanh tạc khu trục cơ của quân phát xit. Đêm đêm tiếng xe tải chở cát, chở gạch chạy ầm ầm, tiếng va chạm kim khí đinh tai nhức óc. Lòng người bất an.
Chưa kể, đội quân xay dựng gồm toàn những người tha hương, gầy gò và bất cần đời. Kéo theo họ là những dịch vụ khá phức tạp, khiến không chỉ người dân lo ngại, mà nhà cầm quyền cũng bắt đầu tham dự.
Nhưng tất cả đều vận hành theo một quy hoạch riêng, một nguyên tắc riêng. Quy luật của đồng tiền và nguyên tắc của kẻ mạnh. Công trình dự kiến là chín tháng, nhưng cho đến thời điểm này đã sang tháng thứ mười. Và nó vẫn còn hứa hẹn kéo dài thêm nữa. Bởi vì, người ta thấy một cô gái bán vé số đầu tiên của Khu phố, chỉ chuyên cung cấp vận may cho dân phu hồ, bằng các loại vé: chiều xổ, tối dò cũng có mà vé xổ liền cũng có... từ một thanh nữ hồn nhiên, nay vẫn hồn nhiên, nhưng đã mang một cái bụng khác nặng nề. Người Cai đội xây dựng là ông Năm Thợ Hồ, đã phải đe nẹt đám quân tướng của mình:
- Thằng nào? Liệu mà ăn ở cho phải đức, kẻo xà gồ, dầm thép, bê tông.... nó có mắt.
Một tên khá bảnh trai, lẻo mồm cúi mặt, rồi liếc ngang sang bên kia lán. Thằng bạn nó, thằng bạn thân lắm, biết chuyện lắm, nhìn ông Năm, hào hứng:
- Chắc là đến hôm hoàn công, "ra thợ" xin ông chủ nhà một mâm làm đầy tháng cho cháu ạ !
Cả bọn cười ồ. Hồi này chúng đã bớt hội thảo về cái tên của công trình Hoa Chó Đẻ.
Tuy nhiên người được hưởng lợi là bà Tư Chín, chủ quán cơm bụi, mà dân thợ hồ đã sớm đặt cho một cái tên: Nhà Hàng Khoai Mỡ.
Thật ra, cái tên này do chính tay thợ hồ, chuyên mua vận may đặt ra. Nó nhìn bà Tư Chín, tròn quay, múp míp mà gồ ghề, sau lớp vỏ sù sì là nước da hồng tươi trắng nõn trắng nà. Đã vậy, trong thực đơn từ cuối mùa khô năm ngoái đến sang đầu mùa khô năm nay, món canh khoai mỡ lễnh loãng và nhớt nhát luôn được phục vụ đầy đủ và chu đáo cho giai cấp công nhân "chó đẻ" - đấy là cách gọi của Tư Chín.
Nhà hàng Khoai mỡ có doanh thu ổn định, và tăng vọt vào cuối tuần. Nếu một ngày nào đó công trình hoàn thành, cánh thợ hồ ra đi, chắc cái quán cơm bụi của Tư sẽ dìu hiu, quạnh quẽ và thất thu biết bao nhiêu.
Tư Chín thở dài và chợt nhớ ra trong quán mình đang có một người khách. Đó là ông bác Đạo Sĩ Mùa Thu, nhưng nhất thời Tư chưa biết cái tên dị quái này. Mà nói cho ngay ra, ngoài tác giả thiên truyện này ra, chưa ai biết cái tên đó.
Đêm qua, Đạo Sĩ đi đâu, Tư không biết, vì Tư đã quên, nhưng sáng sớm nay, khi trở dậy mở cửa quán, Tư Chín giật mình khi nhìn thấy "ông bác" ria nhân tạo đang đứng trước cửa quán. Ông xoay lưng lại phía quán, không có vẻ gì là sốt ruốt hay chờ đợi, thản nhiên nhìn cái hình khối mờ mờ, viền ánh sáng đèn từ bên nội thành hắt sang. Ngay cả tiếng mở của rột roạt của bà chủ quán cũng chưa làm Đạo Sĩ quay đầu lại. Ông đang ngẫm nghĩ, hay chiêm ngưỡng ngôi biệt thự dở dang, Tư không biết. Tư hồi hộp, Tư lo sợ... Tư e hèm và chào:
- Good morning! Ông bác!
Đạo Sĩ quay đầu chậm rãi, khẽ gật đầu trong bóng tối:
- Cô em cứ tự nhiên. Cảm phiền cô em cho một ly cà phê đá...
Tư mở rộng cánh cửa, nhẹ nhõm:
- Mời ông bác vô. Để em bật đèn.
Bà Tư Chín Lé bật tất cả các bóng đèn trong quán, mà thật ra nó cũng chỉ có hai cái, một cái bóng huỳnh quang, ám khói, còn cái kia là bóng đèn tròn, vàng quạch. Tư nhanh nhẹn mở tiếp cái cánh cửa phía bên hông, một làn gió nhẹ từ phía cánh đống năn, lác lùa vào. Đạo Sĩ mím môi ngồi chờ đợi. Tuy thế, đôi mắt to và sâu hơi nheo lại, lướt theo từng bước đi dịu dàng, uyển chuyển và có phần hồi hộp của bà chủ quán.
Thế rồi từ đấy, Tư Chín cũng cảm thấy bất an. Bà lẩn thẩn sắp sửa những món ăn để bán. Mà sao sáng nay, cái thằng đồ tể vẫn đem thịt, rau, cá... từ ngoài chợ lâu đến thế nhỉ? Nó mắc dịch hay làm sao thì cũng phải mang đến cho bà chứ.
Tư tìm thằng Rác, nhưng không thấy, chắc chắn không thấy rồi. Nó dậy sớm hơn Tư, nó ra đi sớm hơn cả nhưng tay ăn sương, cờ bạc. Nó đã đến với bãi rác của nó. Dường như ở đó, chỉ ở bãi rác nó mới cảm thấy sinh khí của cuộc sống.
Cho đến khi mọi hoạt động của con người bắt đầu bình thường. Đó là vào ban ngày, ban ngày của con người, còn ban đêm của con ngợm. Đạo Sĩ đã nói với Tư như thế.
Đầu tiên là ông Năm Thợ Hồ, thong dong bước vào quán. Một con người già dặn, từng trải, điêu luyện như Năm Thợ Hồ cũng phải đứng sững lại khi nhìn thấy Đạo Sĩ Mùa Thu. Đạo Sĩ lãnh đạm nhìn ông và khẽ nhếch râu, khiến cho Năm Thợ Hồ biết rằng: lão đang chào ta.
- Chào ông anh. Ônh anh ở đâu mà cà-phe sớm zdậy? (lưu ý chúng ta, Năm Thợ Hồ kêu là cà-phe, chứ không phải cà-phê).
Quả thật, Năm Thợ Hồ bắt đầu bận rộn bởi ý nghĩ: Đêm qua thằng cha này ở đâu? Hơn mười tháng ở đây, mọi ngóc ngách, ngõ hẻm Năm này đều biết. Mà Năm không biết thì đám quân sĩ của Năm cũng biết. Chỉ có một chỗ. Năm Thợ Hồ mỉm cười một mình, nhìn vào cái lô cốt đen sì và tăm tối của Tư Chín, gọi thân mật:
- Tư ơi Tư?!
Có tiếng động lịch kịch, lạo xạo, và tiếng bà chủ quán thanh thanh:
- Dà...! Anh Năm hả?
- Anh Năm đây...
- Đen hả anh Năm?
- Con gì vô đây nữa. Tư biết tính Năm mà.
Các tiếng trao qua đổi lại giữa Tư và Năm, khiến Đạo sĩ chạnh buồn. Nhưng vốn cao ngạo, nỗi chạnh buồn ấy thoáng qua rất mau. Ông nhìn gã thợ hồ đầu bạc, mỉm cười:
- Anh thứ Năm?
- Dạ. Thứ Năm!
- Vậy là thứ Năm!
- Sao không thứ Năm?
Không biết rồi hai gã đàn ông già cả này sẽ còn nói với nhau những gì nữa, nếu không có bước chân nặng và dè dặt của bà Tư Chín, với một ly cà phê nóng, đen ngòm trong tay.
- Của anh đây! Tư Chín đặt ly cà phê xuống trước mặt Năm Thợ Hồ, và không quên liếc sang bàn bên kia, nơi Đạo Sĩ Mùa Thu đang trầm ngâm. Bỗng bà chủ quán reo lên:
- Ý quên! Chết cha... Ông bác uống trà nóng hay trà đá?
- Gì cũng được. Cà phê của cô em ngon lắm, khéo pha lắm.
Chờ cho Tư Cín vào trong bếp, Đạo Sĩ nói với Năm Thợ Hồ:
- Thứ Năm là con số của thất bại. Tôi nhìn anh, từ mái tóc đến dáng ngồi, rồi lại thêm cái thứ của anh nữa, tôi biết anh là người vất vả, ít thành công...
Bị bất ngờ, nhưng Năm Thợ Hồ kịp trấn tĩnh:
- Ông anh nói gì tôi không hiểu?
- Nhiều năm tôi là người nghiên cứu thuyết "Thế nhân trụ thế", tôi có thể phán chắc co anh mấy câu. Anh ít thành công, nhưng lần này, anh thành công lớn. Nhất là khi anh trúng thầu cái biệt thul Hoa Chó đẻ kia.
Năm Thợ Hồ nhột dạ. Chẳng lẽ cái thằng cha môi mỏng, ria mực tàu kia lại là thánh. Năm Thợ Hồ cười cười:
- Đổi mồ hôi lấy miếng ăn thôi ông anh ơi.
Năm nói vậy, là nói với cái nghề xây dựng khốn khổ của mình. Nhưng sau mười tháng ở cái biệt thự này, Năm đã kiếm được rất khá. Bởi vì ông chủ của nó hào hoa, phóng khoáng và ngu dốt. Tận cùng ngu dốt. Vì ông già của hắn, cái ông lão "cực phẩm nhân thần" giàu có đã đẻ ra hắn.
- Nhưng mồ hôi của anh đặc biệt lắm, có giá lắm. Anh cứ nghĩ kỹ lời tôi.
Năm bực mình, dôc cạn ly cà phê, mà đáng lẽ ngày khác Năm nhâm nhi, Năm ngắm nhìn cái mông, cái eo của Tư chủ quán cho đến khi có vài thằng phu hồ đến phá đám, Năm mới đứng dậy. Nhưng hôm nay, Năm hét to:
- Tư ơi, Tiền!
Tư Chín đon đả chạy ra: 
- Sao anh Năm bữa nay giàu quá ha?
Chẳng là, mọi ngày Năm Thợ Hồ thường được đàn em bao cà phê sáng, chưa bao giờ Tư Chín thấy ông ta phải móc bóp hay túi ngực áo.
- Tiện đây trả luôn. Tôi đi sơm có chút việc. Chờ cho Tư Chín cúi xuống nhậnt iền, Năm Thợ hồ nói nhỏ nhưng gằn từng tiếng vào tai Tư Chín. Bà lôi ở đâu ra cái thằng cha mắc dịch kia. Mới sáng sớm ra đã nói tầm bậy, tầm bạ.
Rồi Năm Thợ Hồ vùng vằng đi nhanh ra cửa. Tư Chín nhìn ông bác Đạo Sĩ, chợt mỉm cười, rồi thấy mặt mình như nóng lên, dù mới sáng sớm.
- Nhiều chuyện! Đúng là đồ dê già!

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!

Tiểu thuyết
Phần 1: hiện tại
6.
Lần đầu tiên trong đời, Tư Chín Lé nhìn thấy người đàn ông tắm. Đôi mắt hốt hoảng đến đờ đẫn của Tư nhìn như dán vào bộ nhức lép kẹp đầy xương xẩu của Đạo Sĩ. Không chỉ đôi mắt mà cả khuôn mặt và toàn thân người Tư ngây ra, chỉ có cánh tay là vẫn đưa thẳng về phía Đạo Sĩ, vì một bàn tay có một cái khăn tắm hơi sờn, ngả màu ngà voi, nhưng nhìn rất tinh khiết. Đạo sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt Tư Chín, nhưng không bày tỏ một chút cảm xúc nào, khi đôi tay ông không ngừng kỳ cọ.
Thời gia trôi đi trong đôi mắt không hề chớp của Tư Chín, cho đến khi như nhận ra điều gì đó khác thường, Tư mới giật mình quay mặt đi, hét lên một tiếng thanh, nhỏ, nhưng dịu dàng:
- Nè!
Đạo Sĩ Mùa Thu ngừng tay kỳ cọ trên ngực, trên bụng, hai cánh ta và bộ đôi bắp đùi khẳng khiu, cũ kỹ... đưa tay đón lấy cái khăn tắm màu ngà voi, thì Tư Chín mới ù té chạy ra khỏi buồng tắm. Được vài bước, mặt Tư nóng bừng lên, cúi mặt xuống cắn vạt áo mình và lí nhí thật sâu trong cổ họng:
- Đồ quỷ! Đồ quỷ...
Tự dung trong tận đáy lòng Tư Chín cùng lúc xuất hiện hai cảm xúc chồng chất. Nếu có một biến động gì nho nhỏ, rất nhỏ thôi, lâph tức Tư sẽ thay đổi quyết định.
Thằng Rác đã về, nó nhìn bà chủ quán bằng một cái nhìn của con chó con, quyến luyến. Nó đặt cái bao tải khoác lếch thếch trên đường xa xuống góc quán, lễ phép:
- Thưa Tư, con mới về.
Tư Chín lập tức bị phân tán ý nghĩ. Bà mỉm cười độ lượng, một nụ cười hiếm thấy đối với thằng Rác:
- Mầy về rồi hả? Sớm zdậy? Bữa nay có gì nào?
Rác mỉm cười, nhưng cái miệng khá đẹp của nó (lạy Trời cho nó cái miệng, rất quan trọng) lại há hoác ra:
- Con bán được tám chục ngàn rồi đó Tư. Ba cái trong này con đem về làm đồ chơi...
Chúng ta nên rộng lượng mà thương lấy một đứa trẻ mười ba tuổi, sinh ra và lớn dần lên trong đống rác, tồn tại và phát triển trong cặn bã nhân loại, nhưng vẫn không mất đi bản tính của một trẻ thơ: ham đồ chơi - ham mô phỏng cuộc đời! Rác dốc ra xủng xoẻng những đồ chơi: xe tăng, máy bay, súng ngắn, súng dài, dao găm, mã tấu, búp bê trai, búp bê gái... tất cả đều sạch sẽ nhưng thương tổn. Đồ chơi của những đứa trẻ cùng tuổi với nó vứt đi. Cũ người mới ta. Rồi đây nó sẽ bày trận chiến tranh ác liệt, rồi đây nó sẽ mở cửa hàng, bán buôn lời lãi trong thương trường tuổi thơ, rồi đây những câu chuyện tình yêu sẽ diễn ra, hy vọng và đau khổ... Nhưng bây giờ nó phải nhanh chóng cất giấu ngay đi, vì... Đạo Sĩ Mùa Thu xuất hiện.
Đạo sĩ trong bộ pijama hàng chợ kẻ sọc màu xanh nhạt, trông ông giống một bênh nhân hơn một chính khách ở nhà mình. Vì thế thằng Rác kinh sợ, co rúm người lại. Đôi mắt thằng bé long lên những tia sáng tự vệ yếu ớt. Tư Chín cũng đã nhận ra hoàn cảnh ấy , nên an ủi thằng bé:
- Mầy sợ ổng hả con?
Thằng Rác gật đầu lia lịa, lùi dần cùng với những thứ bảo vật đồ chơi xủng xỏeng của nó. Đạo Sĩ Mùa Thu mỉm cười, bằng cách mím chặt đôi môi mỏng có viền hàng ria vẽ mực, đen nhánh:
- Từ nay, chúng ta là người một nhà.
- Đồ quỷ! Tư Chín lại đỏ bừng mặt. Ai nói một nhà hồi nào?
Tư Chín bỗng cảm thấy ân hận khi thấy Đạo Sĩ không chịu rời khỏi cái bàn nhừn mỡ và cái ly cà phê đá đã trong veo, đã nói một câu đầy chất ỡm ờ: "Ông anh ở lại đây dùng cơm hàng em chớ?".
Hai nỗi ân hận đến cùng lúc. Nỗi ân hận vì Tư đã nhận thấy, người đàn ông kỳ quặc này, không phải là ông bác, không già đến nỗi thành ông bác, nhưng cũng không trẻ nữa, nên Tư đã gọi ông ta là "ông anh". Ông anh không khách sáo và nhận lời ở lại dùng cơm trưa trong "tệ quán" của Tư.
Buổi chiều, khi đám thợ hồ ra công trường, kể cả "con dê già" Năm Thợ Hồ cũng phóng cái xe Vespa xịt khói đi đâu mất, ông anh đã gọi Tư Chín đến kêu ngồi trước mặt:
- Cô em ngồi đây. Tôi có cái này.
Tư Chín Lé hồi hộp nhìn bàn tay xương xẩu của ông khách lôi từ trongcái túi càn khôn của mình ra một gói giấy báo đặt vào tay Tư Chín, giọng lạnh lùng:
- Của cô đấy.
Tư Chín không tin vào mắt mình, cô - ta hãy gọi Tư như vậy, từ đoạn này trở đi - run rẩy mở cái gói ra và ngẩn lên nhìn ông anh thảng thốt:
- Tiền?
Ông anh gật đầu, mỉm cười.
- Của anh à?
- Tất nhiên là của tôi...
- Làm sao anh có nhiều tiền thế?
- Không nên tò mò. Có đủ không?
Tư Chín không hiểu ông anh nói gì, hỏi lại một cách thận trọng:
- Đủ gì ạ?
- Tôi muốn cưới cô.
- Cưới em?
- Không. Không cưới xin gì cả. Tôi muốn cô là vợ tôi.
Trời đất nghiêng ngả. Mái quán xoay tròn như trong cơn bão lòng của người con gái gần năm mươi tuổi. Trước mặt Tư, ông anh hào hoa và bí hiểm đã ngỏ lời, mà không hề dè trước đón sau. Như tất cả người con gái đồng trinh nào, phản ứng tự nhiên của Tư là lắc đầu:
- Nhưng... Nhưng anh đã biết gì về em đâu...
- Biết. Tôi biết em.
- Còn em, đến tên anh em cũng chưa biết.
- Gọi anh là Đạo Sĩ. Khi cần trang trọng thì gọi đầy đủ là: Đạo Sĩ Mùa Thu!
- Dà.... Đạo sĩ... Mùa Thu!
Trong tiểu thuyết, người ta, nhất là các nhà văn thiếu kinh nghiệm thường rất dài dòng miêu tả những mối tình đầy than van, nước mắt và niềm đau khổ. Khi tôi kể vắn tất về cuộc tỏ tình của Đạo Sĩ Mùa Thu với cô Tư Chín, thì Phương Nham phản đối:
- Anh không có quyền bôi bác một người phụ nữ...
Tôi gạt tay Phương Nham ra khỏi bàn phím, nổi cáu:
- Sao chị cứ hay can thiệp vào công việc của tôi thế? Chẳng lẽ tôi phải để cho cô Tư khóc lóc, nức nở, hay chàng Đạo Sĩ của chúng ta phải quỳ xuống cầu hôn như một tên Romeo dở hơi hay sao?
Phương Nhan vùng vằng ngồi vắt chân chữ ngũ, đôi mắt lạnh lùng:
- Tình yêu là thiêng liêng.
- Thì thiêng liêng.
- Anh có định kể cái đêm tân hôn của họ không?
- À, cái đó... để xem đã. Nhưng sao lại không nhỉ? Tôi sẽ kể ở đoạn sau.
- Đúng là một giuộc.
Tôi định nói câu gì đó thật đau, thật nặng, để tống cổ chị ta đi, nhưng ngoảnh lại thì Phương Nham đã không còn đó nữa. Tôi thấy nhẹ cả người, nhưng mất hứng kể nữa. Đến đâu rồi? Con mụ phù thủy?
Tiếng Phương Nham từ phòng bên kia vọng sang:
- Bây giờ chúng ta là người một nhà.
Thằng Rác nghe đến hai chữ "chúng ta" và "một nhà", nó không hiểu. Nó có biết thế nào là chúng ta, thế nào là một nhà, nhưng cái đó của người khác, không bao giờ là của nó. Nố bần thần đúng im. Tư Chín lên tiếng:
- Rác à, từ hôm nay mày cứ ở đây, phụ với dì. Và mầy kêu ông anh đây là... Tư Chín đã quên, vì trong lòng đầy hồi hộp. Đạo Sĩ Nhắc lại, dõng dạc:
- Đạo - Sĩ - Mua - Thu!
Rác lí nhí nhắc lại, hai ba lần, bỗng đôi mắt nó sáng lên:
- Thôi vầy đi, chocon kêu bằng Ông Đạo!
- Okey! Đạo Sĩ tiến đến xoa đầu nó. Bàn tay ông vừa lùa vào mái tốc xù mô đen của nó vội giật thót người:
- Dơ quá! Bẩn quá! Ông quay sang Tư Chín. Em hãy đua nó vào nhà tắm. Dầu gội đầu vẫn còn lưa một ít đó!

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!

Tiểu thuyết
Phần 1 - HIỆN TẠI
7
Trong khi Đạo Sĩ Mùa Thu dõng dạc đàng hoàng chỉ cho thằng Rác kê tấm ván cop-pha mà bọn thợ hồ thải ra, vứt lăn lóc bên kia đường làm thành cái giường của nó, thì Tư Chín lục cục trong căn buồng tối đen của mình.
Mái tóc buông xoã chùm hai vai, lưa thưa bạc ban ngày đã được Đạo Sĩ cột lại bằng một túm dây thun, túm lên, gọn ghẽ, làm khuôn mặt ông lộ ra dưới ánh đèn. Thăng Rác tuy không còn quá sợ hãi "ông Đạo" của nó nữa, nhưng nó vẫn rất không yên tâm, khi đứng trước mặt ông. Nó hồi hộp, thỉnh thoảng lại ngẩng lên nhìn lén ông Đạo. Ông thở nhẹ nhàng cũng như giọng nói trìu mến và truyền cảm của một người truyền giáo chuyên nghiệp:
- Cẩn thận! Hết sức cẩn thận, tránh gây ra tai nạn, tránh đổ máu vô ích.
Thằng Rác "dạ" rất nhỏ trong cổ họng, và cẩn thận theo hướng dẫn của Đạo Sĩ, gượng ghẹ tháo từng cái đinh ra, gom lại một vốc, rồi lấy con dao cùn cạo hết lớp vữa xi măng trên mặt ván. Trong khi "hết sức cẩn thận", thế mà bất ngờ một cái đinh ngầm trong thớ ván bất ngờ cày một đường ngang bàn tay của nó. Máu chảy thành rãnh xuống các kẽ tay.
Đạo sĩ thấy thế thì nắm lấy bàn tay của Rác, giọng gầm gừ:
- Quá không cẩn thận, quá chủ quan. Coi chừng nhiễm trùng.
Ông Đạo bắt thằng Rác phải vào dội nước thật kỹ rồi ông xé một điếu thuốc lá cầm sẵn trong tay đợi thằng Rác. Trong lúc đó thằng Rác rửa tay rất qua loa, vì nước càng làm cho vết xước của nó rất xót. Đặt ngang điếu thuuốc lá đã bóc giấy và lòng bàn tay nhỏ bé của Rác, ông Đạo sĩ bắt nó nắm chặt lại. Không cần kỹ lưỡng hay cầu kỳ quá, ông Đạo Sĩ đã kê xong tấm ván, ở góc quán, sát với bức tường làm ván ép đã cũ, có chỗ phồng lên, gõ ngón tay vào kêu bùng bục.
- Nằm thử đi, anh bạn. Ông Đạo Sĩ nói với Rác.
Thằng Rác trải mảnh bao tải xác rắn lên tấm ván chưa được nhẵn lắm, nó lấy bàn tay không bị thương vuốt qua loa rồi leo nên nhún thử. Nó nhìn Đạo Sĩ cười như người có lỗi rồi tụt xuống, lấy cái bao bố của nó ra những thứ cần thiết: một cái mền đen đủi, và cả một cái gối đã xẹp lép, cứng quèo xếp vào đúng vị trí của nó. Nhưng Đạo Sĩ đã sửa lại:
- Quay đầu trở ra, anh bạn.
Thằng Rác còn chưa hiểu thì Đạo Sĩ đã giảng giải:
- Người sống khi ngủ phải quay đầu trở ra cửa, nghe chưa? Người quay ra, ma quay vào.
Tuy chẳng hiểu gì, nhưng nghe nói đến ma, thằng Rác cũng thấy sợ, và nó còn phải nghe lời ông Đạo của nó, nên nó ngoan ngoãn, làm theo như một cái máy nhỏ bé.
Có một điều khó giải thích ở đây. Rác là một thằng bé không biết sợ ma. Nó lăn lóc trong rác, trong nghĩa địa. Nó sống với ma, hay nó chính là ma. Nói cách nào đó, Rác sợ con người. Nó sợ tất cả, nhưng có lẽ từ khi gặp Đạo Sĩ Mùa Thu, nỗi sợ hãi con người tăng lên gấp nhiều lần so với cái ý thức bé xíu của nó. Nỗi sợ trìu mến và kính cẩn với Đạo Sĩ khiến nó nghe lời ông như một tên nô lệ nhỏ bé, một cái bóng lệ thuộc.
Thằng Rác muốn ngủ lắm, nó muốn nằm một mình, trên cái giường, và đặc biệt trong ngôi quán ấm cúng mà ít khi nó có được. Những đêm trước đó, nó chỉ được nằm ở ngoại hè, tuy "tài sản" của nó được ký gửi trong quán nhà Tư.
Nó mong cho ông Đạo đi đâu đó, như những đêm trước, thật xa nó ra. Nhưng ông Đạo vẫn ngồi nhìn nó trầm ngâm, tính toán. Bất ngờ, ông Đạo lên tiếng:
- Này, anh bạn. Từ nay không ai được gọi tên mày là Rác nữa, nghe chưa?
Thằng Rác tiếp tục lúng búng:
- Tại, bị người ta kêu vậy chớ. Con đâu có biết.
- Mày tên gì? Tao hỏi tên họ đầy đủ của mày kia.
Khốn khổ, thằng Rác không hề có tí chút hiểu biết gì về tên và họ, đừng nói chi đến tên thật với chả tên giả. Nó nhìn ông Đạo Sĩ Mùa Thu bằng đôi mắt trong veo, lắc đầu.
Đạo Sĩ hiểu ngay. Ông im bặt. Thằng Rác cũng im. Bất ngờ, Đạo Sĩ nói như quát lên, nghiêm trang:
- Từ bây giờ trở đi, ta đặt tên cho nhà ngươi, bằng một cái tên mới.
- Dạ, ông Đạo kêu con bằng gì cũng được.
- Tên anh từ nay là Rắc. Được chưa?
Tằng Rác súyt thì bật cười, khiếm nhã. Nhưng nó không thể nào nhịn được, cười phì ra. Đạo Sĩ cũng phải nheo nheo theo nó:
- Tên thường gọi là Rắc. Nhưng như thế có vẻ cộc lốc quá. Ta thêm vào một chữ nữa: Rắc-ki! Rắc-ki...
Đến đây thì thằng Rác, mà quên, thằng Rắc-ki phá lên cười khanh khách, cười rung cả tấm ván côp-pha. Nói vừa dụi mắt, vừa nói trong nước mũi:
- Mắc cười quá ông Đạo ơi...
Đến đây thì cả Đạo Sĩ và Rắc-ki cười tung trời, cười hả hê, không còn phân biệt tuổi tác, ngôi thứ. Thằng Rắc-ki cười lăn lộn, còn Đạo Sĩ thì cúi gập người xuống, ôm lấy bụng.
Trận cười giòn tan và tràn đầy hạnh phúc của Rắc-ki chưa kết thúc thì cô Tứ Chín hiện ra. Rắc-ki tuy vẫn còn muốn cười, nhưng nhìn thấy Tư Chín trong bộ đồ bộ màu hồng tươi, đứng chéo nạnh nhìn hai người một cách trìu mến nghiêm túc, thì Rắc-ki nhanhnhảu:
- Dì Tư, từ nay con có tên mới rồi nghe dì.
Tư Chín nhướng cặp chân mày đang bắt đầu thưa dần về phía thằng Rắc-ki:
- Ừa.... mà tên Rác nghe kỳ quá. Đổi là Rau hay Cỏ gì cũng được.
- Rắc-ki! Đạo Sĩ đúng dậy, chìa bàn tay về phía Rắc-ki, trịnh trọng. Chúc ngủ ngon!
Cả đời Rắc-ki chưa được ai chúc ngủ ngon, nên nó ngỡ ngàn chìa tay ra nắm lấy bàn tay mềm và lỏng, hơi ẩm của Đạo Sĩ.
Đạo Sĩ cùng co Tư Chín sánh vai nhau bước vòng qua câycột để vào phòng ngủ của mình, cái phòng tối mịt kín bưng, mà Rắc-ki đã có lần được ngó vào.
Trong khi Rắc-ki và ông Đạo Sĩ dọn dẹp, sắp xếp chỗ ngủ cho nó thì trong căn buồng kỳ dị, cô Tư Chín cũng chuẩn bị cho đêm (gọi là) tân hôn của mình. Cô cuộn tất cả những thứ không cần dùng đến, không muốn tân lang nhìn thấy cho vào một cái bao bố xác rắn, cột chặt lại. Không biết từ đâu, có lẽ từ hồi chiều, cô Tư Chín đã kịp đạp xe đạp đi mua được một chiếc chiếu mới, một cái mùng tuyn xanh lơ và đặc biệt có cả một đôi gối thêu chữ Tàu và những bông hoa hồng to tướng. Tất cả đều ngay ngắn, mịn màng, làm tay chân cô Tư luống cuống, rời rã, tưởng có lúc không làm chủ được. Cô nhứa lên, đặt xuống và có lúc ngồi thừ ra, thả mặc cho trí tưởng tượng chui luồn vào tận nhưng điều bí hiểm, ngóc ngách của... chuyện lạ lùng.
Đèn phụt tắt. Thằng Rắc-ki cũng chui đầu vào cái mềm đen đủi của mình. Nó cảm thấy hạnh phúc và sung sướng kể tù khi nó được sinh ra trên cõi đời này. Nó nhất định sẽ ngủ một giấc thật say mê, thật yên ổn.
Thế nhưng, Rắc-ki lại trằn trọc mãi mà không ngủ được. Có lẽ hạnh phúc đường đột và tràn ngập trong con tim bé bỏng đã đánh thức mọi bản năng của nó, một thằng bé mười ba tuổi. Rắc-ki không biết bằng cách nào mà nó có mặt trên cõi đời này được nhỉ? Nó chỉ biết khi nó lay lay thân hình đã lạnh cứng của bà cụ mà nó kêu bằng bà ngoại. Bà cụ chết. Nó cũng không biết là người ta có thể chết được. Mà giữa chết với sống thì có khác gì nhau? Chỉ đến khi nó thấy người ta, trong đó có cả dân nhặt rác như nó bỏ chạy khjỏi cái ổ rác lưu cưu, nó cũng định chạy theo. Nhưng nó lại quay lại, cố kéo các xác già nua, cô quạnh để cùng chạy với nó, nhưng không được. Người bà ngoại nó cong queo, khô cứng, hai đầu gối khẳng khiu co lên sát mặt, và đôi tay vòng ra bên ngoài như cố ghì lây hơi thở cuối cùng.
Xe ô tô màu xanh xám, đít vuông, có in chữ thập đỏ to tướng chạy đến theo một cú điện thoại của ai đó. Những người đàn ông bịt kín mặt, trong bộ đồ màu xám, chân đi ủng và găng ya màu trắng đã nhảy ra khỏi xe, túm lấy bà ngoại nó quẳng vào thùng xe nghe cái binh!
Từ hôm ấy, thằng Rắc năm tuổi ở một mình giữa ruồi nhặng, chuột, dán và những đồng nghiệp lớn tuổi của nó.
Nhiều năm sau, chưa bao giờ nó dám mơ một căn nhà, những người thân, ân cần và nghiêm khắc với nó. Vậy mà... Ôi, dì Tư, ôi ông Đạo.
Nó nghĩ đến đây thì bên kia tấm ván ép làm tường ngăn có tiếng lào xào. Đêm khuya dần, tiếng xe chạy cũng thưa dần, vì thế Rắc-ki nghe rõ từng tiếng người nói bên kia vách ván.
Tiếng dì Tư:
- Anh làm gì mà im thế. Khiếp lại còn thở nữa...
Tiếng ông Đạo:
- Anh có làm gì đâu? Em cío thấy hạnh phúc khi ở bên anh không?
Im lặng, có tiếng xột xoạt và cựa quậy. Tiếng dì Tư:
- Có sao không anh?
- Sao là sao?
- Là chúng mình chỉ nằm thế này thôi...
- Thế là hạnh phúc lắm rồi.
- Ôi, anh. Anh xích lại đây chút đi. Phía đó có ổ chuột đó. Bữa hổm em bắt được một đám chuột con. Hí hí hí...
Lại im lặng. Rắc-ki muốn ngủ lắm rồi, nhưngnó vẫn phải nghe. Tiếng dì Tư:
- Anh... ối, em bị ngứa, anh gãi cho em đi.
Tiếng lào xào.
- Đó, xích xuống dưới chút. Đó, đó.... Sang phải.... Lên lên....
Ông Đạo không nói gì. Hai người cũng không nói gì, Rắc-ki đoán là họ đã ngủ. Nhưng không, tiếng dì Tư mềm nhão:
- Anh gãi nữa cho em đi. Ừa, mà sao bữa nay em bị ngứa quá. Có sao không anh?
Tiếng ông Đạo:
- Ngứa là phản ứng tất nhiên của cơ thể. Những sợi dây thần kinh có những cái đầu nhỏ tí và nhạy cảm cô cùng. Chúng triển khai ra hầu hết khắc các vùng da và niêm mạc. Ở đó chúng làm nhiệm vụ thường trực báo độngcho cơ thể.
- Em hổng biết đâu. Nhưngcó người ngứa, có người không...
- Cái đó là tùy cơ địa cuỷa từng người. Nhưng ngứa là dấu hiệu cơ thể bị tác động xâm nhập. Ngứa là chuẩn bị báo hiệu của đâu...
- Ối chết. Tiếng dì Tứ chợt lớn bất thường. Cũng có thể như là dì đã ngồi dậy để nói. Ngứa khác, đau khác chớ.
- Ngứa là tiền đề của đau... là em của đau, là bước đầu của đau đớn.
Chợt thằng Rắc-ki thấy tay chân và cả mngr lưng mình thấy râm ran ngứa, Nó cựa mình, quờ tay gãi lưng và nghĩ: sao ngứa lại là tiền đề của đau được? Mà tiền đề là cái gì nhỉ? Hừ, ông Đạo tốt bụng nhưng ông là người sang trọng, biết nhiều chuyện. Nếu ôngcó bộ ria mép bằng râu thiệt thì hay biết bao. Ở đây, in như là ông vẽ bằng lọ nồi, lọ nghẹ lên vây...
Thằng Rắc-ki nghĩ vẩn vơ và ngủ thiếp đi trong thiếng lào xào từ bên kia vách ván.
Không biết bao lâu, Rắc-ki giật mình, thảng thốt. Tuy là một đứa trẻ, nhưng thần kinh nó đã được rèn luyện trong cõi bụi đời, nên nó khác nhạy với những biến động bất thường xungquanh. Lần này, nó bị đánh thức bằng tiến gõ mạnhbồm bộp vào tấm vavsh ván. Nhưng nó không cần phải định thần lâu, cũng nhớ ra mình đang nằm ở đâu, và những tiếng động ấy từ đâu mà có.
Tiếng dì Tư như tắc nghẹn lại:
- Em đau...
- Đau lắm không?
- Đau... đau nhi... ều! Anh có sao không?
- Anh không sao.
- Vậy là lúc đầu hôm ngứa thì bây giờ đau hả anh...Im lặng và từng nhipị tiếng động gì đó không rõ ràng. Rồi ông Đạo Sĩ nói, giọng vẫn lạnh lùng:
- Rất có thể, từ ngứa chuyển thành đau. Thế em có biết từ đau chuyển thành gì không?
- Thành gì cũng được... thành... thành...
- Nói em không được sợ nghe.
- Em hỏng sợ. Có anh rồi.
- Đau ở một nơi nào đó trên cơ thể là tín hiệu của nơi đó bị tấn công và báo hiệu nơi đó có thể bị hủy hoại. Tức là chết.
- Có thiệt vậy không anh?
- Chắc chắn vậy...
- Ứ... nhưng mà em đau hơi hơi thôi.
- Thế thì tốt rồi.
- Nhưng mà có chết đượckhông anh.
- Còn tùy....
- Tuìy ở an hả? Sao em hết đau rồi nè...
- Quá tốt. Ông Đạo Sĩ vẫn giải thích một cách nhát gừng và cầm chừng như vậy. Bỗng dì Tư hét lênmột tiếng, tuy nhỏ nhưng rrong đêmkhuya vẫn nghe thấy được rất rx, như là tiếng hét của người muốn cười tươi...
Thằng Rắc-ki thấy vậy thì sợ hãi. Nó vùi thật sâu cái đầu mới gôi hồi chiều vào trong chăn, nhắm mắt nghiến răng, quyết tâm ngủ cho bằng được.
Và nó ngủ cho tới sang. Lúc bừng mắt dậy, nó vẫn tưởng mình còn đang nằm ngoài vỉa hè "Nhà hàng Khoai Mỡ". Nhưng sao không thấy dì Tư la lối, xua đuổi như mọi ngày?

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!

Tiểu thuyết

Phần 1 - HIỆN TẠI


8
Phương Nham lại tiếp tục giở bài bản cũ ra với tôi, tôi rất khó chịu, mặc dù hơn một lần tôi thấy mụ có lý.
Ngay trong "đêm tân hôn" của đôi nhân ngãi cuối mùa vụng dại Tư Chín - Đạo Sĩ Mùa Thu, một sự cố đã xảy ra trong ngôi biệt thự Hoa Chó Đẻ. Sự cố không lớn lắm: một hệ thống giàn dáo bị sập, kéo theo một bức tường phía tây bị nghiêng theo. May mà mọi chuyện xảy ra vào ban đêm, không có người thợ nào đang làm việc, nên không có tai nạn về người. Sáng ra, Năm Thợ Hồ có mặt tại hiện trường hô hoán bọn thợ dọn dẹp nhanh chóng và xoá mọi dấu tích, trước khi người chủ nhà biết chuyện. Ông ta cay cú hết nhìn đống gạch vữa đổ nát lại nhìn sang quán Tư Chín Lé, hay còn gọi là Nhà Hàng Khoai Mỡ:
- Tại sao một thằng cha kỳ quặc, gàn dở, bẩn thỉu từ một xó xỉnh nào mò tới lại mau mắn cuỗm được con mẹ chủ quán. Nó có cái gì hơn ta nhỉ?
Đúng lúc ấy, Phương Nham đến bên tôi, hất hàm:
- Anh giải thích đi!
- Có cái gì phải giải thích nhỉ? Một người đàn ông và một người đàn bà, nhìn thấy nhau, họ cảm mến nhau, yêu thích nhau, họ đưa nhau vào bóng tối là chuyện quá bình thường.
- Tôi không nói chuyện đó.
- Chị muốn gì? Muốn tôi phải viết thế nào?
Tôi rất ghét cái thói đỏng đảnh của đàn bà, nhất là khi y thị không còn trẻ nữa, mà lại cứ muốn làm như ta còn ngây thơ lắm. Họ muốn chúng ta phải làm những việc hết sức thừa thãi, vô bổ, vô ích, vô nghĩa để đôi khi chỉ để làm trò vui tiêu khiển cho họ. Nếu ta không chịu làm theo ý họ, họ lập tức quay sang trách chúng ta như mưa như gió.
- Viết là chuyện của anh, nhưng tôi muốn tất cả những mối tình phải đẹp, phải nhân văn.
- Cút đi! Tôi nổi cáu. Làm gì có mối tình nào đẹp, mối tình nào nhân văn!
Phương Nham cười như người có lỗi:
- Nhưng mà tôi muốn.
Thôi được. Tôi nghĩ bụng. Ý muốn của đàn bà là ý muốn ngông cuồng, có cưỡng lại cũng vô ích.
- Tôi đề nghị chị hãy biến đi để tôi còn làm việc nhé.
Phương Nham nguây nguẩy bỏ đi. Còn tôi... trống rỗng hoàn toàn.
Nhưng, rất may cho tôi, người chủ của ngôi biệt thự xuất hiện. Hay đúng hơn là một trong những người chủ của Hoa Chó Đẻ đã đến đúng lúc, cái lúc mà nhà thầu Năm Thợ Hồ đang cay cú với Đạo Sĩ Mùa Thu.
Ba mươi sáu tuổi, một con, với khuôn mặt đoan trang, tự tin của người không thiếu tiền. Nhà thầu Năm Thợ Hồ, khi được một tay thợ nói thầm vào tai, đã vội vàng chui ra khỏi bức tường đổ đến trước mặt người thiếu phụ trẻ trung, cười cầu tài:
- Cô đến sớm thế? Mới có bảy giờ...
Thiếu phụ mỉm cười nhìn nhà thầu:
- Ông Năm đấy à? Không hiểu sao đêm qua tôi nóng ruột quá, không ngủ được... Có chuyện gì thế ông Năm?
Năm Thợ Hồ làm như mình là một tay vệ sĩ chuyên nghiệp đi theo hộ tống nữ chủ nhân, đưa bàn tay chai cứng thô lậu của mình, đỡ khuỷu tay thiếu phụ chủ nhân:
- Cô đi ra ngoài này ta nói chuyện. Ở đây không an toàn.
Thiếu phụ nhăn nhăn vầng trán xinh đẹp còn in rõ dấu vết mãn nguyện bình minh của mình, rón rén bước những bước cẩn thận trên đôi giày cao gót tránh những viên gạch vỡ, những khúc cây xà bần. Ra đến mặt đường, nàng ngước nhìn ngôi nhà đồ sộ, lắc đầu:
- Tôi không ngờ nó lại đồ sộ đến thế này?
- Cô Trinh này, tôi đã được nghe ông cụ và chú ấy dặn dò là phải làm cho thật kỹ lưỡng, thật cẩn thận. Bởi vậy cho nên...
- Nhưng sao tôi vẫn có cảm giác toà biệt thự này không được chắc chắn. Một ông thầy bói đã nói với tôi: hình như vị trí của nó không được vượng lắm...
Nhà thầu cười chân tình đến gần mang tai:
- Ai dám nói vậy hả cô? Nói thật nhé: nhìn tướng mạo ông cụ nhà mình, rồi phong độ của chú ấy, rồi tư cách với nhan sắc của cô Trinh... rồi... Năm Thợ Hồ còn muốn dẫn ra nhiều thứ nữa, nhưng có lẽ lão tịt, nhất là khi lão nhìn quá gần vào lớp áo mỏng ban mai của cô chủ... lão cà lăm!
Cô Thục Trinh vẫn ngây thơ bỏ ngoài tai những lời tâng bốc của lão nhà thầu. Nàng đi thêm vài bước nữa về phía Nhà hàng Khoai Mỡ, rồi bất ngờ quay lại nhìn thẳng vào mắt Năm Thợ Hồ:
- Ông Năm? Ông cho tôi biết: bao giờ thì xong?
Nhà thầu tránh cái nhìn dịu dàng và gay gắt của người thiếu phụ sang trọng trẻ tuổi, cúi xuống nhìn cái bóng của nàng trước ánh nắng mặt trời mới lên, ngả dài xuống mặt đường, tránh câu trả lời trực tiếp:
- Cô yên tâm. Thợ mộc và thợ sắt đã sẵn sàng. Cả một ê kíp hoạ sĩ cũng đang chờ lịnh tôi...
Thiếu phụ Thục Trinh hơi cau mày:
- Như vậy là còn bao nhiêu phần công việc nữa?
- Cũng không nhiều đâu, thưa cô.
Thật ra, chúng tôi - tôi và Phương Nham - cũng chưa có điều kiện để khảo sát tiền bạc và sự giàu sang của gia đình Thục Trinh, nhưng không thể nào nghi ngờ sự giàu có tột bậc của gia đình này. Ông già cha của chồng Thục Trinh là một nhân vật quan trọng trong xã hội, mà nói như Đạo Sĩ Mùa Thu thì đó chính là một "cực phẩm nhân thần", tức là chỉ sau Đức Vua. Danh vọng và tiền bạc làm ông xa hẳn lớp người bình thường, tầm thường. Ông đã sinh ra người con trai thông tuệ và can trường, để lấy cô Thục Trinh xinh đẹp và sắc sảo. Tất nhiên người ta càng có nhiều tiền bạc, thì người ta cáng can trường thông tuệ.
Điều này, Năm Thợ Hồ biết rất rõ và chắc chắn. Vì thế, công trình có thể kéo dài mười tháng, hai mươi tháng, hoặc lâu hơn nữa cũng không có gì là bất lợi cho nhà thầu. Thỉnh thoảng nhà thầu Năm Thợ Hồ cũng có ái ngại, rằng thì là, nếu những con người giàu có kia thây đổi ý định thì sao? Thì thiệt hai là chuyện phải có rồi.
Đột nhiên Năm Thọ Hồ lại sôi lên cơn cay cú khi nghĩ đến Đạo Sĩ Mùa Thu, một tên dị nhân hợm hĩnh, không biết từ đâu chui ra. Lão còn nhớ kẻ tiện nhân hợm hĩnh kia phán rằng: số 5 là con số thất bại... Không thể nào! Lão lẩm nhẩm trong cổ họng. Không thể nào! Lão thất bại nhiều rồi, triền miên rồi...
Người đẹp Thục Trinh tiến thêm vài bước nữa về phía cái quán sập sệ của Tư Chín, rồi bỗng nhiên nổi cơn cao hứng, nàng nói như reo lên:
- Có cái quán cà phê kìa ông Năm! Ta vào đó đi.
Tất nhiên Năm Thợ Hồ không thể nào từ chối, nhưng lão rất không muốn bước vào đó, kể từ buổi sáng sớm ngày hôm qua.
Năm Thợ Hồ lật đật chạy theo người đẹp - chủ nhân, khi nàng bước vào cửa quán. Rồi không rõ vì lý do gì, Thục Trinh lùi lại một bước, lảo đảo và hét lên một tiếng thất thanh. Tiếng hét kinh sợ của một người đàn bà, nhất là khi người ấy xinh đẹp, đôi khi lại làm thành một nốt nhạc vui tươi đối với cánh đàn ông, nhất là những tay máu gái mà chỉ máu từ xa. Năm Thợ Hồ, bỏ qua cái tuổi ngũ tuần của mình chạy lên cho kịp Thục Trinh và lão cũng chỉ biết đứng há miệng nhìn một khung cảnh như một tấn tuồng trên sân khấu: hoàng tráng, cao trào và xúc động.
Đạo Sĩ Mùa Thu đứng nghiêm như Từ Hải, còn Thục Trinh run run, cảnh giới. Chỉ đến khi có tiếng lật bật của nhà thầu Năm Thợ Hồ, nàng mới lắp bắp:
- Anh...? Có phải anh là...
Không biết nàng hỏi ai, Năm Thợ Hồ chưa kịp nghĩ ngợi ra điều gì rõ ràng, thì tay dị nhân đã ưỡn ngực như một tên lính kiểng:
- Đạo Sĩ Mùa Thu!
- A... Đúng rồi! Thục Trinh reo lên và nhẹ nhõm. Trên Núi Minh Đạm?
Tư Chín nãy giờ vẫn đứng ở tư thế hoá đá: lom khom, một tay cầm cái chai đen ngòm có đựng một thứ nước đen kịt được gọi là cà phê, tay kia cầm cái ly có những hạt đường kính lạo xạo.
Khi Tư nghe thấy người anh Đạo Sĩ của mình nói với người đẹp chủ ngôi biệt thự những câu như thế, Tư lặng người đi và chịu chết cứng người.
- Mời quý cô nương vào ngồi nghỉ chân trong tệ quán của chúng tôi...
Thục Trinh không có ý định rút lui. Cuộc gặp gỡ có Trời mới biết được này, khiến nàng thích thú.
- Mời ông anh - Đạo Sĩ xoè bàn tay đeo mấy cái nhẫn bằng sắt ra chỉ vào chiếc ghế thấp lè tè của nhà hàng Khoai Mỡ, mời nhà thầu.
Thục Trinh loay hoay đang định ngồi xuống một trong mấy cái ghế nhựa, thì bất ngờ Đạo Sĩ hét lên ngân nga:
- Khoan... an!
Ai đã từng đi xem tuồng, xem hát bội, xem cải lương, hẳn biết đây là một màn cao trào. Đạo Sĩ bước những bước chân uyển chuyển của mình vào trong căn buồng tối đen một lúc, lấy ra miếng vài in hoa sặc sỡ, mà Tư Chín biết ngay đấy là cái áo gối của mình. Đạo Sĩ cầm một bên mép vải, bằng mấy động tác điệu bộ, phảy mạnh mặt ghế chiều từ phải qua trái và lại ngược lại, sau rồi nhẹ nhàng phủ lên:
- Mời quý cô nương an toạ!
Thục Trinh mỉm cười thích thú, lấy tay xoa mông quần trắng muốt của mình rồi ngồi xuống nhẹ nhàng theo đúng kiểu ngồi của một quý tộc:
- Dạ em cám ơn anh...!
(còn nữa)