Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết - 7)

 Ngay sau ngày hòa bình, từ chiến trường miền Nam trở về, một trong những nơi tôi đến thăm đầu tiên là Soi Vạt.
Bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Chỉ mới có mười năm thôi ư? Nhưng sao mà lâu thế, mà đằng đẵng thế? Và bất chợt tôi hiểu ra rằng, thời gian đối với mỗi con người, mỗi lứa tuổi và mỗi sự kiện, công việc cũng khác nhau. Thời gian chính là cái đồng hồ chỉ có mỗi một việc là quay tròn, tích tắc vô tư, vô hồn, còn con người thì lại dích dắc, ngoắt ngoéo, có khi thì là số phận đẩy đưa, mà cũng có khi lại là những mưu toan do chính mình bày ra và lao theo.
Bây giờ thì tôi hiểu ra rằng tại sao người lớn lại ít đến và ngại đến Soi Vạt. Chẳng phải ma mãnh, quỷ thần gì cản chân họ, mà cũng không phải là ở đó không có lợi lộc phì nhiêu, mà là do con đường. Nếu gọi là “đường” để vào Soi Vạt thì đó chỉ có mỗi con đường độc đạo. Khi rẽ xuống bờ sông, để đến cái bãi này, phải vượt qua cửa một con ngòi. Con ngòi này chảy ngoằn ngoèo qua cánh đồng Lưu Lạc, để đến khi đổ vào sông Công đem theo một ít phù sa, tuy ít ỏi nhưng cũng đủ làm nên một bãi lầy ngay cửa ngòi, mà ngoài con trâu ra, con người khó mà dám lội xuống. Tất nhiên người ta cũng có bắc một cây cầu, gọi là cầu Vông. Nhưng cây cầu Vông này là một hệ thống ống được làm bằng những cái thùng phuy đường kính độ sáu mươi phân, nối vào nhau để dẫn nước từ một cái “cọn” mãi đâu tận Làng Mương về cho cánh đồng Lưu Lạc. Với một “cây cầu” như thế thì chỉ có những người can đảm lắm, liều lĩnh lắm mới dám vượt qua! Đám trẻ mục đồng chúng tôi, đã lợi dụng thế hiểm yếu đó để lùa trâu vào bãi chăn, bằng cách ngồi chễm trệ trên lưng trâu, hò reo tấn công vào Soi Vạt, như thể đoàn quân chiến thắng, tiến vào tịch thu đất đai và chiến lợi phẩm. Có lẽ bọn trâu cũng thích thế, nơi đây có cỏ lúc nào cũng non, bao giờ cũng xanh mướt, có bóng mát của tre phù sa và nước sông trong xanh, ngọt lừ ngọt lịm, nên chúng băng băng lội qua đám bùn lầy, đến ngang bụng, và cũng có khi ngập đến tận lưng, chỉ thò có cái mũi lên thở phì phì!
Nhưng đó là chuyện của cách đây đã lâu. Vài năm trở lại đây, người ta đã bắc một cây cầu khác, tuy vẫn đơn sơ là tre, là gỗ, nhưng bằng phẳng, có bề rộng đô hơn một thước, để người đi bộ và gồng gánh có thể qua lại được!
Tôi trở về Soi Vạt trong bộ quân phục bằng vải Tô Châu còn khá mới, vì nó được phát ngay trước ngày chiến thắng để chúng tôi tiến vào thành phố hoa lệ, thủ đô của một chế độ khá hùng hậu về tiền bạc, vừa thất trận. Bộ quần áo ấy, vào thời ấy là sự sang trọng bậc nhất. Nó là hiện thân của sự vinh quang tột độ mà chúng tôi đem về quê hương. Cùng với bộ quần áo màu xanh huyền thoại ấy là chiếc mũ cối có ngôi sao vàng trên nền cờ nửa đỏ, nửa xanh, lại một biểu tượng nữa của một thế hệ thanh niên nhà quê chúng tôi. Có lần, tôi đã ngầm so sánh chiếc mũ cối với chiếc mũ kê- pi của người Côdắc sông Đông bên nước Nga xa xôi, khi nó tồn tại hàng mấy thập niên trong nhiều thế hệ như một thứ vinh quang và tiện dụng. Cái ông già Panchêlây thọt chân mừng như thế nào khi anh con trai bất trị Grigôri đem về tặng bố chiếc mũ lưỡi chai có viền một băng đỏ! Cha tôi không thích chiếc mũ cối , nhưng ông luôn thích tôi đi đâu phải có nó, có khi đội trên đầu và cũng có lúc ôm trước bụng một cách khiêm tốn và tự tin. Chính vì thế mà trước khi tôi trở lại miền Nam nhận tiếp nhiệm vụ mới, tôi đã bị mất cắp chiếc mũ cối rất đẹp mà nếu bán được rất nhiều tiền (đủ tiền mua vé ô tô hai lượt khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội) tại ngay Hà Nội, thủ đô văn hiến. Chiếc mũ ấy tôi đã có ý định tặng lại cha tôi khi tôi ra đi! Nhưng khi tôi trở lại Soi Vạt thì chiếc mũ ấy chưa bị mất, và một chú bé chăn trâu có mái tóc vàng cháy và lớp da trên mặt nổi mốc nhìn tôi rất chăm chú, và khi nhận thấy chiếc mũ và chiếc quân hiệu xanh - đỏ, trên đầu tôi chú ta đánh bạo:
- Anh ở Miền về à?
Tôi bật cười. Miền là Miền Nam, một nơi hoàn toàn xa xôi, lạ lẫm với chú bé, nhưng có thể chú đã nghe đến Miền Nam suốt từ thuở lọt lòng đến giờ, thế mà chỉ với thời gian ngắn ngủi gần đây, chú đã kịp bắt chước những người đi buôn, gọi nó bằng một tiếng “miền” ngắn ngủn và xấc xược. Họ là những ông vua, bà vua trong việc sáng tạo ra nguồn từ vựng kiểu bến xe, bến tàu, chợ búa... bổ sung vào vốn tiếng Việt yêu dấu của chúng ta. Xe “miền”, vải “miền”, gạo “miền”... và giờ đây tôi là anh “miền” của chú bé. Tôi hơi bị tự ái, nhưng rồi nhìn cái vẻ ngây thơ, thất học của nó, tôi đâm rộng lượng, xoa đầu nó:
- Ừ! Sao em biết anh ở Miền Nam ra?
Chú bé không trả lời tôi, nó ỏn ẻn, chìa tay ra:
- Cho em một điếu thuốc “miền” đi anh!
Tôi không có thuốc “miền”! Đúng ra thì cũng có, nhưng từ hôm ra tôi đã đãi khách hết rồi, ai cũng muốn thử một điếu, nhà khói phì phèo, đưa ra một câu nhận xét ác cảm, rồi khi về cầm thêm một điếu làm quà.
- Anh không có thuốc “miền”, chỉ có Tam Thanh thôi...
Tôi chìa bao thuốc ra cho nó, thằng bé nhón một điếu, xin tôi lửa châm hít một hơi, nhăn cả mũi, rồi cũng thở ra đằng mũi, rất buồn cười. Làm như vẻ khoái trá, nó hỏi tôi:
- Sao anh không chết?
Tôi giật thót người, hiểu câu nó hỏi, nhưng chưa nghĩ ra cách trả lời, thì thằng bé hỏi tiếp:
- Đánh nhau ác liệt thế mà anh không bị hy sinh à?
Hóa ra thằng bé là người thẳng thắn nhất trong số những người mà tôi đã gặp lại trên quê hương mình từ ngày từ chiến trường trở về. Tôi về làng vào nửa đêm hai mươi sáu Tết, cái Tết đầu tiên sau ngày hòa bình. Một đêm rét cắt thịt da, gió rít điên cuồng trong các toa tàu đen xù xì, ghê rợn. Nếu trong những vinh quang mà người chiến sĩ được hưởng, thì được về phép vào dịp Tết là vinh quang được nhân lên gáp nhiều lần, cùng với niềm kiêu hãnh tột bậc. Trong niềm hãnh diện chung dành cho anh lính sáng bóng trong vòng hào quang chiến thắng, còn xen lẫn với niềm sung sướng được về quê ăn Tết. Việc con người tha hương dù là đi cầu thực, làm thuê cuốc mướn đi chăng nữa thì chuyện trở về đoàn tụ trong ba ngày tết là một niềm khát khao vô độ, huống là chúng tôi đi chiến đấu, đi giải phóng! Trong những ngày Tết vừa có thời gian để chơi bời, thăm hỏi, vì trong dịp này không ai đi làm, vừa có cái ăn, vì trừ ba ngày Tết dân làng mới thịt, mới có cơm không, còn lại quanh năm suốt tháng nhà nhà chỉ có cơm độn khoai sắn, và hiếm khi mới có tí... mũi, tức là mỡ lợn. Người làng đến thăm chúng tôi (cùng đêm ấy có hai chiến sĩ cũng trở về với tôi, nhưng vào những giờ khác nhau) như đi hội, như đi thăm một kỳ quan của làng. Những người lớn tuổi, ai cũng muốn chạm vào người chúng tôi một cái, để thấy đích xác rằng da thịt chúng tôi vẫn còn. Các cô gái đã vào tuổi lỡ thì, ngồi xen với những bà xồn xồn, thỉnh thoảng đưa con mắt hiếu kỳ pha chút khát khao nhìn chúng tôi đang xúng xính trong tư thế của người đăng quang. Còn các cô gái mới lớn, đang trổ mã, phô bày ngồn ngộn sức sống thanh xuân, rực rỡ thì không ngại gì mà cười ngặt nghẽo, đấm thùm thụp vào lưng, vào vai chúng tôi... Họ, những cô bé còn đầy mũi giãi và những cái áo xơ tướp, cái quần thủng đít khi chúng tôi ra đi!
Cũng có những người không có mặt trong những ngày đầu chúng tôi mới về. Đó là những người cha, người mẹ mất con, những người vợ mất chồng... Và, việc chúng tôi phải đến thăm những gia đình bất hạnh ấy vào ngày đầu năm mới là một đạo lý. Một trong những gia đình ấy là ông bà Tuân. Ông lão già xụm, nhưng vẫn tỉnh táo, tinh tường, chứ không ảo não, tàn tạ như bà cụ, co ro như một đống giẻ cũ nát trong góc giường. Bà cụ Tuân nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ, nhưng bàn tay bà lập cập lần theo cánh tay tôi, tôi cảm như bàn tay ấy mọc ra từ bức vách đất, gai gai;
- Nghe nói cậu có gặp anh Kỳ nhà tôi?
Tôi khẽ nắm bàn tay bà:
- Vâng! Anh em chúng cháu có găp nhau...
- Cậu thấy anh ấy thế nào?
Tôi đắn đo, chưa nghĩ ra cách trả lời bà lão. Đáng lẽ tôi phải nói thật rằng anh Kỳ gầy như một cây củi cành, với cái đầu trọc lốc, không có tóc, không còn cả lông mày... thì tôi lại nói:
- Lúc ấy anh Kỳ khỏe lắm, to lớn hơn cả lúc ở nhà!
Tôi thấy bàn tay bà cụ lỏng ra, nỗi đau đớn, thất vọng truyền sang cả cánh tay tôi. Một giọng nói đầy vẻ trách móc:
- Thế mà cậu không rủ anh ấy về cùng...
Tôi hiểu câu nói ấy như sau, rất rõ ràng: thế mà anh ấy chết, còn cậu thì lại sống!? Những con người làng quê của tôi là như thế đấy. Trong cái đau đớn, thất vọng tột cùng, họ cũng không nỡ làm tôi buồn.
Thằng bé tiếp tục rít thuốc, và lại ngẩng lên nhìn tôi, chờ câu trả lời. Tôi, khoác tay lên vai nó, hỏi:
- Mày con nhà ai, nhà ở đâu?
Nó thản nhhiên:
- Nhà em ở trong xóm! - Nó ngoảnh đầu vào rặng tre đen ngòm - Bố em tên là Tuất, anh có biết không?
- À, anh biết! Bố mày cũng đi bộ đội?
- Chết rồi! Báo tử rồi...
Nó trả lời một cách thản nhiên và kiên quyết. Tôi đoán, thằng bé không hề biết chết là gì, báo tử là gì, mà nó chỉ nghe qua lời người lớn. Nhưng bố nó không bao giờ trở về thì nó biết.
- Lâu chưa?
- Năm kia! Xã làm lễ truy điệu, to lắm, có cả bắn súng nữa!
- Năm nay mày lên mấy? Tên là gì?
- Em tên là Hợi, mẹ em bảo em 13 tuổi!
- Mẹ mày đâu? Ở trong xóm à?
Thằng Hợi ngọ ngoạy cái cổ cứng của nó trong tay tôi:
- Mẹ em lấy ông Sáu làm chồng rồi. Ông Sáu đánh xe trâu ở Đầu Cầu, anh biết không?
Tôi thấy tim mình như muốn nghẹn lại, cánh tay tôi xiết chặt vai thằng bé:
- Không biết! Mày ở với mẹ, với ông Sáu à?
- Em ở với ông ngoại, cả với dì nữa! Nhưng, em không ở trong xóm. Nhà em kia kìa...
Tôi nhìn theo hướng ngón tay đen nhẻm và gầy quắt của thằng Hợi. Sau hàng hàng lớp lớp rặng bưởi bung, là màu xanh ngắt của cỏ. Có mấy con trâu đang đủng đỉnh gặm cỏ, hai con nghé con thỉnh thoảnh lại lồng lên, rỏng đuôi, rồi lại lao vào vú mẹ. Dòng sông mùa này nhỏ lại, lấp lánh ánh mặt trời, rồi khuất vào một mô đất phù sa, như muốn giấu mình, không rõ là thẹn thùng hay đau khổ. Phía đầu soi, nấp dưới bóng một lùm tre phơ phất hoa khô là một cái chòi. Nhà thằng Hợi! Tôi khoác vai nó:
- Đi!
Chúng tôi men theo sườn một bờ tre gai đã bị chặt trụi, đất mùn giun đùn lên đen thâm nom như những hòn non bộ hoặc như những tòa lâu đài cổ của người A Rập. Tôi nhìn theo bàn chân trần của thằng Hợi đạp phứa lên những đám mùn giun mà thấy gai người. Một kỷ niệm kinh hoàng chợt kéo đến, khiến tôi hoảng hốt, la lên:
- Kìa! Cẩn thận, Hợi!...
Thằng Hợi phô hàm răng vàng khè, toàn một màu nhựa sắn, tro than, nhìn tôi lạ lẫm. Rồi nó bật cười:
- Làm gì có cái gì! Anh làm sao thế?
Tôi không bị làm sao cả, chỉ bất chợt thấy hốt hoảng mà thôi. Cái ngày 17 tháng 3 năm ấy tôi còn nhớ rất rõ và rất dai dẳng. Đó không phải là một trận đánh ác liêt, chỉ là một ngày bình thường, nắng gay gắt, trời trong xanh như muốn xuyên thấu tận đáy vũ trụ, thế mà chúng tôi mất đi hai chiến sĩ, còn tôi mất hai người bạn, đồng hương. Câu chuyện từ những đống mùn giun...
Tôi được điều động từ sư đoàn bộ về làm quân lực ở trung đoàn 32, lúc ấy đang đóng quân ở Tây Ninh. Là anh cán bộ quân lực, tôi có nhiệm vụ quản lý quân số, thiết bị, khí tài, vũ khí của trung đoàn. Chỉ ngày hôm sau bàn giao, đọc toàn bộ danh sách cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn, tôi đã biết cậu Thanh, đang làm liên lạc, công vụ cho trung đoàn trưởng là người cùng quê với tôi. Quê Thanh ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, và đặc biệt hơn nữa, khi tôi vào bộ đọi, trong những ngày đầu huấn luyện, tôi ở ngay trong xóm của Thanh, chỉ cách nhà cậu ta có mấy nhà. Buổi chiều xuống bếp tập thể ăn cơm, tôi thấy một cậu lính trẻ, nhanh nhẹn nhận phần cơm cho trung đoàn trưởng cho vào một cái ăng- gô, anh nuôi gọi hắn là Thanh. Tôi bưng bát cơm của mình đến ngồi cạnh cậu ta, bắt chuyện:
- Cậu là công vụ cho thủ trưởng Sơn à?
Thanh nhìn tôi bằng cái nhìn khó chịu, không nói, tiếp tục gắp đũa rau muống vào bát. Thanh kém tuổi tôi, tuy nhiên, không hiểu sao trong quân đội, mọi người rất ghét cách gọi nhau bằng cậu. Mày tao là tốt nhất, lớn hơn là anh em, khi nào nghiêm trọng lắm mới gọi nhau bằng đồng chí. Tôi biết tính những tay công vụ, có người bảo hắn là “thủ trưởng con”, cái gì cũng biết, có khi rất hay “ra oai” với anhem. Nhưng thực ra, trong tâm cậu ta, một nỗi buồn mặc cảm làm người hầu hạ cho người ta, tuy nhiên, ông trung đoàn trưởng của chúng tôi đáng tuổi cha chú chúng tôi, lại là một con người nhân từ, có tâm, có tầm và có tài, có “hầu hạ” ông cũng là xứng đáng.
- Thanh ở Phú Bình à? Mình ở Phổ Yên đây...
Đôi mắt Thanh sáng lên:
- Thế à? Anh mới về quân lực phải không?
- Ừ. Này, tối rảnh rỗi qua chỗ mình nói chuyện chơi nhé. Thôi ăn đi...
Thanh nhìn tôi ngơ ngác, trong đôi mắt xanh biếc không tương xứng với nước da mái xanh của những trận sốt rét rừng quất lên chàng trai mười chín tuổi, chứa chất một cái nhìn khao khát, thèm thuồng rất làng quê. Tối, Thanh sang tôi chơi và cậu ta ngủ lại. Hai đứa chui chung vào một cái màn lỗ chỗ vết thủng của những mùa mưa ẩm mốc, Thanh thì thào:
- Mai em cho anh cái màn, thủ trưởng mới cho em, còn tốt lắm!
- Thế mày nằm bằng gì?
- Màn của em! Tuy có thủng vài chỗ nhưng còn tươm hơn của anh nhiều... Thanh kéo dài chữ “nhi...ề...u” một cách rất trẻ con, đúng giọng quê tôi. Từ đó, thỉnh thoảng Thanh vẫn sang ngủ chung với tôi. Hồi tôi đóng quân ở Thanh Ninh, cậu ta mới mười sáu tuổi, đang đi học cấp ba. Hai năm sau, Thanh nhập ngũ. Ở nhà chỉ còn, bố mẹ và người chị gái, anh trai Thanh cũng đang ở chiến trường, nghe đâu ở Tây Nguyên. Sáu tháng sau, bằng trình độ văn hóa và những thành tích của mình, Thanh được xét đi học lớp đào tạo báo vụ. Cậu ta mừng lắm, cứ nhất quyết cho rằng đó là công lao của tôi. Thực ra, đích thân trung đoàn trưởng, bảo tôi đề nghị lên trên cho Thanh được đi học. Trước ngày về quân khu hai hôm, Thanh xin phép xuống tiểu đoàn 10 gặp Tuyền, một cậu bạn cùng học để chia tay. Đến khuya không thấy Thanh về, tôi đâm lo, nhưng không dám hỏi. Mãi trưa hôm sau, buổi trưa cái ngày 17 tháng 4 ấy, một anh du kịch xã vào ban tham mưu trung đoàn. Mặt anh du kích tái nhợt, báo cáo với tham mưu trưởng trung đoàn, lúc ấy cũng có mặt tôi:
- Báo cáo các đồng chí, chiều tối qua, anh em du kích phát hiện ra hai xác tử thi, qua quân phục, chúng tôi biết là bộ đội chủ lực. Chúng tôi cho người đi báo các đơn vị quanh đây, nhưng chưa có người đến nhận. Đề nghi các đồng chí cho kiểm tra lại...
Tôi nghe anh du kích nói thế, linh cảm thấy có điều chẳng lành. Thanh vẫn chưa về là nguyên cớ gì? Ông tham mưu trưởng, lo lắng, nhìn tôi:
- Cậu cho hỏi tiểu các đoàn xem có ai ra khỏi đêm qua có anh em nào ra khỏi đơn vị không? Hỏi ngay đi!
Ngẫm nghĩ một lát, ông nói tiếp:
- Thôi để tôi báo với tác chiến! Cậu đi theo đồng chí này đến nơi xem thế nào. Thử cố nhận mặt nạn nhân nhé!
Tôi vội vàng theo chân anh du kích lên đoạn đường 22, nơi vắt qua một ngọn đồi nhỏ, hơi nhô lên. Gần đến nơi, tôi đã thấy thấp thoáng có những bóng người, có cả phụ nữ. Đến gần hơn, tôi nhận ra hai chiếc quan tài bằng gỗ mộc, được phủ lên bằng một tấm nilon mỏng màu xanh. Tôi lại gần nhìn thấu cả những mảng thịt và xương nhô lên trong lớp nilon bị nắng thiêu mềm nhũn, gần như trong sụốt. Mùi nước hoa, mùi nhang trầm trộn lẫn với mùi xác người chết tạo thành một mùi chết chóc rởn người. Tôi chào mấy người dân rồi đến đứng lặng trước hai cỗ quan tài đang hầm hập bốc hơi nóng và lấy hết can đảm cúi xuống, lật tấm nylon... Chỉ một chút thiếu bình tĩnh là tôi có thể nôn ọe ra. Một nửa khuôn mặt người sưng vù, rạn vỡ nham nhở vì một vệt chém toác ra không còn nguyên vẹn. Tôi vẫn nhận ra khuông mặt quen thuộc của Thanh! Những mảnh đùi, bụng, chân tay... đang động đậy, mà ngay lúc đó tôi chưa nhận ra những con giòi đã kịp làm tổ, mặc dù mới hơn mười hai giờ đồng hồ. Tôi cầm miếng nilon nóng hầm hập trên tay một vài giây, cố không để chân tay rụng rời, nhưng nước mắt tôi tràn ra, không sao cầm lại được. Tôi chưa gặp Tuyền, nhưng chắc chắn đó kà hai gương mặt mà tôi cần nhận dạng.
Tôi thả tấm nylon xuống, rồi ôm mặt ngồi gục xuống bên cạnh hai cỗ áo quan mà khóc. Lát sau, một người du kích già và một phụ nữ đen đúa, nắm tay tôi kéo ra một góc. Trời vẫn tiếp tục nắng gay gắt, trước mắt tôi những đốm hoa nắng nhảy múa chập chờn. Người du kích già nói với tôi:
- Chiều qua, tầm năm giờ, chung tôi nghe có tiếng nổ rất lớn, một cột khói dựng lên, lát sau, một tiếng nổ tương tự... khi chúng tôi chạy lên thì thấy hai xác người quấn vào nhau. Chúng tôi biết họ đã trúng mìn... Một anh còn nói được vài câu, mà chúng tôi hiểu là họ đi tiểu, vào quá sâu trong bãi mìn của địch gài lại từ hồi mùa hè đỏ lửa...
Đây là vùng đã được giải phóng từ hai năm trước, ngọn đồi vốn là một chốt điểm của địch. Khi quân ta tiến công, địch rút chạy, còn lại những trái mìn râu. Mìn râu là loại mìn sát thương cực mạnh, được chôn xuống đất, chỉ để thò lên ba sợi “râu” rất mảnh. Đã mấy năm qua, chốt này bị đốt cháy nhiều lần, nhưng những trái mìn giết người vẫn nằm im trong đất và được ngụy trang bằng những ổ mùn giun. Thanh và Tuyền rủ nhau lên Sa Mát chụp ảnh kỷ niệm, vì ở đây có một tiệm chụp ảnh, mà để đến được, hai người bạn đông hương của tôi phải cuốc bộ gần hai mươi cây số. Trên dường về, Thanh bụồn tiểu, đáng lẽ đứng ngay bên đường, vì trên đường chiều không hề có ai qua lại, nhưng vì thói quen xấu hổ của một chàng trai mới lớn, cậu ta đã đi sâu vào trong và gặp một trái mìn râu. Trái mìn đã hất tung Thanh lên, thấy thế, Tuyền thương bạn lao vào để cứu bạn, thì gặp phải trái mìn thứ hai... Và thế là cả hai người đã bị hai quả mìn hất tung lên, xé họ ra làm nhiều mảnh... Khổ thế đấy, trong chiến tranh, cái chết luôn được báo trước, nhưng không có cái chết nào là không bất ngờ!
Nhìn hai bàn chân thằng Hợi cứ phăng phăng đạp bừa trên ổ mùn giun, tôi không thể nào chịu nổi và hét lên. Thằng Hợi còn quá bé, lại ở khá xa nơi chiến địa, làm sao hiểu được những điều bất trắc? Khi nghe nó hỏi như giễu cợt cái tính nhát và tiếng hét hốt hoảng của tôi, tôi như tỉnh ra, chỉ cười:
- Ừ, anh nhớ lại một chuyện khủng khiếp từ ngày xưa ấy mà... Thôi đi đi, nhưng chú ý gai đấy!
Chúng tôi băng qua một đám cỏ xanh mướt, lác đác những bãi phân trâu, rồi rẽ xuống mép một vũng nước đầy nòng nọc, lại trèo lên một mỏm đất phù sa tiến về phía cái chòi. Thằng Hợi thoăn thoắt đi trước, thỉnh thoảng nó dừng lại ngó nghiêng nhìn về phía mấy con trâu. Nó chăn trâu hợp tác ăn công điểm, hai con trâu và một con nghé, được cả thảy ba trăm công một năm. Tính ra, công nó cao hơn cả người lớn, chỉ thua nhưng lão nông tri điền và cán bộ trong ban quản trị mà thôi. Nhưng nếu tính cả nguồn phân do hai con trâu và con nghé đem lại quy ra điểm thì cao hơn cả họ. Đó là chính sách ưu tiên cho nó, con liệt sĩ. Nhưng thằng Hợi không biết điều đó, nó chỉ thích được nghỉ học và một mình ra Soi Vạt chăn trâu. Những ngày cày cấy, nó phải đưa trâu về xóm cho thợ cày, chiều mới dẫn trâu ra Soi Vạt, còn những ngày rỗi, nó để trâu ngoài soi cả ngày lẫn đêm, và ở lại. Nó đem theo một ít gạo với sắn, một nhúm muối và tự túc hoàn toàn bằng tất cả những gì ăn được mà nó kiếm được. Nó là một chàng Rôbinxơn Cơruxô của chúng tôi.
Thằng Hợi dẫn tôi vào trong cái chòi, mà nó gọi là “dinh cơ” của nó. Tôi phải khom người thật sát xuống để khỏi cộc đầu, một căn lều thảm hại hơn cả cái chòi lính tạm bợ trong chiến tranh. Một chiếc giường tre nhỏ không có chân mà được kê lên mấy hòn đá tảng tròn nhẵn nó khuân từ dưới sông lên. Một manh chiếu rách gẫy nát, đen thâm và ẩm mốc, trộn lẫn với những mớ rẻ rách, tàn tích của áo quần, chăn màn. Góc lều là ba ông “đầu rau” cũng bằng những hòn đá tròn nhẵn đen nhẻm, một cái xoong nhôm quấy bột trẻ con méo mó, và một cái niêu đất xù xì nhưng rất chắc chắn nằm ềnh ệch ngay dưới chân giường. Khắp lều toàn mùn giun, cái thấp lù lù, cái cao ngất nghểu... như một cao nguyên đá, nhìn trong ánh ngày lờ mờ rất ngoạn mục, nếu tôi không bị ám ảnh bởi cái chết tức tưởi của hai thằng bạn đồng hương năm nào. Tôi nhìn chéo sang bên vách thủng. Ở ngoài ấy dưới gốc một bụi tre nền nhẵn nhụi, là nơi thằng Hợi buộc trâu vào ban đêm, có lẽ còn sạch hơn và ấm cúng hơn trong chòi. Tôi ngồi xuống cái giường, tuy thế lại khá chắc:
- Ai làm cho mày cái nhà này, Hợi?
Nó cũng ngồi xuống một hòn đá, xoay lưng ra cửa, nhìn tôi bình thản:
- Của cô giáo Nga để lại cho em đấy! Anh có biết cô giáo Nga không?


(Đọc tiếp Cánh đồng lưu lạc - 8)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét