Anh Kỳ kể:
-Sau khi cưới nhau được già nửa năm, chính xác là sáu tháng với mười sáu ngày, tôi nhập ngũ. Lần này do chính tôi xung phong, có người can ở lại chờ vợ có mang rồi hẵng đi cho chắc chắn có người nối dõi. Nhưng tôi không nghe, bởi thấy nó cứ thế nào ấy. Cậu thấy không? Tất cả dù lý do chính đáng thế nào đi nữa, có hợp lý đến đâu, trong hoàn cảnh ấy đều không hợp tình. Ba tháng huấn luyện ở Phú Bình, vợ tôi có sang thăm hai lần, tôi tranh thủ xin về nhà được một đêm. Sau đó là đi B...
Cậu hỏi chúng tôi có yêu nhau không ư? Về phần tôi thì không cần nói cậu cũng hiểu. Một người con gái như Nga, theo tôi nghĩ, một của hiếm. Không phải tôi tự khen đâu, mà tôi là người hiểu được Nga, yêu Nga. Còn về phần Nga, tôi cũng không biết cô ấy có yêu tôi không? Yêu vì cái gì? Chắc cậu cho rằng đã là vợ chồng rồi, cái tình, còn thêm cái nghĩa, lại còn lục vấn nhau làm gì nữa? Nhưng những lúc gian khổ ác liệt như thế này, bên cạnh nỗi nhớ da diết, tôi cứ hay tự hỏi mình, rồi lại nhủ rằng nếu may mà còn sống trở về, thể nào tôi cũng hỏi Nga câu ấy.
Học hết lớp bảy tôi vào học trường trung cấp nông nghiệp tỉnh. Trường tôi sơ tán gần trường sư phạm chỗ Nga học, chắc cậu biết? Hồi bé tôi cũng là học trò của thầy Hoan, nhưng tôi không biết thầy có cô con gái là Nga. Một lần đi lên trường, tình cờ chúng tôi lại cùng đạp xe trên quãng đường dài và cùng ngồi nghỉ tại cái quán anh Gù ở Lương Sơn, vừa bán nước vừa bán vé xổ số. Hỏi ra mới biết người làng, Nga học năm thứ nhất, còn tôi sắp sửa ra trường. Thế rồi thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau, nhưng không hề có tình ý gì.
Sau khi tốt nghiệp khóa trung cấp cơ khí nông nghiệp, tôi được điều về xã nhà. Rồi Nga cũng về dạy ở xã. Tôi tiến bộ khá nhanh, vào Đảng, vào cấp uỷ rồi phó chủ nhiệm. Mấy lần tuyển quân, tôi đều được đảng uỷ xin hoãn cho ở lại vì lý do công tác và cha mẹ già không ai trông nom. Tôi say mê công tác, trước mắt là cái ghế bí thư xã đoàn đang chờ, cho nên cũng chưa muốn dính vào chuyện vợ con, mặc dù ông bà cụ tôi mong lắm, giục tôi bao lần. Và rồi tôi gặp lại Nga khi đến làm việc với ban lãnh đạo trường cấp II. Nga cũng nhận ra tôi ngày giữa đám đông các vị quan quyền hai bên, chúng tôi cứ như là hai kẻ tri kỷ lâu ngày gặp lại. Tôi đến thăm Nga, khi thì ở trường, khi thì ở nhà. Mỗi lần tôi đến nhà, thầy Hoan tìm cớ ra vườn không rõ là thầy muốn cho chúng tôi được tự do trò chuyện hay thày không thích nói chuyện với tôi? Cứ thế, nửa năm sau tôi đặt vấn đề với Nga:
-Nếu em không chờ đợi ai, anh muốn ngỏ lời lấy em làm vợ?
Tôi nghĩ thế nào Nga cúng phản ứng, hoặc là bùng nổ chối từ, hoặc là e lệ chấp thuận. Nhưng không, Nga thản nhiên cười với tôi:
-Em không chờ ai, không hẹn ai, từ trước đến giờ, và kể cả từ giờ về sau!
Lồng ngực tôi bỗng trống trải và lạnh toát. Rồi sau đó lập tức cơn tự ái bùng lên. Trong một cái làng bé nhỏ như cái làng Sơn Cốt của chúng ta, có biết bao cô gái trông ngóng hy vọng vào tôi, vào một con người vừa khỏe mạnh, sáng sủa, lại có chút ít chúc vụ. Vậy mà một cô giáo cấp hai, đẹp nhưng không sắc nước hương trời, lại không có mẹ, không biết mẹ là ai, dám từ chối lời cầu hôn của tôi? Vậy ra tôi không xứng đáng với cô ấy ư?
Anh Kỳ ngồi dậy, châm một điếu thuốc, rồi im lặng. Tôi dè dặt:
-Em biết!
-Cậu biết gì? Anh ngạc nhiên hỏi tôi.
Tôi định nói: "Em biết chị Nga có một lời nguyền!" nhưng không hiểu sao tôi lại nói lảng:
-Em biết tính chị Nga, ngang bướng từ bé, có lẽ tại được thầy Hoan chiều!
-Không phải! Nga không được chiều chuộng, mà trái lại, cuộc sống của cô ấy khắc khổ từ tuổi thơ, bên cạnh một người cha khắc khổ. May mà cơn tự ái của tôi không bung ra thành lời nói. Tôi cố gắng nghĩ về điều mà Nga vừa nói. Không chờ đợi ai, cũng có thể hiểu rằng không có ai mà chờ! Theo cách hiểu ấy, tôi tự tin hơn:
-Thế nhưng từ hôm nay, em sẽ có người để chờ đợi!
-Anh tự tin quá đấy!
-Anh có được sự tự tin ấy chính là nhờ ở đôi mắt em khuyến khích! Tôi tranh thủ giành thế chủ động. Có thể lý trí bảo em không nên lấy anh, vì anh là người có chức trong xã, sợ mang tiếng là người hám lợi. Nhưng trái tim em, đôi mắt em lại nói điều ngược lại...
Tôi thật sự ngạc nhiên là tại sao lúc đó mình lại nói được những lời có cánh như thế? Có thể là tôi đã đọc được ở đâu đó, để rồi trong phút hoang mang, nó chợt kéo về cứu giúp mình. Quả nhiên Nga im lặng. Tôi liều lĩnh ôm choàng lấy Nga, trong góc khuất của ngọn đèn dầu phòng không, tôi hôn tới tấp vào mặt, vào môi, vào bất kỳ chỗ nào mà tôi đặt môi tới được. Nga vùng vẫy, giẫy giụa một cách tuyệt vọng. Và rồi sau đó, cuối cùng cả hai đứa cùng thở dốc mệt nhoài...
Sau lần ấy, Nga tiếp tục không giữ được mình nữa, cô nói thật với bố. Thầy Hoan im lặng, chỉ đến khi Nga thật sự tuyệt vọng ông mới nói:
-Vợ chồng là cái duyên, cái phận, không ai cản được, và cũng không thể gán ghép, ép buộc. Con đã chọn anh ta thì bố biết nói sao. Chỉ có điều từ nay, coi như bố không còn con, mà con cũng không trông cậy được vào bố. Làm dâu cái đất này là khổ nhục lắm. Vì thế bố thương con...
Cũng may cho Nga là cô ấy là người nhà nước, có gạo, có lương. Lấy nhau rồi, tôi mới biết là Nga cũng yêu tôi...
Anh Kỳ còn nói nhiều chuyện, nhưng tôi không còn nghe được gì nữa. Nỗi buồn cứ chà qua xát lại ở mãi tận đâu đâu trong ngóc ngách tim tôi. May mà anh Kỳ là người tử tế, nhưng vô tâm nên không đem lại hạnh phúc cho chị Nga cuả tôi. Sao anh không biết rằng chị Nga của tôi, nàng Nga yêu dấu của anh, không còn là cô giáo nữa, mà trở thành một nông dân, cái bóng mập mờ trên cánh đồng Lưu Lạc?
Những hạt mưa cuối cùng của mùa mua miền Đông Nam Bộ, làm cho hơi rừng dịu lại. Tôi nhắm mắt thật chặt để tìm giấc ngủ nhưng khó quá. Võng bên kia, anh Kỳ đã ngáy.
Sáng hôm sau, tôi và anh Kỳ, chúng tôi chia tay nhau, hẹn ngày gặp lại ở quê nhà. Nhưng, ngày trở lại làng quê, chỉ còn tôi, mà không có anh Kỳ. Anh đã vĩnh viễn nằm lại ở một góc khuất nào đó trong một khu rừng nguyên sơ của đất nước.
Trong cái đêm hãi hùng ấy, chị Nga đã vật vờ như một bóng ma đẫm người sương lạnh. Chị hầu như không biết mình đang ở đâu, và không nhớ những gì đã xảy ra đêm qua với mình. Mãi gần sáng, có tiếng người giục trâu đâu đó ở phía đồng bãi, chị mới dần dần tỉnh trí lại. Trong bộ quần áo trắng mong manh, đầu tóc rũ rượi, chị lần men theo rìa làng như một kẻ tà gian về nhà. Ở khúc đường ngoặt, một vài người đàn bà đi chợ sớm trông thấy chị đã vội vã nép mình vào bờ rào sợ sệt. Khi chị Nga lướt qua trước mặt họ, chị nghe thấy tiếng các bà hoảng hốt hỏi nhau:
-Ai như cô giáo Nga, con dâu cụ Tuân Kỳ ấy các bà ạ!
-Chắc là phải rồi. Nhưng mà cô ấy đi đâu về sớm thế nhỉ? Lại có vẻ vụng vụng, trộm trộm thế nào ấy!
-Dễ thường cũng mèo mả gà đồng...
-Chớ có nói thế, các bà ạ. Cô giáo Nga là người đứng đắn, nói thế mà phải tội!
-Ối dào, thời buổi loạn lạc, có chính chuyên đứng đắn mãi cũng bằng hoài công. Chứ còn gì nữa, anh con trai cụ Tuân báo tử hồi đầu năm. Rồi cô ấy cũng phải cắp nón mà về nhà mình, may ra còn kiếm được đám nào...
-Tội thân thật đấy! Đang làm cô giáo ăn lương nhà nước mà phải bỏ về cắm mặt xuống bùn, song sóc hai cái thân già nhà chồng. Bây giờ lại góa bụa...
Tiếng kẽo kẹt của đòn gánh, tiếng lộc cộc của thúng mủng cứ nhịp nhàng cùng với nhũng lời bàn tán giăng ca của các bà chợ búa lọt hết vào tai chị Nga. Chị chạy tắt qua dõng ngô vào vườn bằng một đạng rào sau nhà, hụt hơi ngã vật vào cây rơm trong vườn. Hơi ấm từ cây rơm tỏa ra làm chị nóng dần lên và bình tâm trở lại. Chị Nga cứ ngồi như thế và chợp mắt đi một chốc, cho đến khi có tiếng lợn kêu đòi ăn và đám gà trống, gà mái đuổi nhau tứ tán xung quanh cây rơm, chị bừng tỉnh. Phải làm gì bây giờ? Chị uể oải đứng dậy rón rén vào buồng. Căn nhà tối om, không biết ông lão Tuân đang ở đâu? Chị lặng lẽ thay quần áo, cuốn sơ đầu tóc rồi vội vàng xuống bếp bắc nồi cháo cho bà mẹ chồng. Thấy động, bà lão lồm ngồm ngồi dậy, chăn màn vung vãi xuống cả đất:
-Vợ Kỳ đấy à? Sao hôm nay dậy muộn thế?
-Dạ, con hơi mệt! U ăn cháo muối hay cháo đường?
-Cháo muối mãi cũng chán. Nhưng tiền đâu ra mà mua đường hả con?
-Hôm qua anh Sửu ở uỷ ban mới đưa tiền "tử sĩ". Được sáu chục đồng, thày con đang giữ. Nghe thấy hai tiếng "tử sĩ" bà lão lại mếu máo:
-Khổ tôi không hả giời! Tôi bán con tôi được sáu chục bạc thế này à?
-Thôi, u đừng làm ầm lên nữa. Chị Nga hơi gắt, và chính chị cũng ngạc nhiên là sao hôm nay mình lại gắt với mẹ chồng. Chị dịu dọng lại. Con định xin tiền thày mua cho u hai cân đường, còn thì xem may cho u bộ quần áo mới...
Bà mẹ chồng giãy nảy:
-Thôi đi chị ơi! Tôi không ăn đường cát đâu, có mua thì mua cho tôi hai miếng đường phên được rồi. Còn quần áo thì may làm gì, tôi đi đâu mà mặc. Hay là các người định may cho tôi mặc xuống lỗ đấy. Ừ, khéo thường thế thật! Tôi cũng chả muốn sống nữa. Kỳ ơi! Con ơi...
Thực lòng, bà cụ Tuân rất thương chị Nga. Thử hỏi rằng, có ai thương người đàn bà, bằng một người đàn bà. Thuở xưa, chính bà cụ Tuân, lúc còn trẻ, lấy ông lão Tuân cũng là người phải làm dâu gia đình nhà chồng. Lúc ấy, cả bố mẹ chồng bà còn sống. Có ai hiểu được nỗi lòng người con gái làm dâu hơn bà mẹ chồng. Từ tơ mơ sáng bà đã phải dậy băm bèo, đặt nồi cám lợn. Rồi còn phải luộc một nồi khoai lang để cho chồng, anh Tuân ấy, bỏ vài củ vào túi đánh trâu ra đồng. Mà phải làm thật chính xác, thât nhẹ nhàng, bởi vì chỉ cần một tiếng động nhỏ là bị chửi. Không chửi té tát thẳng vào mặt đâu, nhưng bằng những câu nói mát, xỉa xói rất dễ làm người ta bực mình. Cả hai ông bà đều không ngủ được, họ già rồi, họ ngủ chán ra rồi, chính họ cũng biết thế nhưng lại cứ kiếm cớ, đổ cho con dâu "đá thúng, đụng nia", là kẻ gây hấn. Con lợn trong chuồng, nghe động xoong nồi là gầm rít lên, cái giống súc vật là thế. Bà mẹ chồng cũng biết thế, nhưng nào bà có chịu là thế đâu. Trong lúc quờ quạng với cặp mắt nhập nhèm, bà đứng trên hè, giống giả bằng cái giọng khê khê:
-Chị nhiêu ơi, chị nạt cái con lợn toi vật ấy một tiếng cho nó câm mõm nó lại cho tôi nhờ cái nào!
Ấy thế mà một lần, chị nhiêu Tuân cầm cái cặp đùa bếp đập vào cọc chuồng lợn mắng nó:
-Toi vật! Có câm cái mõm lại không nào! Ăn gì vào lúc này mà gầm rít lên thế...
Nào ngờ lúc ấy, bà cụ đang mải miết "tồ tồ" sau gốc chuối, cạnh chuồng lợn. Nghe nàng dâu mắng con lợn, bà cụ đã "mát mẻ":
-Ấy, chị ơi! Cả cửa cả nhà nhà tôi cóp nhặt mới nuôi được nó bằng tưng ấy đấy! Toi mà vật mất nó thì biết trông vào đâu...
Sau này, khi có con, chị Thông, chị Diệu, rồi anh Kỳ lần lượt ra đời, bà Tuân đỡ khổ được đôi phần. Không, bà vẫn khổ, nhưng cái cực khổ có phần "dễ chịu" hơn. Có con, bà bấu víu vào con, không còn chịu cảnh xỉa xói, mát mẻ như trước. Nhưng một nách mấy đứa con thơ, chả bao giờ bà được ăn miếng cơm cho ra miếng. Đến bữa, hai chân cặp con, để cho nó ngồi trước mặt, bà nhắm mắt, nhắm mũi vào mà và lấy, và để, mặc kệ, sắn, khoai, cơm, củ... lộn nhộn, lạo nhạo, miễn là lưng lửng bụng. Để rồi lại quẳng con đấy, lao ra đồng... Gia đình nhà chồng, bà mẹ chồng, "vuốt mặt còn nể mũi", có hành hạ hay dè bỉu con dâu, cũng phải kiêng những đứa cháu nội...
Gia đình ông Tuân là nhà gia giáo, có của, có danh... Một thời xa xưa, chính ông Tuân cũng đã từng giang hồ lưu lạc, theo một bà cô đi buôn bán khắp mấy tỉnh thành. Sau ngày vỡ đồn Tây (tháng Tám năm 1945) ông mới trở về làng. Lúc lấy ông Tuân, người ta đã bảo bà sẽ sướng, và sướng là thế! Nhưng ở cái làng Sơn Cốt của chúng tôi, cái truyền thống đáng nguyền rủa hàng đời, hàng đời nay về sự đầy ải con dâu và sự ăn miếng, trả miếng giữa nàng dâu mẹ chồng đã ăn sâu vào trong tận xương trắng, tủy đỏ rồi, biết đến bao giờ mới gột đi được? Người ta gia giáo ở tận đẩu, tận đâu ấy chứ người đàn bà, nhất là thân phận người đàn bà làm dâu có khi nào được hưởng. Những tưởng là những người đã đau khổ chất chồng bởi cảnh làm dâu rồi thì sau này họ ngồi ghế mẹ chồng, thì "lòng vả cũng như lòng sung", họ phải thương lấy con dâu, nhưng ngờ đâu, họ lại dẫm vào cái dấu chân tai ác ấy như con trâu trên đường lầy, họ cứ nhè những bước của "tiền nhân" mà xử với những người đàn bà có chung số phận. Cứ như thể là trả thù vậy! Không phải ngẫu nhiên mà người ta còn truyền nhau cái câu: mất tiên mua mâm thì đâm cho thủng! Không muốn, họ cũng phải là "kẻ thù truyền kiếp" của nhau!
Thế hóa nên, bà lão Tuân có thương chị Nga thật đấy, nhưng cái miệng bà lúc nào cũng oai oái, làm như mọi tội lỗi bà phải mang, mọi tai ương bà phải gánh đều do chị Nga của tôi đem lại.
Chị Nga đặt nồi cháo xong, múc cám chăn lợn. Chị đứng hồi lâu ở chuồng lợn, vừa cho nó ăn vừa gãi gãi trên cái bờ gáy rậm rịt những sợi lông cứng của nó. Con lợn im lặng, thỉnh thoảng nó lại hặc mõm về một bên như đứa trẻ hờn. Trong nhà này nó cho chị là người chủ thân thiết, và rồi chị Nga cũng coi nó như người bạn. Đôi khi công việc ngập chân tay, nhưng chị vẫn dành cho nó vài phút. Những lúc ấy, chị cảm thấy chính nó mới là nguồn an ủi của chị.
Phục vụ bà mẹ chồng xong, chị Nga lên nhà trên, không thấy ông lão Tuân đâu, chị vào buồng chải đầu và cẩn thận chít vành khăn trắng lên mái tóc đã bắt đầu cứng, có rất nhiều sợi chẻ ra làm hai, làm ba... dắt xe đạp ra cổng. Chị lưỡng lự giây lát rồi dựa xe vào bờ rào, quay vào nói với mẹ chồng:
-Thầy con không có nhà, con về bên bố con một chốc, u ạ!
-Ừ. Liệu mà về sơm sớm cơm nước con nhá. Giọng bà lão ngọt ngào một cách lạ thường, khiến chị Nga lấy làm ngạc nhiên.
Ra đường, tiếng lách tách của chiếc líp xe làm chị thấy vui vui. Ừ, chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất, món kỉ vật mà người ta dành cho thầy Hoan, trước khi thầy nghỉ hưu, là quà tặng của thầy cho chị Nga, và đến khi chị lấy chồng, thì nó là của hồi môn rất đáng giá của thầy dành cho con gái. Chị vừa nghĩ ngợi lung tung, vừa phải tránh những vũng nước ổ gà và những hòn đá cuội "nhẵn như đầu ông sư" rải rác trên mạt đường. Một toán học sinh đi học về, đứng nép vào một bên, chúng thay nhau nhao nhao "Em chào cô ạ!". Chị Nga cười với chúng bằng nụ cười thật chua chát. Em chào cô ạ! Cô nào? Chị đã bao nhiêu lần nói với chúng rằng, chúng không phải chào chị nữa, và nhất là đừng "chào cô giáo" nữa, nhưng chúng không nghe! Liệu chúng có thật lòng không hay là chúng cố tình châm vào nỗi đau của chị? Và cũng rất có thể là chúng làm theo lời xui bẩy của một ai đó? Chao ơi, nếu thế thì thật là độc ác!
Chị Nga đạp xe về, không thấy bố trong nhà, chị gọi to:
-Bố ơi!
Có tiếng động phía bờ ao, thầy Hoan xắn quần quá đầu gối, tay cầm con dao đi lên:
-Nga đã về đấy hả con?
Chị Nga chỉ chờ có thế, gục đầu vào vai bố khóc nức nở. Thầy Hoan dìu con vào nhà, đặt chị xuống mép ghế rồi vỗ vỗ vào mái tóc có chít vành khăn trắng. Hai bố con chị Nga cứ ngồi như thế bên nhau có tới hàng giờ lâu. Thầy Hoan gỡ tay con gái ra khỏi vai áo mình, nói nhỏ:
-Nín đi con! Chiến tranh...
-Con khổ quá, bố ơi!
-Bố hiểu! Bố hiểu con gái. Mọi sự đã được sắp bày cả rồi, biết phải làm sao!
Chị Nga gạt những sợi tóc mai nhòe đẫm nước mắt, nhìn bố cầu khẩn:
-Bố hãy cho con một lời khuyên!
Thầy Hoan vân vê que đóm châm thuốc trong tay, ngẩn ngơ nhìn vào khoảng nắng ngoài vườn. Que đóm cháy leo đến đầu ngón tay khiến thầy giật mình, dụi nó vào bát điếu. Ngoài kia, xa xôi lắm ở tận nơi nào đó của làng quê, tiếng người gọi nhau nghe thật hối hả. Xa nữa là tiếng ầm ì của máy bay, không biết của ta hay của địch mà sao thanh bình làm vậy?
-Bố chỉ có mình con, nhưng bố đã không giữ được con bên mình. Điều này làm bố ân hận quá. Lại càng đau lòng hơn khi nhìn thấy con rơi vào hoàn cảnh éo le mà bất lực. Con hãy tha tội cho bố. Thầy Hoan khóc. Và mẹ con nữa, hãy tha tội cho ta... Lời khuyên của bố ư? Bố chỉ biết nói với con rằng: nếu con nhận thấy điều gì đúng thì con cứ làm!
Chị Nga nắm chặt những ngón tay gầy guộc của bố, ngước lên:
-Con biết bố muốn con phải làm gì rồi. Nhưng...
-Nhưng sao hả con gái?
-Thôi, bố cứ yên tâm. Bố hãy kể về mẹ cho con nghe đi!
Thầy Hoan nhìn con gái, ngạc nhiên:
-Bố đã kể rồi mà!
-Bố cứ kể lại cho con nghe, xin bố hãy kể hết, và đừng giấu con điều gì. Nhất là về cái chết của mẹ...
Thầy Hoan thở dài nhượng bộ:
-Thôi được, bố sẽ nói cho con biết. Sau khi sinh con ra được hai mươi ba ngày, mẹ con qua đời. Đúng là không phải mẹ con chết vì bệnh hậu sản như bố đã nói với con...
-Vậy thì vì cái gì hả bố?
-Chính vì lưỡi dao của ông ngoại con, cha của mẹ con!
Chị Nga rùng mình ôm chặt lấy đầu gối bố, đôi mắt nhắm nghiền, giọng thoang thoảng:
-Kinh khủng quá! Thầy Hoan tiếp tục nói như nói cho chính mình nghe. Ngày ấy bố và mẹ con phải lòng nhau, nhưng không được ông ngoại con đồng ý. Vì bố là người xa lạ, tứ cố vô thân, hơn nữa lại là người lính, rày đây mai đó, sống chết khôn lường. Nhưng tình yêu đã làm hai người mù quáng, mẹ con đã mang hình hài của con trong bụng. Gần đến ngày sinh con, mẹ con đã tìm bố. Rồi chúng ta đưa nhau vào một cánh rừng, bố dựng lên một cái lán nhỏ. Ở nơi ấy con đã cất tiếng khóc chào đời. Hai mươi ba ngày sau, khi bố đi vắng, lúc trở về, thấy mẹ con đã nằm bên vũng máu còn con thì giãy đạp bên cạnh, người cũng đỏ lòe máu tươi. Lúc ấy mẹ con chỉ còn thều thào:
-Hãy đưa con đi khỏi nơi này! Đừng oán giận cha em, ông đã tuyệt vọng vì đứa con duy nhất!
Sau khi chôn mẹ con, bố nghe tin ông ngoại cũng đã tự tử. Bố bồng con đến trước mộ ông ngoại, nói lời vĩnh biệt rồi ôm con ra đi.
Hai bố con chị Nga cùng ngồi bất động hồi lâu. Nắng đã lùi xa khỏi thềm nhà, mùi ngải cứu trên đầu giường thầy Hoan tỏa ra hăng hăng. cho đến lúc chị Nga lay bố:
-Bố ơi! sao bố không xử con như ông ngoại đã xử với mẹ?
-Không! Không bao giờ rồ dại lặp lại những điều bi đát!
-Nhưng lại có những bi đát khác?
Thầy Hoan xoa đầu con gái:
-Đúng là có những cái bi kịch khác nhau mà chúng ta khó tránh khỏi. Nhưng bố tin rằng rồi thế nào cũng phải có một lối thoát. Thôi trưa rồi, con có ở lại ăn cơm với bố không?
-Con phải đi thôi bố ạ!
Khi chị Nga sắp nón dẫn xe ra cổng, thầy Hoan đưa cho chị cái gói nhỏ, buộc lỏng lẻo:
-Bố có cân đường, tiêu chuẩn hưu, con cầm lấy mà uống nước...
-Con xin bố! Con thương bố quá! Thôi, con đi đây!
Chị Nga dựa xe đạp, khẽ đẩy dịch bức liếp, lách người vào nhà. Từ ngoài nắng vào trong mát, mắt chị hoa lên, chưa nhìn rõ mọi vật trong nhàvừa trống trải vừa ẩm thấp. Chợt chị nghe có tiếng động mạnh như người giãy đạp và tiếng người nghẹt thở. Thoạt đầu chị tưởng tiếng con lợn đánh hơi thấy chị về, nhưng không phải. Chị hốt hoảng nhận thấy cả mấy cái duổi nhà cùng rung lên. Có chuyện không lành rồi! Chị Nga lao vào buồng, nơi vẫn để thóc, sắn khô, nồi thau đồng, và một cảnh tượng kinh hoàng đã hiện ra trước mắt chị: một thây người gầy rạc đang treo lủng lẳng trên quá giang nhà. Chị Nga vội quay ra giật phắt cái liềm cắt lúa vẫn gài trên mái gianh từ sau vụ gặt, nhảy vào trèo lên bồ thóc, một tay đu người trên mái nhà, tay kia chị ngoặc cái liềm vào sợi dây ra sức cứa. Sợi dây đứt, cái thân người đổ uỵch xuống nền buồng. Đó là ông lão Tuân! Chị Nga cởi mạnh cái nút dây thừng rồi bế thốc ông lão đặt lên giường. Toàn thân ông lão hãy còn nóng, chị Nga nghiêng người ghé tai lên ngực nạn nhân. Chị im lặng đứng dậy: tim hãy còn đập! Chị Nga tìm cái quạt nan quạt mạnh lên mặt ông lão Tuân, rồi chị lấy hai đầu ngón tay cái day mạnh hai bên thái dương. Được một lúc, có tiếng thở khò khè của ông. Như sực nhớ ra, chị đứng dậy lấy trong cái túi của mình ra gói đường bọc trong giấy báo mà ông bố mới cho, tìm cái cốc thủy tinh sứt sẹo, pha một cốc nước đường, nâng đầu bố chồng dậy, kề cốc nước vào miệng. Tất cả những động tác, những việc làm của chị Nga chính xác, khéo léo diễn ra dưới vẻ mặt lạnh lùng, bình thản, tựa như một bác sĩ đang làm chức trách của mình. Và khi thấy sức lực ông lão Tuân dần dần lấy lại, chị ánh lên một nét cười trên vành môi của người vừa hoàn thành một công trình sáng tạo.
Ông lão Tuân mấp máy môi, uống từng ngụm nhỏ. Bỗng, lão nấc một tiếng dựng người lên, rồi nôn thốc tháo ra tay chị Nga. Một dòng nước đỏ lòm trào ra miệng lão, nghiêng xuống cái ngấn cổ nhăn nheo đang bắt đầu sưng vù lên.
Nghe tin ông lão Tuân ốm, bà con đến thăm chật nhà, không kém gì cái ngày báo tử anh Kỳ. Ông Tuân ngồi dựa vào thành giường, chùm chăn kín đôi chân đến ngang bụng, cổ quấn cái khăn phu-la màu gụ, thở khò khè, không nói được hỉ gật đầu đáp lễ những người đến thăm. Chị Nga tất tưởi chạy lên nhà trên xuống nhà ngang, nơi hai ông bà bố mẹ chồng đang cùng nằm liệt chiếu. Đun nước, chào đón khách, một tiếng rên nho nhỏ ở phía nào chị cũng phải có mặt.
-Chị Kỳ này, chết thật, làm sao mà để cụ đêm hôm một mình không trông nom, đến nỗi này? Một bà thím họ xa, ăn trầu cắn chỉ, trề đôi môi mỏng ra chành chẻ.
Chị Nga cúi nhìn vạt áo, rơm rớm nước mắt:
-Thưa thím, tại cháu sơ ý!
-Ừ, lần sau nhớ cẩn thận đấy, các cụ già yếu, lại cô đơn một mình một bóng, con cái đứa lấy chồng thiên hạ, đứa hy sinh ngoài mặt trận. Tất cả đều trông vào chị thôi đấy!
-Vâng ạ!
Rồi chị tất bật đi ra, từ non trưa đến chiều tối, mãi đến quá khuya, chị mới được ngả lưng. Đặt mình nằm xuống cái giường chị lại giật thót người, chỉ muốn vùng dậy phóng ra ngoài. Có đêm, chị như người lẩn thẩn, vùng dậy chạy vào bếp vục cám cho lợn ăn. Con lợn bị đánh thức ngái ngủ dụi dụi cái mõm vào tay chị, rồi uể oải xốc cám. Nó hình như cũng muốn chiều chị mà ăn, còn chị, hàng giờ liền ngồi vừa vun cám cho nó ăn, vừa gãi gãi trên cái bờm có những sợi lông thưa và cứng của nó. Hai hôm sau ngày ông lão Tuân ốm, một vị đại diện thường trực uỷ ban xã đến thăm. Tiếng ông ta oang oang, rõ ra là tiếng cười nói của người đắc chí từ ngoài đầu ngõ:
-Thế nào? Cô giáo Nga đâu? Cụ nhà mỏi thế nào?
Chị Nga lật đật chạy ra, tay cầm cành rong đuổi chó:
-Bác lại chơi!Ấy chết bác đừng gọi em là "cô giáo" nữa. Em có còn dạy dỗ gì nữa đâu ạ...
-Ừ hừ! Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, cô là cô giáo thì chúng tôi mới dám gọi. Như ông Bếp Hồng ở ta đấy, cô có biết không? Ông ấy đi lính cho Pháp làm đến chức "bếp", về làng đã lâu, mà ai cũng gọi là ông Bếp Hồng đấy thây!
-Người ta khác, em khác. Xin bác cứ gọi em là Nga thôi ạ!
-Ừ, thế cũng được. Cụ nhà nằm đâu?
-Mời bác vào, ông cụ nhà em ở trên nhà trên.
Ông thường trực uỷ ban gạt cái chân trống xe đạp phượng hoàng đứng giữa sân, úp cái mũ cối bộ đội lên ghi- đông rồi vào nhà:
-Chào cụ! Nghe tin cụ mỏi, anh em trên uỷ ban cử tôi đến thăm cụ đây!
Ông lão dọ dạy ngồi nhớm lên, hướng đôi mắt lo âu về phía khách, môi mấp máy không thành tiếng.
-Cụ cứ nằm nghỉ, không sao! Ông khách ghé ngồi vào một bên thành giường. Chết thật, bệnh tình thế này mà không chạy chữa là khốn. Hay để tôi bảo cô Sáu trên trạm xá xuống khám cho cụ nhá?
Ông Tuân bất ngờ rút tay ra gỏi chăn, huơ huơ ra chiều không đồng ý. Thình lình cái khăn phu-la trên cổ tụt xuống, làm lão hoảng hốt, kéo vội nó lên. Vừa lúc ấy chị Nga cũng từ nhà ngang đi lên:
-Thày! Thày làm sao thế?
-Cổ cụ làm sao mà tím bầm lên thế, hả cô giáo?
Ông lão Tuân cố hết sức bình sinh:
-Đá...nh gio... ó...!
-Gió à? Ông khách cười. Ừ, dạo này gió lạnh về đêm, đi ra ngoài lại có tuổi như cụ, hay bị cảm lắm đấy. Phải không cô giáo?
-Dạ, bác nói phải ạ!
-Thôi thế này, uỷ ban có cân đường gọi là chút quà thăm nom, gửi cụ uống nước. Ông lục túi áo đại cán lấy ra cái gói nhỏ. Còn đây là của tôi, lạng mỹ chính Việt Trì hôm đi tập huấn nông nghiệp ngoài huyện được mua. Cô giáo cầm lấy, thỉnh thoảng cho vào cháo cho cụ ăn...
-Vâng, em xin bác, cám ơn bác và các bác"ngoài" uỷ ban!
-Cụ nằm nghỉ, chịu khó ăn vào cho khoẻ. Tôi phải đi sang Thống Hạ xem mạ mon thế nào đây. Đấy, lại còn phải liên hệ cho nhà trường Đại học gì ấy, ở Hà Nội về sơ tán. Gớm, sau cái thằng Giôn-xơn, đến cái thằng Ních-sơn này nó còn ác liệt lắm đây! Mẹ cha chúng nó! Nhà ta còn hầm chứ?
-Dạ còn ạ!
-Ừ. Thôi chào cụ, chào cô giáo, à tôi cứ hay quen mồm, chào chị Kỳ!
-Vâng, bác lại nhà!
Rồi khách khứa cũng thưa dần, nhưng cái dấu dây thừng trên cổ ông lão vẫn còn bầm tím khá lâu. Cho đến khi ông lão Tuân đã đứng dậy đi lại được trong nhà, trên cổ ông vẫn xù xù cái khăn phu-la. May mắn cho ông lão Tuân, cho cả mình nữa, chị Nga thầm nhủ, nó là cái sợi chạc trâu bằng dây nâu đã ải lại cứng chứ mềm như sợi vải thì chắc chả kịp. Phải tay mình, chị Nga cười, mình sẽ tìm một sợi lụa trắng, phải rồi, sợi lụa bạch để ra đi cho thanh sạch!
Khi ông lão khỏi hẳn, trong lúc chỉ còn hai người cần phải nói với nhau điều gì, chỉ có chị Nga lên tiếng trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét