Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết -10)

Như tôi đã kể ở phần trên cuốn sách này, tôi và chị Nga, hai chị em chúng tôi xa nhau kể từ buổi sáng chị đi lấy chồng, và tôi lên đường nhập ngũ, đến tận mãi hai mươi bảy năm sau, khi cả hai đã bạc tóc mới gặp lại nhau. Quãng thời gian xa cách ấy, là quãng đời lưu lạc, cho đến khi gặp nhau cũng không phải ở quê nhà. Có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu biến cố mà chị dồn nén trong lòng, đem ra kể với đứa em là tôi.
    Thì ra cái đêm chị dời Soi Vạt để trôi theo dòng sông Công về xuôi, không phải hai mẹ con chị ngồi trên cái mảng nứa, lềnh bềnh theo dòng lũ xiết như người ta đồn thổi lên. Chị kể với tôi rằng, Soi Vạt không phải là nơi trú ngụ suốt đời chị và thằng Hận con chị, và ngay cả cái làng Sơn Cốt của chúng tôi cũng không thể dung thứ chị. Phải ra đi, chị nhất quyết đã nghĩ như vậy. Nhưng đi bằng cách nào? Và sẽ sống ra sao?
    Ở đây, suốt một thời gian dài, thằng Hợi, đứa trẻ chăn trâu cho hợp tác là sợi dây nối chị với bên ngoài, là kẻ tiếp tế gạo, muối, dầu đốt... cho hai mẹ con chị. Chị thương nó, giá như nó là con chị, thì chị cũng chỉ thương nó đến thế mà thôi. Khi quyết định ra đi, chị thoáng nghĩ hay là đem nó cùng đi. Đất trời, non nước này, với những gì chị biết được từ những bài địa lý mà chị đã dạy cho lớp học trò của chị sẽ dẫn bước chị đi. Còn thằng Hợi, thằng bé mục đồng đen nhẻm, côi cút nhưng khá thông minh, sớm láu cá sẽ phải để cho nó ở lại để nó gắn bó với cái làng nhỏ bé, đìu hiu của nó. Nó còn mẹ, còn các em, còn là nơi đi về của hương hồn cha nó. Chỉ có chị là phải ra đi.
    Chị nghĩ thế, và chị cũng đã toan tính làm một cái bè bằng tre, ghép lại. Chị cũng định sẽ đặt thằng Hận nằm trên đó, chị sẽ một tay chèo chống, xuống hết quãng thác này, vực nọ, cho đến khi nào ra tới dòng sông Cái.
    Thế rồi mùa nước lớn đã đến, cái mùa nguy hiểm của dòng sông, nhưng lại là một mùa xuôi bè thuận tiện nhất, vì lòng sông nở ra, dềnh lên mênh mông hơn. Nhìn con nước lũ ào ạt chảy, cuốn theo cơ man nào cây củi, cành khô, quấn quýt vào những bụi tre hai bên bờ rã rợi ngọn lá, chị thấy sợ hãi. Lòng can đảm được ấp ủ suốt một mùa đông giá, khô cằn, cạn hẹp bây giờ bỗng nhiên tan biến.
    Nhưng nhất quyết phải ra đi!
    Chị ngồi đếm lại số tiền nhỏ nhoi mà chị đang có bằng những đồng tiền lẻ. Chị vuốt lại cho chúng thẳng thớm, sạch sẽ, gói chúng vào một miếng vải mưa cũ kỹ. Xong xuôi, chị ngồi nhìn thằng Hận đang lồm cồm bò trên manh chiếu rách, rồi chị nhìn vào hai bàn tay mình, trống trơn. Bất giác chị nghĩ đến tôi, chị kể thế. Chị nhớ đến cái đêm trăng non trên đồi Chùa Phung mà chị đã nhìn vào bàn tay tôi mà dự báo, phỏng đoán cho cuộc đời tôi.
    - Ngày ấy chị đã dự báo cho em rằng em của chị sẽ có một cuộc đời phiêu lưu phong phú. Thế mà khi ngồi nhìn hai bàn tay thô tháp đã bắt đầu nhăn lại của mình, mà chị không tài nào dự báo cho mình con đường trước mặt. Em hỏi chị có tuyệt vọng không ư? Không, chị không hề tuyệt vọng, nhưng cũng không thể hy vọng được. Chị chỉ nung nấu một ý chí băng qua, vượt lên chính cuộc đời mình... Dù có ra sao cũng được, dù có đi đến đâu cũng thế!
    Một hôm, như lệ thường, thằng Hợi về xóm, chị bồng thằng Hận ngồi nhìn dòng lũ, thì bỗng có một cái mảng dài, trên đó lô nhô những tay thợ sơn tràng, đang trôi xuôi, chầm chậm, thế rồi nó quay ngoắt, ghé vào Soi Vạt. Người ngồi đầu, dáng như người chỉ huy mảng vít một nhánh tre ghì sát cái mảng dài như con thuồng luồng vào bờ đất, nhóng cổ gọi lên:
    - Nhà chị có còn gạo không, để cho anh em tôi một bữa?
    Chị Nga hơi bị bất ngờ:
    - Các bác hỏi đong gạo?
    - Vâng! Nhưng mà không cần nhiều đâu. Anh em tôi vừa hết gạo ăn, cần bữa tối nay thôi, sáng mai ra đến sông Cái thì lại có chỗ mua rồi...
    Chị Nga ngần ngại một chút rồi, bỗng loé lên ý nghĩ táo tợn:
    - Mời các bác lên đây một chốc. Em có gạo đấy, nhưng sợ không đủ để các bác nấu bữa tối.
    Người thợ rừng nhảy phắt lên bờ:
    - Độ hai đấu là đủ thôi mà!
    - Thế thì may ra...
    Chị chui vào trong lều, đem ra cái vại nhỏ sứt mẻ, đựng lưng lưng gạo ra, xoay xoay:
    - Chỗ này cũng đến hai đấu, bác cầm lấy mà nấu. Hay là... sẵn có củi lửa đây, các bác lên nghỉ tạm, cơm nước xong thì xuôi! Chứ dọc bờ nước cả thế neo vào đâu?
    Nghĩ ngợi một thoáng, bác san tràng gọi vóng xuống:
    - Anh em ơi! Có gạo rồi! Lên đây thổi cơm ăn xong ta đi tiếp! Đoạn bác ta quay lại. Chị có cái xoong nào nấu đủ cho năm anh em tôi ăn, thì cho mượn. Mà cánh san tràng chúng tôi ăn khoẻ lắm đấy!
    Chị Nga lúng túng:
    - Nhà em chỉ có hai mẹ con, không có nồi to, chán thật.
    - Thế thì thôi, không sao! Bác thợ nói với xuống mảng. Thằng Tĩnh cởi cái xoong to vẫn nấu cơm đem lên đây...
    Thế là trong chốc lát, “nhà” chị Nga bỗng rậm rịch khách khứa, lao xao tiếng người. Chưa bao giờ, và cũng chẳng bao giờ chị lại có thể hình dung ra cái cảnh này. Hình như cũng đoán ra hoàn cảnh éo le của chị, bác trưởng toán thợ rừng hết nhìn chị, nhìn thằng Hận rồi lại nhìn túp lều tùm hum, lè tè của chị ý chừng muốn hỏi một câu gì đó. Còn chị Nga thì lặng lẽ nhiệt thành giành lấy cái xoong từ tay người thanh niên tên Tĩnh vo gạo bắc lên bếp. Nếu bác trưởng tốp giữ ý không hỏi thì anh chàng Tĩnh xốc nổi hỏi ngay:
    - Chị ở đây có một mình thôi à?
    - Vâng! Có hai mẹ con tôi và thằng cháu. Nó về xóm...
    - Xa làng, xa xóm thế này, ngộ nhỡ đêm hôm có chuyện gì thì chị làm thế nào?
    Chị Nga cười nhẹ, đôi gò má chợt nóng lên ở đâu đó:
    - Chả có chuyện gì đâu anh ạ. Mà nếu có gì thì chúng em cũng tự xoay xở được.
    Nhìn nồi cơm đang sôi lục bục trên bếp, toả lan mùi gạo chiêm quanh quất, chị Nga bỗng thấy nhớ cha mình, nhớ ngôi nhà của cha, nhớ làng day dứt. Nhớ là thế, day dứt là thế, nhưng chị đã hình thành trong đầu những kế hoạch của mình. Bác trưởng toán bế thằng Hận, rung rung nó trên đôi tay vạm vỡ, ngó vào:
    - Nhanh nhỉ! Cơm đã sôi rồi đấy. Tôi mà cứ nghe tiếng cơm sôi là thấy bụng đói cồn cào.
    Tĩnh quay sang nói với chị Nga:
    - Sao chị không ở trong làng mà ra ngoài bãi soi này?
    Chị Nga không biết trả lời thế nào cho dễ nghe. Sự thật không thể nói ra, còn sự không thật thì chị chưa bao giờ chị nghĩ tới. Chị đánh trống lảng bằng một câu hỏi lại Tĩnh:
    - Các anh ở đâu lên xuôi bè thế?
    - Xa lắm, có nói chị cũng chả biết. Nam Định! Chị đến đó hay nghe nói đến nơi ấy bao giờ chưa?
    Chị Nga khẽ bật cười:
    - Đến thì chưa đến, nhưng mà nghe thì nghe nhiều rồi chứ. Nghề sơn tràng cực lắm nhỉ?
    - Còn phải nói. Tĩnh hào hứng, anh em chúng tôi đây người cùng một xóm cả đấy. Bác Thuần kia là trưởng nhóm, là người dày dạn nhất, là người chỉ huy. Chúng tôi là thợ, trong đó có tôi là lính mới tò te, đi chuyến này là đầu tiên! Kể ra cũng sợ lắm, chị ạ. Mà đâu phải chỉ có làm sơn tràng, chặt nứa khắn bè không thôi đâu, còn phải biết chèo lái, vật lộng với sông nước nữa chứ. Cùng một lúc phải làm hai việc cực nhất nhì trần đời “nhất phá Sơn Lâm, nhì đâm Hà Bá”...
    - Thế trước khi làm cái nghề “phá Sơn Lâm, đâm Hà Bá”, anh làm gì?
    Tĩnh cười láu lỉnh:
    - Nghề bắn giết người!
    - Nghề gì mà nghe kinh thế? Anh nói cụ thể xem nào? Tĩnh bỗng trầm giọng xuống, như người nhận lỗi:
    - Nói vui với chị vậy thôi, chứ tôi có nghề ngỗng gì đâu. Tốt nghiệp lớp bảy ở nhà học cày dở dang thì đi lính. Hơn bảy năm trời ở chiến trường về, cũng may giữ được cái gáo, mà cũng không hề hấn, thương tật gì. Đi học thì dở dang, đi cày thì cũng chả có đất, có ruộng, quê tôi đất chật, người đông. Ngồi chơi mãi cũng chán, thế là theo bác Thuần đi làm thợ phá rừng...
    “Lại chiến trường, chiến tranh! Chị Nga thầm nghĩ, cả một thế hệ thanh niên được huy động vào cuộc chiến. May mà chiến thắng và cũng may mà nguyên vẹn trở về. Chả như anh Kỳ...”. Chị Nga ngồi bần thần gảy những mẩu than đỏ lừ gom chúng tụm lại, rồi lại tãi chúng ra dưới đáy nồi cơm đang chín. Anh Kỳ của chị đã mãi mãi chẳng bao giờ được trở về để kể những câu chuyện hiểm nghèo mà vui vẻ, để nói những câu bông lơn mà buồn lo thắt ruột. Nếu anh Kỳ không chết mà cũng trở về nguyên vẹn như người thanh niên tên Tĩnh đang ngồi cạnh chị đây? Rồi anh ấy bế thằng Hận, không, không phải thằng Hận mà là một thằng bé khác, tên là Thắng, là Mừng, là Nam chẳng hạn. Tiếng củi lửa tí tách, tiếng cơm sôi lục bục, tiếng ê a của đứa trẻ. Rồi chị sẽ lại trở lại với nghề dạy học, chị sẽ lại ngồi trên chiếc xe đạp Thống Nhất có tiếng líp kêu lanh tanh... Biết là giữa chị và anh Kỳ chưa hẳn đã có tình yêu, cái thứ tình cảm khó thấy, khó nhìn, khó kiếm nhưng dù sao cũng còn có cái tình, rồi xa hơn nữa, nó là cái nghĩa. Thế mà bỗng dưng, anh Kỳ chết đi, cái tay vịn vững chãi nhất để chị đi trong đời đã bị bẻ gẫy, để rồi, chị chung chiêng đi giữa trần gian một mình, một bóng tủi hờn.
    Đến bây giờ chị cũng không biết là đối với ông lão Tuân, vừa là cha, vừa là ông của thằng Hận, chị có một tình cảm gì? Căm hận thì rõ rồi, thế nhưng vẫn còn có một chút tình thương cảm, mà ngay bây giờ hoặc đến bao giờ chị mới bày tỏ được? Thằng Hận sẽ như thế nào trong cuộc đời này? Danh chính là gì, để nó được yên bình trong ngôn thuận?
    - Thế anh ấy nhà chị đâu, bố thằng bé ấy? Câu hỏi của Tĩnh cắt ngang luồng suy nghĩ ngắn ngủi của chị Nga, làm chị quay về với thực tại. Chị lúng túng:
    - Cháu không có bố! À mà bố cháu cũng vào chiến trường, có lẽ... hy sinh rồi!
    Tĩnh là một thanh niên nhạy cảm, nếu không anh ta đã vì vui miệng, hay vì hiếu kỳ mà tra vấn đến kỳ cùng. Anh ta đứng dậy, vuốt nhẹ lên má thằng Hận, rồi bước xuống mé bờ sông. Nước sông vẫn đục ngầu, chảy xiết.
    Cánh thợ sơn tràng bày ra ăn cơm với thức ăn là những con cá mắm khô nát rữa, nhưng mùi thơm cháy của nó thật quyến rũ.
    - Chị ăn cơm cùng với anh em chúng tôi nhé! Bác Thuần nhìn hai mẹ con chị Nga, ái ngại.
    - Vâng! Các bác cứ tự nhiên, mẹ con em đợi thằng cháu từ trong xóm ra, tí nữa cùng ăn...
    Chỉ loáng cái, nồi cơm đã hết veo, nhìn cánh thợ rừng ăn mà phát thèm. Hình như họ vẫn chưa thật no, nhưng trong nồi hãy còn một ít cơm và trên đĩa có hai con cá mắm nướng. Chị Nga bưng cái ấm đất đun nước ra mời khách. Bác Thuần, sau khi uống một bát nước vối, lấy dao chẻ một thanh tre làm tăm xỉa răng, rồi đứng dậy đến trước mặt chị Nga:
    - Anh em chúng tôi cám ơn cô đã giúp cho bữa ăn. Chúng tôi xin gửi tiền gạo.
    Nhìn mấy đồng bạc kẹp giữa những ngón tay xương xẩu của bác Thuần, chị Nga ngước lên, giọng ẩn nhẫn:
    - Các bác, em muốn có câu chuyện thưa với các bác. Xin bác hãy nghe em nói...
    Mấy anh em thợ san tràng nhìn nhau, vẻ mặt đầy sóng gió ngạc nhiên. Anh chàng Tĩnh lặng lẽ lùi ra phía sau, nhưng hai con mắt vẫn cứ dán vào mẹ con chị Nga. Bác Thuần:
    - Ấy chết, có chuyện gì thế?
    - Chả là thế này, nói ra sợ các bác cười, nhưng mẹ con em đã ở vào cái hoàn cảnh này, xin các bác thương, mà có cười em cũng xin chịu. Rồi dường như để chậm lại một chút, sẽ không thể nói được, chị Nga trở nên linh hoạt hơn. Chả giấu gì các bác, mẹ con em ở vào hoàn cảnh tủi nhục lắm, nên mới phải ra ở cái lều ngoài mom sông, đầu bãi này. Cũng là cái duyên trời dun dủi cho gặp các bác. Chúng em sống không được lòng bên gia đình nhà chồng, còn vì sao thì xin các bác tha cho, đừng gạn hỏi. Cứ ở lại thì bẽ bàng, nên mẹ con em đã định bế nhau mà đi. Chúng em cũng tính làm một cái mảng thả trôi theo dòng nước này mà ra sông Cái, nhưng vì chân bấy tay yếu chưa làm được. Bây giờ tiện đây, xin cho chúng em lụy theo con mảng để mẹ con em đi khỏi nơi đây...
    Chị Nga không định khóc, nhất quyết không khóc, nhưng nước mắt cứ tứa ra, không cầm được. Năm người thợ xuôi bè nhìn nhau, dường như họ không tin vào tai, vào mắt mình. Lại bác Thuần, trưởng toán lên tiếng:
    - Chúng tôi nghe mà không hiểu sự thể ra sao, nhưng nghe cô nói, chúng tôi cũng có phần thông cảm. Nhưng tôi xin hỏi thật: thế cô định đi đâu?
    - Chúng em cứ ra khỏi được nơi này đã, sau rồi sẽ liệu sau.
    - Chết thật! Đàn ông như chúng tôi đây để kiếm được miếng cơm thiên hạ cũng thấy khó, huống như mẹ con cô, đàn bà, con mọn rồi sẽ ra sao...
    Chị Nga gạt nước mắt, giọng chị trở nên rắn giỏi hơn:
    - Bác hỏi thế thì em cũng biết là kiếm miếng ăn ngoài thiên hạ không dễ dàng gì. Nhưng đến nước này, là nước cùng, đường cạn mất rồi. Mẹ con em chỉ xin các bác theo ra đến sông Cái. Rồi chúng em lên bờ, đi tiếp...
    Anh chàng Tĩnh bước tới, nhìn vào mắt thằng Hận:
    - Cháu tên là gì hả chị?
    Chị Nga thấy đã đến lúc phải hé ra một chút sự thật, mong nhận được sự thông cảm của những con người này:
    - Em đặt cho nó cái tên khác người xấu lắm. Tên cháu là Hận!
    Tĩnh lặng người, nói với bác trưởng nhóm:
    - Cô ấy đã nói thế, em cũng xin bác để cho mẹ con cô ấy quá giang...
    Bác Tuần chép miệng, thở dài:
    - Cơ khổ! Tôi đi ăn mòn bát thiên hạ, thấy người khổ cũng nhiều, mà chưa thấy ai khổ đến như cô. Thôi thế chuẩn bị đi. À mà này, đây là tiền gạo của cô, cầm lấy...
    - Em xin biếu các bác, gọi là...
    - Sao lại thế? Không được!
    Tĩnh tiến lên, giành bế thằng Hận từ tay chị Nga, hất hàm cho chị Nga:
    - Chị cầm lấy, gạo ăn đong chứ có phải phát chẩn đâu. Đưa thằng Hận cho tôi, chị đi thu xếp đồ đạc đi, kẻo tối!
    Chị Nga ngoan ngoãn nghe theo lời Tĩnh:
    - Con ra bác bế nhé. Em có cái gì gọi là đồ đạc đâu!
    Nói thế nhưng chị Nga vẫn chui vào trong lều, quơ mấy cái quần áo của chị và của con, nhét vào cái túi xách mà chị vẫn đi dạy học ngày trước. Rồi chị trút hết nắm gạo trong cái trường mẻ ra cái ruột tượng được khâu bằng ống tay áo cánh. Tất cả chỉ là một tay xách. Chị lần vào túi áo, nhớ nhẩm hơn chục đồng bạc, toàn giấy lẻ cộm lên trong lưng quần, bước ra.
    - Anh đưa cháu cho tôi xin. Xong rồi các bác ạ, cho mẹ con em xuống mảng được chưa?
    - Cô ra đây tôi dẫn xuống, bác Thuần nắm tay chị Nga kéo đi. Anh Tĩnh bế thằng Hận, nhảy một bước dài xuống mảng. Thằng bé sợ, nó khóc thét lên một tiếng rồi lại im ngay, nhoẻn cười.
    - Cháu được mấy tháng rồi chị? Tĩnh trao thằng Hận cho mẹ nó.
    - Dạ, cháu được hơn mười tháng rồi ạ. Rồi chị ôm chặt thằng bé vào lòng, giọng đẫm nước mắt. Thôi nhé, mẹ con mình đi, chào ông, chào bà, chào cả làng, mẹ con chúng tôi ra đi, chẳng biết có hẹn được ngày trở lại không?
    Cái mảng vừa nứa, vừa gỗ dài ngoằn ngoèo như con thuồng luồng khổng lồ vặn mình cót két rồi từ từ dạt ra khỏi bờ. Chị Nga ôm chặt thằng Hận như sợ có ai giằng mất, nhìn đăm đăm về phía căn lều. Chợt chị nhớ ra thằng Hợi. Sao nó về xóm lâu thế nhỉ? Liệu lúc trở ra không thấy chị nó nghĩ sao? Tội nghiệp nó quá, nhưng thôi, hẹn thế nào cũng có ngày cô cháu gặp lại nhau...
    Đúng lúc ấy, thằng Hợi ôm một cái bọc trước ngực chạy về. Nó cất tiếng gọi “Cô ơi!”, rồi chui vào trong lều, lại chui ra. Lúc đầu là tiếng gọi thản nhiên, quen thuộc, nhưng rồi tiếng gọi của nó bông trở nên hốt hoảng, lo âu như tiếng con nghé con lạc mẹ “Cô ơi, cô!”. Nó dáo dác tìm sau các bụi tre, dọc sông. Không thấy chị, nó gào to:
    - Cô ơi! Cô Nga ơi! Cô giáo ơi!
    Mọi người trên mảng đều nghe rõ tiếng thằng Hợi gọi đến khan giọng. Chị Nga cũng nghe thấy tiếng gào nức nở của nó, xen vào tiếng ầm ào, ì oạp của sóng nước đánh vào thân mảng, trong chị quặn lên nỗi lo lắng. Nó sẽ không còn chị để yêu quý, để săng sái làm những việc lặt văt mà nó càng thích thú bao nhiêu, chị càng lo bấy nhiêu. Chị toan đứng dậy, trả lời nó, nhưng chân tay chi bải hoải, rã rời. Miệng cắn chặt, hai hàm răng tê điếng cố nén một tiếng kêu, chị Nga vẫn lặng yên, một tay ôm con, tay kia ghì chặt lấy sợi dây mây bó mảng. Hãy cứ để cho nó nghĩ là mẹ con chị đã mất tích, đã chết, đã... bay lên cõi hạc trắng như trong câu chuyện Dệt gấm huyền thoại mà chị đã kể cho thằng Hợi…
    - Cô giáo Nga ơi! Cô ở đâ...âu...u...u? Tiếng gọi thất thanh của thằng bé len lỏi vào khắp bụi tre gai, đám bưởi bung, loang ra mặt sông, đầy thất vọng thảm thiết.
    Tĩnh bước loạng choạng trên mặt mảng:
    - Cháu chị nó gọi đấy, chị Nga ạ...
    Chị Nga cúi mặt, lắc đầu:
    - Đừng, đừng cho nó biết, anh thương tôi... thương thằng bé, nó côi cút. Cứ để tôi đi, nó biết tôi đi thế nào nó cũng đòi đi theo. Khổ thân nó...
    Dưới mắt chị, nước sôi ùng ục, ngầu đục cuộn thành những đụn nước bồng lên, như từ sâu thẳm từ trong ruột non, ruột già, lục phủ ngũ tạng của trái đất, phọt lên, ghê tởm, rồi ngay đó hình thành những cái xoáy sâu hoắm, hun hút có cái miệng đỏ lòm, tái nhợt, chỉ trực hút đi bất kỳ cái gì rơi vào miệng nó. Đó là tương lai trước mặt chị đấy ư? Chị nghĩ thế!
    
    Chiều đang dần phai, một vầng tà dương đỏ bầm, loang lổ vết rạch ngang, rạch chéo của mây đen tơi tả, lùi lại sau lưng đoàn xuôi mảng. Cái bè dài gỗ ken trộn với nứa vặn mình ken két sau những khúc quanh như con trăn khổng lồ trườn đi khó nhọc, nặng nề. May mà khúc sông này quanh co, chảy chậm nên chị Nga không cảm thấy chóng mặt, mặc dù chị chỉ chực ngã dúi về phía trước. Thằng Hận ngọ ngoạy trên tay mẹ, thỉnh thoảng nó lại nhoai về phía trước, đạp đôi chân nhỏ nhou của nó xuống mặt nứa, rậm rịch. Anh chàng Tĩnh chống cây sào bằng vầu thoăn thoắt, thỉnh thoảng anh ta lại chuyển cây sào sang bên kia con mảng. Nhìn cây sào bay qua trên đầu, lõm tõm nước, chị Nga co rúm người lại, cố dùng thân thể mình che chở cho thằng con. Thỉnh thoảng Tĩnh lại lơi tay, thả cây sào trôi theo mép mảng, nhoẻn cười, “làm xấu” với thằng Hận. Dường như nó cũng thích đùa, chỏi mạnh chân xuống sàn mảng, rồi cười khanh khách, chẳng bao giờ biết đến những hiểm hoạ đang rình rập trước mặt…
    Nhìn Tĩnh trong tư thế chèo chống với chiếc áo quân phục bạc phếch, vài vết vá vụng về trên vai, tự nhiên chị Nga thấy trong lòng dậy một chút cảm tình với con người xa lạ và có con mắt buồn này. Và chị cũng thấy yên tâm hơn khi hai mẹ con chênh vênh trôi dạt trên dòng sông bất trắc này. Chị muốn nói một câu gì đó, một câu vừa để bày tỏ lòng mình và cũng là để an ủi Tĩnh.
    Tĩnh vẫn vô tư, thỉnh thoảng còn búng những hạt nước trên tay, lính ti như những giọt mưa phùn về phía thằng Hận. Nó cười phô vài cái răng sữa ra, hai mắt nhứam tít, còn hai bàn chân thì thi nhau đạp trên đùi chị Nga.
    Hai bên bờ sông đã thấp thoáng bóng nhà dân. Tiêng gọi nhau ý ới, văng vẳng làm chị Nga thấy xốn xang. Giờ này là giờ cha mẹ gọi con về rửa ráy ăn cơm chiều. Giờ của đoàn viên, ấm cúng trong mỗi can nhà. Ở một bến sông, hai ba cô gái đang rửa quang gánh, quần xắn ngang đầu gối, họ nói với nhau những câu gì đó, bỗng một cô chỉ cho bạn mình. Họ chỉ hai mẹ con chị Nga. Chắc họ ngạc nhiên lắm. Cũng phải thôi, xưa nay cánh sơn tràng chỉ toàn đàn ông, con trai. Côngviệc cực nhọc và đầy nguy hiểm ấy không bao giờ dành cho đàn bà. Mà nếu có thì cũng chẳng ai đem theo trẻ con. Thế mà trên mảng bè kia lại có một người đàn bà ôm con nhỏ. Một cô cất tiếng gọi vọng ra:
    - Các bác ơi! Bè xuôi về đâu cho chúng em đi với…
    Ông trưởng tràng lại ngỡ là các cô trêu cành thanh niên, đại laọi như Tĩnh. Ông Thuần đáp lời họ:
    - Về xa lắm! Cực khổ lắm, các cô có đi được không?
    - Đi được! Các bác còn đưa cả vợ con đi theo thì chúng em cũng đi theo được chứ!
    Ông Thuần nhớ ra là trên bè của mình có mẹ con người đàn bà đi nhờ. Ông hơi nhíu vầng trán lại:
    - À, đấy là người ta đi nhờ về Bầu thôi. Không phải người của chúng tôi đâu…
    “Không phải người của chúng tôi đâu!”. Chị Nga nghe sao mà xót xa quá. Chị không phải người của ai, của bất kỳ một gia đình hay làng xóm nào nữa. Bây giờ mẹ con chị lênh đênh, không gia đình, không quê quán… Đôi mắt buồn và lo lắng của chị ngước lên bắt gặp cái nhìn an ủi của Tĩnh:
    - Con gái vùng này ghê lắm! Ấy thế nhưng họ tốt bụng lắm. Dạo năm ngoái bè chúng tôi bị vỡ, dạt vào soi của họ. Thế mà họ cho ăn, cho ở chu đáo lắm.
    
    Mỗi giòng sông đều mang một tính cách của nó, và chính nó cũng sinh ra và rèn giũa tính cách của những con người gắn bó với giòng sông. Chị Nga một đứa con của giòng sông, của Soi Vạt và của cánh đồng Lưu Lạc, đã mang đậm trong giàng máu mình tính cách của giòng sông. Như lúc này đây, giòng sông thật dịu dàng, giòng sông con gái…
    Tranh thủ lúc dòng sông êm ả chảy, Tĩnh buông lơi cây sào, gác lên mép mảng, anh ngồi xuống nắm lấy bàn tay nhỏ nhoi và nhợt nhạt của thằng Hận:
    - Tội nghiệp cháu bé. Trời chiều rồi, nó lạnh đấy. Chị lấy cái áo của tôi mà quấn thêm cho cháu…
    Chị Nga nhìn Tĩnh, cảm động:
    - Cháu có áo rồi, anh mặc vào đi. Người anh cũng thâm tái cả rồi kia kìa…
    Tĩnh cười, hàm răng ánh lên tia chói sáng:
    - Ăn thua gì với chúng tôi kia chứ. Chuyến này tương đối êm ả. Về đến đây rồi, chỉ còn cái vực Ba Quanh nữa là coi như xuôi chéo, mát mái…
    - Vực Ba Quanh là vực gì mà ghê thế? Chị Nga lo lắng hỏi.
    - Là cái vực xoáy dữ lắm. Bè mảng xuôi về đến đây, khó có anh nào đi lọt một lần, nhất là những bè dài như thế này. Nó phải lượn đủ ba vòng quanh vực, tức ba lần loanh quanh mới ra được. Người không có kinh nghiệm nếu không xô vào bờ đá thì cũng mất cả ngày không ra khỏi vực…
    Chị Nga bối rối, vẻ hốt hoảng hiện rõ trong mắt chị:
    - Liệu mẹ con tôi ngồi trên này có ảnh hưởng gì đến các anh không?
    Tĩnh dịu dàng:
    - Ăn thua gì! Bác Thuần của chúng tôi đầy kinh nghiệm. Với lại nghe kể cho nó rùng rợn để kể công lao san tràng thôi. Lát nữa đi qua, chị sẽ thấy chỉ như đồ hàng trẻ con thôi. Lại thú vị ngắm cảnh sơnn thuỷ hữu tình nữa…
    Chị Nga lẩm nhẩm:
    - Lạy Trời lạy Phật, cho chúng con ra khỏi chốn nguy nan này…
    - Khoảng sáu bảy giờ tối nay bè chúng tôi đến bến dỡ. Lúc ấy, chị và cháu đi đâu nữa…? Tĩnh ngập ngừng hỏi.
    - Ở bến có nhà dân ở không hả anh?
    - Bầu mà chị không biết à? Thiếu gì! Nơi buôn bán, trên bến dưới thuyền bát ngát. Là tôi hỏi sau đó thì hai mẹ con tính đi về đâu?
    Về đâu? Chị Nga nghe câu hỏi mà ớn lạnh xương sống. Gió lạnh thổi ràn rạt trên mặt sông, luồn lách vào tận sâu thẳm trong cõi lòng phiêu dạt. Bất chợt chị nghĩ đến cái cảnh hai mẹ con bồng bế nhâu đi gõ cửa từng nhà, xin miếng cơm ăn… Chị lắc đầu, cố gạt đi cái hình ảnh ảm đạm.
    - Đến đó rồi, mẹ con tôi chia tay các anh, để lại lên tàu ngược…
    - Đi Phú Thọ hay Yên Bái? Nghe nói trên ấy cũng dễ sống…
    - Vâng! Tôi có quen một anh bộ đội ngày xưa đóng quân ở gần nhà. Quê anh ấy ở Phú Thọ. Không biết bây giờ anh ấy còn sống không? Đi B từ năm sáu tám. Cứ nghe anh ấy kể thì làng quê bên ấy thanh bình lắm, mọi người sống với nhau đầy tình nghĩa, không hề đố kỵ…
    Tĩnh chộp được một con châu chấu bay sà từ ờ tre đến đậu trên cái nón rách của chị Nga, anh bẻ đi hai cái càng, rồi đặt vào tay thằng Hận. Nó thích chí, nhoẻn cười, hai chân đạp chỏi lòi ra khỏi vạt áo mẹ nó đang ủ cho nó.
    - Dạo tôi ở bộ đội, mấy anh bạn quê Vĩnh Phú cũng nói chuyện thế. Quê tôi có nhiều người ngược lên Phú Thọ, Đoan Hùng, Yên Bái đảo sắn. Mùa này cũng là mùa sắn trên ấy…
    - Anh Tĩnh biết nhiều nhỉ? Chị với các cháu ở nhà chắc trông anh về lắm nhỉ?
    Tĩnh đứng dậy vươn vai:
    - Chị nào? Cháu nào đâu chị ơi! Tôi cũng muốn có đứa con như cái thằng chó cún này, nhưng mà nghèo lắm, chẳng ai lấy…
    Chị Nga bật cười, khiến Tĩnh tò mò:
    - Chị cười tôi à? Tôi nói thật đấy…
    - Tôi cười cái câu chuyện cổ ngày còn bé tôi được đọc.
    - À phải đấy! Chị là cô giáo chứ gì? Nãy nghe thằng bé nói gọi tên chị là “cô giáo Nga”. Chuyện thế nào, chị kể một đoạn cho tôi nghe với….
    - Chuyện buồn cười, và buồn nữa. Ngày xưa có một chàng thanh niên nghèo lắm, nghèo đến nỗi tóc đã bạc mà vẫn không lấy được vợ… Đấy, tôi nhớ mở đầu câu chuyện như thế. Chuyện của bên nước Ý…
    - Buồn cười thật! Nhưng sau đó chắc phải có một nàng tiên thương anh ta chứ? Tĩnh cười híp mắt hỏi lại.
    - Không! Không phải thế! Anh chàng kia nghèo đến nỗi không lấy được vợ, thế rồi anh trở thành một ông già tóc bạc phơ…
    - Vẫn không có vợ? Tĩnh tò mò.
    - Vẫn không có vợ. Một hôm ông vào rừng hái củi. Trên đường về, ông đi qua một khu rừng vắng, bỗng ông nhe thấy tiếng một đứa trẻ gọi:
    - Bố ơi! Cứu con với…
    Ông già ngạc nhiên nghĩ: quanh đây chẳng có người ở, sao lại có tiếng trẻ gọi. Ông già nghĩ ngợi mộ lát rồi đi tiếp. Nhưng ông vừa cất bước thì tiếng đứa trẻ lại gọi. Lần này nghe da diết hơn:
    - Bố ơi, đừng bỏ con. Con ở đây này…
    Không thể bỏ đi được, ông gìa quăng bó củi xuống đường rồi đi về phía có tiếng gọi. Nhưng ông không thấy gì, dù ông đã cố tìm tất cả các bụi cây quanh đó. Ông vừa quay đi thì lại có tiếng gọi: “Bố ơi! Con đây này”.
    Lần này thì tiêng gọi phát ra từ một khúc gỗ. Ông lão ngạc nhiên cần khúc gỗ lên, nó cất tiếng nói:
    - Con của bố đây! Bố đem con về nhà đi. Rồi con sẽ giúp bố được nhiều việc…
    Ông lão nghèo và tốt bụng nhăt khúc gỗ đem về nhà. Thế rồi ông lấy dao, đẽo gọt noa thành hình một thằng bé con trai. Ông già đặt tên cho nó là Pinôkiô…
    Tĩnh sa sầm nét mặt, căn môi im lặng. Chị Nga thấy thế thì thấy sợ:
    - Chuyện cổ tích ấy mà. Anh buồn làm gì!
    - Không, tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Mà đúng thật đấy chị ạ. Đối với người nghèo chúng ta thì, con chó, con lợn, hay khúc gỗ cũng thành người thân thuộc, có linh hồn… Phải không chị?
    - Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi biết nghèo thì buồn lắm.
    - Chị có thằng chó con này rồi, việc gì phải buồn. Chuyến sau, tôi cũng phải tìm một khúc gỗ để đẽo thành thằng con mới được… Tĩnh cười thoải mái, dường như anh chẳng biết buồn.
    Chị Nga cũng cười:
    - Anh không cần phải đẽo gỗ làm gì.
    - Sao thế? Tôi cũng nghèo đến nỗi, tóc đã bạc mà vẫn chưa có vợ…
    Chị Nga dứ dứ thằng Hận về phái Tĩnh:
    - Tôi cho anh thằng Pinôkiô này này…
    Tĩnh sững người, nhìn người đàn bà xa lạ, nghèo khó mà anh mới quen trước đây vài giờ, mà bỗng cảm thấy thân thuộc từ tận cõi nào, sâu thẳm . Chị Nga thấy xấu hổ, vì câu nói bỗ bã, có vẻ sống sượng của mình, toan ngoảnh mặt đi tránh cái nhìn của người đàn ông san tràng vạm vỡ, từng trải nhưng cũng chất chứa đầy nỗi niềm, nhưng không kịp, khiến đôi má chị thoáng có chút hồng lên. Tĩnh ngồi thụp xuống, ngó sâu vào mắt thằng Hận:
    - Thật không? Chị không được đánh lừa tôi đấy nhá…
    - Tĩnh! Tĩnh ơi…!
    Tĩnh giật mình bởi tiếng ông Thuần quát to. Anh đứng lên nhìn ông trưởng tràng với cái nhìn lạ lẫm, như lạc đi. Ông Thuần nheo nheo cười:
    - Chuẩn bị vào quanh! Cầm cái sào bột lên đây!
    - Vâng, có ngay! Tĩnh cầm cây sào nặng chịch chạy loạng choạng trên mặt mảng.
    - Cố lên! Sau cái khúc quanh này, đến bến giao bè xong tao cho chú mày nghỉ phép. Đồng ý không?
    Tĩnh mím môi, cố nén một tiếng “vâng” khoái chí. Anh đứng “bãi chân chèo”, cầm nghiêng cây sào bột như người chiến binh cầm dáo đứng tấn chờ quân địch.
    Cây sào bột là cây sào cổ truyền. Những người thợ san tràng mỗi lần vào rừng chỉ cần đem theo lưỡi rìu, lưỡi búa và dao làm công cụ. Tất cả vào rừng sẽ chặt gỗ để làm cán, làm chuôi. Nhưng cây sào bột này thì không thể kiếm từ rừng được, mà là vật bất ly thân. Khi về nhà đem theo, lên rừng lại vác đi, dù nó dài tới sáu thước, có phần bất tiện. Nhìn đoàn người đùm túm đi lên mạn ngược, không ai biết họ đi đâu. Nhưng thấy trong đoàn có người vác cây sào dài, thì đích thị đó là đoàn san tràng xuôi bè. Đó chính là cây sào bột, là vũ khí, và đồng thời cũng là biểu tượng cho sự can trường và từng trải của đoàn san tràng.
    Cây sào bột được chọn làm từ một cây hóp. Hóp là một loại tre thẳng không có gai và chỉ lớn bằng cổ tay, rất dài. Hóp được dùng làm sao bột phải là loại hóp đực, nghĩa là loại cây hóp không có khả năng “đẻ” ra măng. Vì thế nó cằn và đặc ruột. Cây hóp dùng làm sào bột khi đã gần già, nghĩa là còn có khả năng uốn qua lửa cho thật thẳng. Khi đó nó có cái chất thép để cứng và cũng có khả năng dẻo để không bị giòn và gãy khi bị chống mạnh. Đặc biệt ở phần mũi sào, tức là phần gốc cây hóp được bịt bằng một cái khâu bằng sắt như khâu dao và gắn một mũi đinh thép vào đầu, không cần nhọn, mà tù tù giống y hệt như đầu ngón tay cái. Nó có thể chống lại với đá, sỏi và rút ra dễ dàng khi đâm vào đất. Không hiểu do đâu mà những người san tràng lại đặt cho nó cái tên rất hiền thục là sào “bột”? Thực ra nó không hiền lành tí nào. Trong những năm loạn ly, vô chính phủ, giặc cướp nổi lên, cây sào bột đã từng chiến đấu và đâm lòi ruột những tên cướp cạn. Trong đoàn san tràng, ai được giao cầm cây sào bột, phải là người can trường và có sức lực. Họ chính là người “đứng mũi, chị sào”. Với cây sào này, người chiến binh có thể chèo chống con mảng bất kham qua bao ghềng thác hiểm nghèo.
    Con mảng đang trôi êm ả bỗng vặn mình răng rắc. Đã vào cổ thác. Tĩnh không quay lại, đôi mắt vẫn chăm chú nhìn mũi mảng, lên giọng nói với chị Nga đang ngồi run rẩy ôm thằng Hận đằng sau:
    - Hai mẹ con cẩn thận. Giữ chắc đấy!
    Bè đã vào cổ thác, dòng nước bỗng choãi ra, trơn tuột, xanh biếc và mềm mại như lưỡi một con rắn khổng lồ. Nước réo ầm ầm dưới chân anh. Tĩnh bỗng như người lên đồng, ngực nổi phồng, cầm trong tay thứ vũ khí gia truyền, mắt anh sáng quắc hướng về phía cuối con thác.
    Con mảng xuống thác nhẹ nhàng như trườn vào cái hang trơn nhớt. Nó vặn mình hơi nghiêng sang bên phải, gió tạt ù ù bên tai Tĩnh, khiến anh hơi loạng choạng. Đây không phải lần đầu Tĩnh nhận vai đứng mũi chịu sào, nhưng mỗi lần qua đây, anh cảm thấy giống như những ngàu đầu vào trận của những năm đánh giặc. Vách đá dựng đứng xám xịt choán dần tầm mắt anh. Ánh chiều loang loáng, những con dơi đi ăn sơm bay chấp chới, như muốn phân tán sự chú ý của anh. Nhưng kia rồi, Tĩnh nhận ra cái hốc đá vững chãi đã chịu hàng trăm, hàng ngàn mũi sào bột của dân san tràng. Tĩnh bĩnh tĩnh như người nhắm mũi giáo đâm vào ngực kẻ thù. Một tiếng chát chúa vang lên nháng lửa. Cây sào bột trong tay Tĩnh con lại như bị uốn vồng lên, như muốn hất anh xuống sông. Nhưng Tĩnh đã né nghiêng về phía trong, nhằm tạo phản lực để xô nghiêng con mảng quay đầu trở ra. Răng rắng… tiếng dồn mảng nghe ghê người, vài mũi mảng cô lao vào vách đá đã phải chùn bưỡi trướn cây sào bột bà cánh tay anh cựu chiến binh. Nó nhíc ta một khoàng, chỉ non nử sải tay, và chi các méo đá xanh không đầy một gang tay. Chính xác là một gang tay, đúng kỹ thuật. Bởi vì nếu không đánh kịp đầu mảng sẽ vỡ tung. Còn nếu sớm hơn, mạnh hơn, con mảng sẽ xô ra xa ngoài khoảng cách một gang tay nó sẽ bật ra xa, giống như con tàu sai quỹ đạo noá sẽ quanh mãi… bất tậtn. Có khi hàng buổi, cả con mảng cứ luẩn quẩn.
    - Tốt rồi! Ông Thuần nói to, tiếng ông vang rền nhờ cộng hưởing vách đá bờ vực. Để cho chúng nó quạt, cậu xem mẹ con nhà chị kia có sao không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét