Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cánh đồng lưu lạc (Trích tiểu thuyết) (15)

Chị Nga không biết có người đang theo sát chân mình, nên cứ chạy co ro trong gió. Chiếc nón lá già thỉnh thoảng lại bị gió lật nghiêng, khiến chị phải vừa chạy vừa giữ. Mưa đã ngớt nhưng vẫn còn thấm ướt lưng áo. Chiếc áo len gụ cũng thấm đẫm nước mưa. Không sao, tí nữa chị có thể hong khô ngay trên mặt bếp lò than của cửa hàng, chị vừa đi vừa mỉm cười một mình.
    Đằng sau chị một quãng xa, ông lão cũng rảo chân theo sau. Thỉnh thoảng đến chỗ ngã rẽ, ông cố chạy lên để không bị mất dạng người ông đang tìm. Đến khi thấy người đàn bà rẽ vào cửa hàng ăn, ông đinh ninh chị vào ăn hàng. Ông thu xếp một chỗ ngồi bên dưới một mái hiên nhà kho, chờ đợi như một người qua đường trú mưa, nhất là trông ông trong bộ dạng một lão già hành khất như thế này.
    Thấy chị Nga vào đã lâu, ông lão sốt ruột. Ông đứng dậy, hai chân đã tê cứng vì ngồi xổm quá lâu. Ông băng qua đường mon men nhìn vào bên trong. Tuy trời hãy còn sáng nhưng ánh đèn măng- xông sáng rực rỡ, khiến ông lão hơi bị loá mắt. Những người khách ăn quà lác đác đứng dậy, thỉnh thoảng mới lại có người vào, ai cũng lôi thôi một kiểu hành trang như khách vãng lai. Ông lão cũng vào, nhưng không định ăn gì, cũng chẳng có ai hỏi. Lạ nhỉ, hay là cô ấy lại biến đi đâu, hay lúc cco ấy trở ra, ông không nhìn thấy? Không nhẽ thế, ông không rời mắt khỏi ba cái cửa của cừa hàng kia mà. Chờ cho đến lúc một cô gái don bàn đến gần, ông đánh bạo đến gần hỏi khẽ:
    - Này cô gì ơi?
    Cô phục vụ mặc cái tạp dề trắng loang lổ nhìn ông, như chờ đợi. Thấy thế, ông lão lại ngập ngừng, khiên cô ta phải hỏi lại, giọng đĩnh đạc:
    - Cụ – ăn – gì?
    Ông lão giật mình, lắp bắp:
    - Không, tôi không đói…
    - Khổ quá, thế thì ra ngoài kia. Không ăn thì hỏi cái gì?
    - Tôi… tôi hỏi khí không phải. Trong cửa hàng có chị cán bộ nào tên là Nga không hả cô?
    - Nga nào? Không coa chị cán bộ nào tên Nga cả. Ông ra ngoài kia mà hỏi.
    Ông lão thất vọngđinh quay đi thì cô phục vụ tạp dề loang lại xẵng giọng:
    - Nga hả?
    - Vâng! Ông quay lại khấp khởi.
    - Có phải có một đứa con trai cùng đi không?
    - Vân đúng đấy ạ!
    - Hừ, thế mà bảo chị cán bộ? Có, có Nga đấy, nhưng mà Nga nắm than ở đằng sai kia kìa…
    Cô phục vụ hất hàm ra phía sau, rồi ngoa ngoắt bưng chồng báy ô tô đi vào.
    “Thế là đúng rồi! Thì ra cô ấy đã vào làm ở cửa hàng này. Nắm than à? Cũng tốt rồi. Cũng tốt cho cô ấy, và cũng tốt cho thằng con của ta! Thế mà bao nhiêu lần qua đây, ta không hề để ý. Thế là tôi tìm được cô rồi, cô Nga ơi… Bây giờ giữa thiên hạ này ta là chồng, cô là vợ, thăng Hận là con trai của ta. Nó là thằng nối dõi dòng họ Trần ta. Nó là thằng chống gậy đưa ta xuống mồ. Nhưng sao lại tênlà Hận nhỉ? Thì ra cô ấy hận ta! Cũng phải thôi. Nhưng cô đừng trách tôi, nếu đừng có chiến tranh, đừng có bắn nhau. Mà dù có đánh nhau kịch liệt đi nữa, thì sao thằng Kỳ lại hy sinh? Bao nhiêu người đi cũng khối người trở về đấy thôi! Ta vô phúc! Nếu không, thằng Kỳ có đi đánh nhau mà để lại đứa con cho ta, cho ta tthằng cháu nội. Mà nó chưa có con thì nó cũng đừng chết trận! Đừng chết, để mà về với vợ, mà sinh con đẻ cái cho ta… Nếu vậy thì đâu đến nỗi? Khổ thân tôi, khổ thân cô!”.
    Ông lão cứ tiếp tục độc thoại giữa cửa hàng, nơi kẻ ra, người vào như thế, nếu như ông không nhìn thấy hai chàng trai Tĩnh và Thuận khi nãy ở ngoài quán nước đang đi vào cửa hàng. Ông vội lách qua một bên cửa (tất cả có ba cái cửa cơ mà), đi vòng ra bên đầu hồi, nhìn quanh thấy một đống gạch vụn, ngồi xuống. Từ đây ông có thể nhìn ra phía sau cửa hàng, nơi lô nhô nhà cửa. Mẹ con thằng Hận ở trong ấy. Chắc chắn rồi! Ông đinh ninh thế và bắt đầu nghĩ đến nước cờ của mình.
    Có lẽ ông phải tìm gặp ngay cô Nga để khuyên nhủ cô ấy trở về làng. Không ai còn cười, không ai còn nhớ. Làng Sơn Cốt của ta tuy ác khẩu, cong môi nhưng cũng chả chấp lâu. Cứ về, cứ sống đàng hoàng, không sợ gì mấy đứa con gái lăng loàn, ác nhân của tôi. Chúng nó mà chành chẻ thì ông đuổi, ông từ, ông sẽ công khai nói cho cả họ, cả làng nước biết thằng Hận là con trai ông. Chứ ông mà sợ?
    - Về đi, Nga ơi! Về làng, có nhà có ruộng cho con chúng ta. Nó sẽ lớn lên và nó sẽ biết cách cởi giải những trái ngang. Về đi, còn ông giáo, còn cha cô đang mòn mỏi trông tin cô đấy! Ừ thì ông giáo hận ông lão Tuân lắm, nhưng sự thể đã như thế rồi, lẽ nào ông cầm dao giết con gái ông? Ừ thì ông giáo đã đuổi thẳng cổ ông ra khỏi nhà, dù ông có quỳ xuống, tạ tội và nhận làm con rể ông giáo, nhưng lẽ nào ông ấy lại đuổi thằng cháu ngoại duy nhất của mình? Phải rồi, lấy ông giáo Hoan ra mà dụ, mà dỗ dành, thế nào cô ấy cũng quay về!
    Ông lão cứ loanh quanh với ý nghĩ về nước cờ của mình. Nếu cô ấy nhất quyết không trở về làng thì sao? Cũng phải thôi, nói đi rồi nói lại, con dâu mà ngủ với bố chồng thì xưa nay, chả cứ gì làng Sơn Cốt, của mình, ở đâu người ta cũng có thể cạo đầu, bôi vôi mà thả cho trôi xuống Ba Quanh ấy chứ! Nếu thế thì ông sẽ ở lại đây để được trông nom thằng con ongcho đến ngày nó lớn, nó sẽ biết quê hương bản quán của nó mà về. Nếu thế thì ông sẽ về nhà, bán hết lợn gà, vườn ruộng, xe đạp… để lấy tiền đi với con, với vợ! Ông lão mỉm cười một mình, với con thì được, chứ mà với vợ thì… trơ quá! Nhưng mà có sao đâu, trông thế thôi lão mới có sáu mươi ba, còn cô Nga cùng đã ngoài ba mươi rồi. Ngày xưa, ông chánh ông lý nhà ông, đến gần thất tuần mà vẫn cưới được vợ ba, vợ tư mười tám đôi mươi, mơn mởn non tơ kia mà! Thế có khi cũng hay!
    Ông lão đang hân hoan với những ý nghĩ táo bạo của mình, thì hai chàng thanh niên Tĩnh và Thuận từ trong cửa hàng đi ra. Họ đã ăn uống xong, ông nghe thấy anh Thuận bảo có cô mậu dịch nào đó tặng cả tem gạo nữa mà. Họ sung sướng hơn ông nhiều! Tuổi trẻ là thế đấy. Thuận đi ra trước, với vẻ mặt hớn hở, thoải mái. Đi sau là Tĩnh, anh chàng có khuôn mặt chữ điền, đáng lẽ thanh thoát thì lại u uất. Đi một quãng, nghĩ thế nào Tĩnh ngoái cổ nhìn vào cửa hàng, rồi anh ta quay lại đến sát bức tường quét vôi, loằng ngoằng những chữ viết, bằng đủ thứ màu, than đen và gạch nâu. Tĩnh cúi xuống tìm cái gì đó, có lẽ là một hòn gạch, ông lão đoán thế.
    Quả nhiên anh ta cầm trên tay viên gạch nhỏ, đứng bần thần chọn một chỗ còn trống trên bức tường. Rồi anh ta viết, ông lão nhìn từng chữ hiện dần ra dưới tay Tĩnh:
    Nga- Hận! Đã mấy năm rồi anh đi tìm em khắp mọi nơi, mà không thấy. Em ở đâu? Tĩnh.
    Tĩnh bần thần nhìn lại một lần nữa những chữ mình vừa viết rồi thẳng tay ném viên gạch non vào chân tường, rồi anh vừa đi giật lùi, vừa nhìn bức tường một lần nữa, trước khi chạy đuổi theo bạn.
    - Ra thế! Anh chàng này cũng là kẻ đi tìm Nga của ông! Ông lão nghĩ vậy và đột nhiên, dòng máu nóng từ đâu không biết dồn chảy ngược lên thái dương ông. Ông ghen! Thì ra chính cái kẻ này đã quyến rũ, rủ rê vợ con ông rời bỏ làng quán ra đi lưu lạc đến đây đây! Được! Thế thì được, ông sẽ có cách của ông! Ông chẳng cần mẹ, chỉ cần thằng con. Nó là máu mủ của ông, không thể để nó rơi vào tay kẻ khác!
    Cơn giận làm ông không còn thấy rét, ông đứng dậy, cảm thấy khoẻ mạnh hơn người, định phăm phăm đi vào dãy nhà kho đằng sau cửa hàng, nơi có mấy bóng đèn tù mù. Ông sẽ… ông sẽ… Ờ, mà ông sẽ làm gì nào? Cơn giận bất ngờ hạ xuống, khiến ông sững lại. Không, ông không thể làm gì được, không thể làm to chuyện ra ở đây, bẽ mặt quá.
    Ông lão lặng lẽ quay lại, trở về cái lều chợ ông vẫn tá túc để tiếp tục suy nghĩ về nước cờ thứ ba của mình. Nhưng hình như đôi chân ông rã rời mất rồi, ông không đủ sức về chợ nữa. Nhìn sang bên kia đường, thấy hàng hiên một ngôi nhà, hình như là cái kho. Ông lão đến đó, lấy cái tay nải làm chổi, phủi sạch một khúc hè, ngồi tựa lưng vào tường, nhắm mắt lại.
    Mưa đã tạnh hẳn, gió khan bắt đầu thổi mạnh, réo ù ù trên dây thép và trong mái hiên. Đêm ấy ông lão Tuân thức trắng.
    
    Sau những ngày âm thầm theo dõi, ông lão vẫn chưa tìm ra cơ hội tiếp cận thằng Hận. Ông cũng biết rằng, chị Nga làm việc ngay tại bãi than đằng sau cửa hàng, nên ông không dễ gì vào “nhà” chị được. Thế rồi, thời cơ cũng đã đến, khi chị Nga đi đâu đó. Nhìn cách ăn vận của chị, ông lão biết chị đi khá xa và còn lâu mới về. Với tư cách của một ông lão ăn mày, ông vào quanh mấy ngôi nhà gần đó và, bất ngờ ông ngoặt một cái, rẽ vào cái chái quây lá cọ, nơi trú ngụ của hai mẹ con chị Nga. Trời không mưa, nhưng mây ảm đạm, xầm xì, tạo ra cái không khí âm u, ai nấy ở trong nhà, chỉ biết mình. Thuận lợi cho ông thật! Ông lão ngó trước sau, không thấy ai để ý, ông vạch cửa bước vào. Ông lão sững sờ trước thằng Hận. Quả nó là một đứa trẻ đẹp và ngoan, ngoài sức tưởng tượng của ông. Hình như trong đời ông chưa bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ nào đẹp như thế
    - Hận ơi! Hận!…
    Thằng Hận đang chơi một cái trò gì đó trong góc giường, nghe tiếng người gọi tên mình, nó ngẩng lên và… cười! Nó cười không thành tiếng, nụ cười thơ ngây của một đứa trẻ được chăm sóc đầy đủ. Nhìn ông lão, tức cha nó, dù chưa gặp bao giờ, hoàn toàn là người xa lạ, nhưng nó không thấy sợ.
    - Lại đây! Lại đây với… ông! Ông lão đã suy nghĩ về cách xưng như thế, vì dù sao ông cũng là một ông lão. Lại đây ông cho kẹo.
    Thằng Hận ngửa cổ lên cười, rồi lật đật chạy lại, sà vào lòng ông lão:
    - Kẹo à? Đâu, kẹo đâu?
    Ông lão ngồi thụp xuống đón thằng Hận vào lòng, rồi lấy gói kẹo, bóc một cái đưa cho nó. Thằng bé nhìn cái kẹo một cách trịnh trọng rôi há miệng nhận chiếc kẹo. Nó không cười nữa, mà nhai nghiến ngấu. Đó là một cái kẹo Hải Châu, một loại kẹo cao cấp, chỉ để phân phối cho cán bộ cao cấp, dân thường hoặc cán bộ cấp làng nhàng hồi đó không thể có được. Nhưng ở bất kỳ hàng nước nào cũng có bán. Nó rất đắt, một gói kẹo giá trị bằng bốn, năm cân gạo. Ông lão đã mua gói kẹo dành cho thằng con trai lưu lạc, bằng tất cả ý chí nhằm đạt được mục đích và cả tình thương của ông đối với thằng con.
    Trong lúc thằng Hận ăn kẹo và ngồi yên trong lòng, ông lão đưa mắt quan sát căn phòng. Trên vách lá cọ treo vài cái áo, cái nào cũng rách. Một cái túi xách may bằng vải mưa mà từ hồi còn đi dạy học, hồi chưa lấy anh Kỳ, chị Nga vẫn xách, và bây giờ nó vẫn còn giá trị, đang được treo vào chỗ trang trọng nhất trong căn phòng tạm bợ. Ở một góc, một cái hòm gỗ thông đựng vốn để đựng xà phòng của Liên Xô, được kê trên mấy hòn gạch vỡ, và trên trốc hòm là mấy cái bát. Tuy nhiên căn phòng rất sạch, mặc dù nền đất, thỉnh thoảng nhô lên vài đống mùn giun. Xung quanh được thưng kín bằng những tàu lá cọ, đủ cỡ, đủ loại, toả ra một mùi ấm cúng.
    Thằng Hận đã ăn xong cái kẹo thứ nhất, nó nắm lấy cổ áo ông lão lay mạnh, và há miệng ra cười một cách thành thật. Ông lão cười:
    - Cha bố cậu! Đây!
    Ông đưa cho nó cái kẹo, nhưng nó vẫn ngần ngừ, không chịu cầm. Chỉ đến lúc ông bóc, bỏ vào miệng nó, nó mới chịu nhai và lại vừa nhai vừa… cười!
    Ông lão cũng cười, vén giòng nước giãi của thằng bé trào ra khoé miệng. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất của đời ông. Ước gì ông được ôm thằng con bé bỏng thế này mãi mãi. Ông dụi mái đầu bạc và đầy bụi bặm vào ngực nó, thọc ngón tay vào sườn nó, thằng Hận ngoẹo người và cười, nhưng nụ cười rất rộng của nó vẫn không thành tiếng.
    Đột nhiên ông lão giật thót người, tim đập thình thịch ở hai bên thái dương. Chị Nga về? Ông lão cưng người lên chuẩn bị đối phó. Ông khẽ khàng hé cánh của lá ra nhìn, nhưng bên ngoài hoàn toàn im lặng. Chị Nga đi đâu? Ông lão bỗng trào lên nỗi ngờ vực. Cô ấy đi đâu mà để thằng con ta ở nhà một mình? Ở đây cco ấy đã kịp quen biết được những ai? Hay là…? Hàng chữ mà anh chàng Tĩnh viết ngoài bức tường quét vôi của cửa hàng lại hiện ra trong óc ông. Hay là cô ấy đi với con người trẻ tuổi ấy? Được rồi! Thế thì còn đợi gì nữa, ta đã có cách của ta.
    Ông lão đặt thằng Hận ngồi lên giường rồi nhìn quanh. Ông vơ lấy bộ quần áo của thằng Hận phơi trên sợi dây thép căng chéo góc nhà. Hãy còn hơi âm ẩm, nhưng không sao. Ông vo lại, nhét vào cái tay nải bợt bạt, nhớp nháp của ông. Rồi ông lấy ra cái áo mưa, choàng lên mình, khoác tay nải rồi ôm thằng Hận, nói:
    - Đi! Đi với ông nào!
    Thằng Hận hình như có trằn xuống, khiến ông lão hơi loạng choạng. Cái thằng, lên sáu rồi đấy, lại được chăm, trách gì chả nặng. Nhưng khi ông lão Tuân ôm chặt nó, ủ vào bên trong áo mưa, thì nó nín lặng. Ông tưởng nó sợ, nhưng khi ông vạch áo mưa ra, thì thấy nó đang cười, cái vẻ ngây thơ, không ra sợ sệt, cũng chẳng là thích thú, nên ông lão yên tâm.
    Ông lão lách ra cửa, nhìn trước mặt và hai bên, đến lúc biết chắc không có ai nhìn, ông bước những bước nhẹ nhàng ra hàng rào nứa, rồi lách qua chỗ giậu đổ, ra ngoài đường phố.
    Không hiểu lấy đâu ra sức lực mà một ông lão ăn mày bế nổi thằng Hận, vốn được mọi người gọi bằng cái tên “cối đá” chạy nhong nhong trên một quãng đường như thế.
    Xù xì như một con lạc đà già, dạn dày kinh nghiệm, ông lão phăm phăm đi về phía nhà ga xe lửa.
    
    Non trưa, chị Nga về đến cửa hàng. Thỉnh thoảng chị vẫn chạy đi đây dó, mua cái gì đó, hoặc chỉ vì có ai nhờ một việc mà, chính họ thấy ngại. Cái đức lam làm của chị Nga được mọi người mến. Nhưng chị biết rất rõ, dù mến, dù quý nhưng hầu như ai cũng có cái vẻ coi thường chị. Chỉ có ông Thức cửa hàng trưởng là tỏ ra tôn trọng chị. Nhất là trong một dịp kê khai nhân khẩu để trình với công an, nhìn nét chữ của mụ nắm than, ông kinh ngạc:
    - Chữ của cô đấy à?
    - Dạ, vâng! Em viết đấy có chỗ nào không được phải không bác?
    Ông Thức xua tay:
    - Không! Cô học dến lớp mấy rồi mà chữ nghĩa sáng sủa thế? Lại đẹp nữa1 Đã bảo mà, con người này quả là có chỗ oan khiên, bất hạnh đây…
    Chị Nga chỉ im lặng, thỉnh thoảng lại nhìn ông cửa hàng trưởng vẻ lo ngại. Lát sau, ông Thức mím môi:
    - Tiếc là lý lịch cô không rõ ràng, nếu không tôi cho cô làm kế toán rồi!
    - Thôi bác ạ! Bác thương mẹ com em như thế cũng là quá tốt rồi. Em không dám mơ gì hơn.
    - Không phải mơ! Mà là người biết làm việc. Khỉ thật, tôi cũng không biết mình làm gì nữa. Cô thông cảm nhé, tôi coi cô như đứa em. Này, thế còn, chuyện cô cho tôi thằng con cô làm con nuôi tôi thế nào rồi?
    Chị Nga cười như mếu:
    - Bác cứ nói vui thế chứ, em làm sao bỏ cháu được!
    - Không phải bỏ! Ông Thức to tiếng. Nó vẫn là con cô, mà nó lại là con chúng tôi. Có ai bỏ nó đâu!
    Chị Nga thấy mình cần đi xa thêm một chút, tuy có mạo hiểm:
    - Em biết bác thương cháu, mà là mẹ cháu em cũng muốn cháu có chỗ nương dựa. Nhưng mà, em nói có gì không phải bác bỏ quá cho. Nói thật, nếu bác không phải là lãnh đạo ở cửa hàng, chắc tình cảm giữa hai mẹ con em và gia đình bác cũng có thể gắn bó, ấm áp hơn. Đằng đây, bác là người lãnh đạo, có quyền, có thế, khiên em phải giữ gìn. Nhỡ ra, có chuyện gì thì mẹ con em khổ đã đành, lại còn làm lây sang bác!
    Ông Thức ngồi thừ, như người bị điểm đúng huyệt, đúng chỗ yếu, thì ngồi thừ ra. Lát sau ông nói nhỏ:
    - Cô nói cũng có chỗ phải, nhưng tôi thương thằng bé, thương cô. Vì thế mà tôi không muốn căn vặn cô. Nhận cô vào làm mấy năm nay, mà tôi không hỏi vặn cô như kiểu người ta thường nghi vấn người xa lạ. Co cũng biết rồi đấy! Ấy thế mà tôi biết có kẻ xấu mồm đã xì xào rằng tôi muốn nhân cơ hội lợi dụng cô. Nhưng tôi đâu có phải là thằng xấu, không bao giờ làm kẻ lợi dụng nỗi khốn khó của người khác, nên tôi không sợ. Thôi thế hôm nào, mời hai mẹ con cô đến nhà tôi chơi, vợ tôi cũng nhắn mấy lần. Bà ấy muốn bế thằng cháu nhà cô lắm đấy!
    Chị Nga vâng dạ thế thôi nhưng cũng chưa bao giờ dám đến nhà ông Thức. Còn bà vợ ông, một phụ nữ răng đen (có lẽ đấy là người cuối cùng của thế hệ nhuộm răng), nhìn thuần phác, cũ kỹnhưng tướng người cũng không phải dễ dãi. Chị Nga đã tự nghĩ như thế, nên thấy sợ.
    Thấy trong cửa hàng đang đông khách ăn nên chị không dám vào thẳng cửa giữa, chị tạt sang cửa bên, không phải cửa ngách, cũng rộng rãi, đàng hoàng, nhưng không có vẻ trang trọng nhờ cái hàng hiên mở rộng, như một cái đại sảnh công đường. Mọi ngày, kể cả lúc vắng người, chị Nga có thói quen khi đi thường nhìn xuống đất, nhìn xuống mỗi bược chân mình. Mãi rồi thành quen, thói quen của thân phận những kẻ hèn mọn, lấy thủ làm chính, bởi mỗi bước nhân của chị, biết đâu chẳng dẽ sa vào chỗ hiểm. Nhưng hôm nay, trong lòng có cái gì bất ổn. Chị có cảm giác một cái gì đo nguy hiểm đang rình rập và đổ ập xuống đầu thằng con chị. Thường mỗi lần để con để đi một việc gì đó, chị hay để nó chỗ bà Thắm, nhờ trông hộ. Mà bà ấy cũng thích thằng Hận, nó ngoan, chỉ cười cả ngày, mà không hề quấy. Nhưng hôm nay, chị đi vội, chỉ dặn nó ở nhà chơi, không được chạy ra đường. Nên chị thấy sốt ruột. Bâtd ngờ, chị nhìn lên bức tường vôi, có dòng chưa viết bằng gạch non, có đóng khung. Thấy có chữ “Nga”, tên chị, nên chị dừng lại, đọc kỹ. Và… hai chân chị như muốn khuỵ xuống! Thì ra, con người ấy, anh ấy vẫn nhớ tới chị và đã đi tìm chị, như lời nói lúc chia tay.
    Trời Già thật trớ trêu! Chị đã thất vọng hoàn toàn, không còn hy vọng gì gặp lại Tĩnh! Những ngày đầu chị luôn nhớ tới anh, luôn hy vọng gặp lại anh. Chị đã yêu anh, và dần dần chị nhận ra, chị chỉ yêu anh ấy bằng một tình yêu đơn phương, vô vọng! Chị chỉ còn coi anh như một người mà mình đã mang ơn. Một người gặp gỡ giữa đường, nếu có mong đợi, thì đấy chính là sự mong đợi để gặp được anh, mong đền ơn, đáp nghĩa. Nhưng rồi chị lại nghĩ: bây giờ mà gặp lại anh ấy, thì biết lấy gì đền đáp, khi chị vẫn chỉ có hai bàn tay trắng! Thôi thì thà để người ta quên mình, còn hơn là gặp nhau lại thấy thẹn lòng.
    Bất ngờ, nhìn được giòng chữ của anh, như một lời than tuyệt vọng. Sao chị lại không nhìn thấy anh nhỉ? Chị tự hiểu, rằng chị có bước ra ngoài mấy khi, để anh tìm, anh thấy! Cuộc sống của chị là đống than mỡ trộn bùn, đảo xới lên rồi nắm lại thành những nắm nhỏ, để hong khô, cho vào lò. Trước mắt chị, chỉ toàn có một màu đen, của than! Anh không tìm được chị là phải. Chị ứa nước mắt, nhìn lại dòng chữ và đoán ra là nó mới được viết, chắc mấy hôm gần đây thôi. Chị vội vàng đưa mắt nhìn quanh, tìm kiếm, hy vọng bắt gặp đôi mắt nào đó đang nhìn mình. Chị hầu như đã quên khuôn mặt anh, nhưng đôi mắt và giọng nói thì chị vẫn nhớ. Chỉ cấn một đôi mắt nhìn chị, hay một giọng nói gọi tên chị, là chị sẽ nhận ra anh, và… nhào tới!
    Nhưng không có ai nhìn chị cả, không có ai gọi chị! Khách ăn uống vần vào ra cửa hàng thản nhiên, họ có niềm vui, nỗi lo âu, sự vội vã của riêng họ. Chị đứng lặng dưới ánh nắng hanh vàng, se se lạnh. Chị Nga dần bình tĩnh lại, và ngay lập tức lại nghĩ đến hoàn cảnh và số phận của mình. Chị dặn với lòng mình rằng, thế nào, hai người cũng có ngày gặp nhau… Còn bây giơ, thôi nhé, anh ơi, em phải quay vào với đống than đên và thằng con. Chị bước đi vài bước nhưng nghĩ sao lại quay lại cúi lom khom, tìm một viên gạch non. Tìm mãi không thấy, và bất ngờ, chị nhặt được một hòn than. Chị cầm lênm ươm ướm thử và viết bên dưới, hàng chữ của chị chân phương, yếu đuối: “Em ở đây”. Chỉ thế thôi, nhìn hàng chữ màu đen của mình bên dười hàng chữ ngang tàng màu gạch nâu của Tĩnh, chị cắn chặt môi, từ từ buông tay, thả hòn than xuống… Chị đi như chạy về căn nhà tuy tạm bợ, nhưng nó là nơi chị thấy yên lòng nhất… Nhưng…
    Chị Nga đứng sững lại, và như người hụt hẫng khi thấy cánh cửa lá gồi bật tung ra. Chị vừa lao tới vừa gọi:
    - Hận ơi! Hận…!
    Như mọi ngày, dù đang mải chơi, thằng Hận dạ một tiếng thật to, có khi nó “dạ, dạ…” liên hồi, rồi xuất hiện ở cửa với cái miệng há ra cười, phô một hàm răng trắng nhỏ đều và cặp môi đỏ như son. Không nghe tiếng con thưa, chị Nga lao vào giữa nhà, tìm khắc các xó xỉnh. Dù căn phòng rất nhỏ, nhưng chị vẫn xới tung lên. Không thấy con, chị nhào ra cửa cất tiếng gọi tên thằng Hận rất to, không có triếng trả lời của con, mà những người trên cửa hàng thấy đó là một chuyện lạ, nên họ đều đỏ dồn cả ra sau nhà. Người đầu tiên lên tiếng vẫn là bà Thắm, cửa hàng phó:
    - Có chuyện gì thế cô Nga? Gọi con gì mà ầm lên thế?
    Chị Nga rơm rớm nước mắt, chạy trên hai bàn chân trần đến trước bà cửa hàng trưởng lúc ấy đang đứng trên bậc tam cấp:
    - Chị ơi! Chị có thấy thằng cháu nhà em ở chỗ chị không?
    - Không! Bà Thắm tỉnh như không, lại còn vặn lại. Sao mọi ngày cô đi đâu hay để nó ở chỗ tôi, hôm nay đem đi đâu?
    - Khổ quá, nào em có đem nó đi đâu? Chị Nga bắt đầu vật vã. Em chạy lên cửa hàng chất đốt, theo lời bác Thức nhờ, để hỏi lượng than về tháng sau. Tiện thể em mua cho cháu cái quần Đông – Xuân (chị Nga chìa cái gói bằng giấy xi- măng ra trước mặt). Lúc em đi thấy cháu đang mải chơi, nên cũng chẳng nỡ đem nó ra khỏi nhà. Thế mà lúc về, không thấy nó đâu nữa…
    Bà cửa hàng phó bước xuống mấy bước, ngang với chị Nga:
    - Cô đã tìm hết chưa? Trong nhà? Xuống chỗ nắm than? Hay vao trong bếp? Đoạn bà quay sang hỏi mấy người nhân viên cũng đang tò mò. Có ai thấy thằng con cô Nga đâu không?
    Bọn họ nhìn nhau, rồi lắc đầu.
    Chị Nga như người mất hồn, chạy sang bãi nắm than, xuống bếp, ra cả cái bờ ao nhỏ bên kia nhà bếp, vạch búi cây, gốc chuối… Không thấy con, chị thất thểu quay lại. Mấy người ở cửa hàng vẫn đứng đấy, chờ chị về, nhao nhao hỏi. Bỗng một người lên tiếng:
    - Hình như lúc nãy em thấy có người trong nhà chị Nga. Lúc em đi qua nhìn vào thấy cánh cửa he hé!
    - Thật không chị? Chị Nga vội vàng quay về nhà, theo sau là bà Thắm. Chị Nga lại vừa xoá xào căn phòng vừa gọi tên con. Bông bà Thắm nhặt một mẩu giấy gói kẹo lên hỏi:
    - Thế cái này là cái gì?
    Chị Nga cầm lấy mẩu giấy tần ngần:
    - Không phải của nhà em. Nhà em không có loại kẹo này cho cháu. À có, cách đây lâu lắm rồi, bác Thức có cho cháu ba cái kẹo, cũng nhãn hiệu Hải Châu thế này, nhưng cháu ăn hết ngay rồi.
    - À, ra thế! Bà Thắm gật gù. Thế cái giấy gói kẹo này ở đâu ra?
    - Em cũng không biết! Chị Nga thật thà.
    - Cô Nhuần cô ấy bảo, lúc nãy thấy có người ở trong nhà cô, chắc cái giấy kẹo này là của người ấy bóc cho nó ăn. Hay là…? Bà Thắm bỏ lửng.
    - Chị bảo sao? Hay là… cái gì?
    Bà Thắm vẫn im lặng, để chị Nga phải giật cánh tay áo, bà mới chậm rãi:
    - Hay là… ông Thức?
    Chị Nga buông tay áo bà cửa hàng phó, tần ngần:
    - Không có lẽ? Em nghĩ, bác Thức là người đàng hoàng, sao bác ấy lại làm thế được!
    - Cũng có thể lắm chứ! Bà Thắm nghiêm trang. Mấy lần ông ấy chả tính xin cô cho nó làm con ông ấy là gì? Mà có phải giấu giếm gì, ông ấy nói oang oang, cả cơ quan này ai cũng nghe. Này, tôi bảo nhá, có khi ông Thức thích nó quá, tranh thủ lúc cô đi vắng, ông ấy lấy kẹo dụ nó đi, rồi bắt cóc nó về nhà ông ấy rồi!
    Chị Nga quay sang,nhìn vào đôi mắt ráo hoảnh của bà Thắm:
    - Có thật thế không chị?
    - Thật hay không thì bây giờ chưa biết. Theo tôi cô nên đến nhà ông Thức ngay đi…
    - Nhưng mà…!
    - Còn nhưng cái gì nữa không biết? Bị người ta bắt mất con mà còn đứng đấy để “nhưng với chả nhị?!
    - Tối qua bác ấy có nói với em là sáng nay bác ấy đi Việt Trì sớm. Bác ấy có ở nhà đâu mà…
    Bà Thắm nhìn chị Nga cười bằng cái vẻ thương hại:
    - Ông ấy nói thế, chứ chắc gì đã đi Việt Trì?
    Chị Nga lại ngắc ngứ:
    - Nhưng…
    - Còn nhưng gì nữa?
    - Em không biết nhà bác Thức ở đâu?
    - Thế à? Bà Thắm ngạc nhiên, rồi tỏ ra thông cảm, bảo một cô gái đứng gần đó:
    - Cô Nhuần, cô biết nhà ông Thức chứ? Cô lấy xe của tôi, đèo chị Nga đến nhà ông Thức ngay đi. Xong rồi về ngay cho tôi biết nhá!
    Cô Nhuần ngúng nguẩy một cái, rồi bẽn lẽn:
    - Vâng! Nhưng em cũng đến nhà bác Thức từ năm ngoái cơ, không biết có còn nhớ đường không?
    - Đi đi, nhanh lên, còn ở đấy mà õng ẹo. Bà Thắm mắng cô Nhuần một cách chân tình.
    Chị Nga theo Nhuần ra cổng, lúc sắp nhảy lên booc- ba- ga, chị hỏi:
    - Nhà bác ấy có xa không, cô?
    - Cũng không xa lắm! Em tưởng chị biết nhà ông ấy rồi mới phải chứ?
    Chị Nga cắn chặt môi, ngồi im lặng sau xe đạp của Nhuần. Mỗi cái xóc mạnh dưới bánh xe, lại làm nước mắt chị muốn trào ra, và con đường thì lại quá dài. Chị mong những điều bà cửa hàng phó nói vừa là sự thật, lại vừa không phải thế. Chị mong là sẽ gặp được đứa con yêu mà chị dứt ruột đẻ ra, để lại thấy nó ngây dại cười, để chị không phải cạn nước mắt một lần nữa. Nhưng chị lại không muốn thấy nó ở trong nhà ông Thức, vì chị không mong ông Thức là người như thế. Ông Thức đã là ân nhân của chị, hơn thế nữa, ông là một nhân cách lớn mà không dễ gì một kiếp người lưu lạc như chị lại gặp được một lần. Vì thế, chị không muốn thấy ông là kẻ nhỏ nhen.
    Chiếc xe đạp của cô Nhuần loạng choạng rồi rẽ vào một ngõ nhỏ nửa phố nửa làng. Không muốn để cô Nhuần phải vất vả, chị Nga đã nhảy khỏi xe và chạy gằn theo sau cho đến khi, cô Nhuần chỏi bàn chân xuống đất, làm chiếc xe đạp dừng lại. Không rời khỏi yên xe, cô Nhuần cất tiếng lảnh lói, gọi nhóng vào cánh cổng:
    - Bác Thức ơi! Bác Thức!
    Không có tiếng người, chỉ có hai con chó xồ ra quyết liệt. Chị Nga thất vọng, vì không thấy bóng thằng Hận đâu. Một lúc sau, để hai con chó sủa phát mỏi mõm, mới thấy một người đàn bà te tái chạy ra cổng, tay vẫn cầm cái liềm:
    - Ai gọi gì đấy? Người đàn bà răng đen, chị Nga hiểu đó là vợ ông cửa hàng trưởng.
    - Cháu đây! Cháu ở ngoài cửa hàng đây. Bác Thức có nhà không bác?
    Người đàn bà quát hai con chó rồi nhấc thanh then cổng:
    - Không! Thế ông ấy không nói với các cô là sáng nay ông ấy đi Việt Trì à?
    - Đi lâu chưa bác? Vẫn cô Nhuần hỏi, còn chị Nga đứng thụt lại phía sau, hồi hộp nghe hai người đối đáp. Cô Nhuần:
    - Ối, thôi chết! Thế mà cháu cứ tưởng bác ấy có ở nhà. Bác ấy đi tàu hay đi xe đạp ạ?
    Bà chủ nhà răng đen xởi lởi:
    - Ông ấy bảo đi xe đạp, nhưng tôi can, sức vóc còn chừng ấy, đi xe đạp có mà bò ra đường! Mấy lần trước ông ấy đi về phải nghỉ mất mấy ngày. Thế là sáng sớm nay ra mua vé tàu hoả…
    - Bác có biết baơgì bác Thức về không ạ?
    - Có giời biết! Không khéo lại ngủ đêm ở dưới ấy cũng nên. Cia slão già nhà tôi đoảng lắm. Thế mà cũng được tín nhiệm làm lãnh đạo cơ đấy! Bà cười, khoe hai hàm răng vẫn còn đen nhưng nhức hạt na.
    Cô Nhuần quay lại nhìn chị Nga ái ngại, còn chị thì chỉ biết im lặng nhìn người đàn bà phúc hậu đứng sau cánh cổng bằng tre. Thấy hai cô im lặng nhìn nhau, bà chủ nhà lo lắng:
    - Chết! Thế có chuyện gì không các cô?
    Nhuần nhìn chị Nga, như giục. Chị Nga sẽ sàng:
    - Dạ, thưa bác, em làm ở nhà than ngoài cửa hàng…
    - Thế à? Cô là cô Nga phải không? Ối giời ơi, nhìn hai bàn tay kìa? Nhưng cơ mà cô có thằng con kháu lắm, vừa ngoan vừa trắng trẻo, sạch sẽ. Gớm sao mà lại có người khéo đẻ khéo nuôi thế không biết. Mời hai cô vào nhà uống nước đã… Bà vừa nói vừa mở rộng cánh cổng.
    Chị Nga lưỡng lự, rồi nói với Nhuần:
    - Thôi, hay là cô có việc bận thì về trước đi, để chị Thắm ở nhà lại chờ. Cứ để tôi ở đây, tí nữa tôi về một mình cũng được…
    Cô Nhuần quay xe ra ngõ, chị Nga theo bà Thức vào sân. Chị Nga không vào nhà, mà ngồi xuống bậc hè cửa. Bà Thức đon đả chạy đi lấy nước, chị Nga bảo:
    - Thôi bác ơi, nước non làm gì! Em nghe nói về bác, cũng định hôm nào hai mẹ con đến chào bác. Mãi mà chưa đi được…
    - Tôi trông thấy nó rồi, thích lắm!Thế sao hôm nay cô không cho thằng bé đến đây chơi?
    Chị Nga bỗng nấc lên:
    - Nó bị người ta bắt đi mất rồi! Em khổ quá?
    - Sao? Sao? Bà Thức cũng rối lên, hỏi dồn. Ai bắt? Bắt bao giờ?
    - Em đi lên bãi Than của công ty chất đốt về thì không thấy cháu. Em đến đây vì nghe người ta nói… Chị Nga định nói ra câu chuyện mà bà Thắm đã nghĩ, nhưng chị nghĩ, như thế thật bất nhã, nên kịp ngưng lại.
    - Nghe người ta nói sao? Thế cô đã đi tìm cháu ở những đâu rồi?
    - Em đã tìm cháu khắp cả rồi!
    - Nhờ người ta đi hỏi giúp chứ? Để đấy rồi tôi cũng đi hỏi xem. Khổ quá, cái nhà ông Thức này, sao hôm nay lại dửng mỡ thế không biết? Xuống Việt Trì làm gì? Lại mấy ông bạn bộ đội cũ rủ rê thôi mà! Thế cô đến đây để tìm ông Thức hay là tìm nó?
    Lúc này, chị Nga mới nói theo ý bà Thắm:
    - Chị Thắm bảo em là lên nhà chị xem hay nó có theo bác Thức…?
    - Ối giời đất ơi! Được thế thì đã phúc! Tôi bảo ông ấy xin cô cho đem nó về đây để tôi nuôi, mà ông ấy có chịu nói đâu? Bây giờ thế này, nó chỉ quanh quẩn ở đâu đấy thôi, nhất định tìm được. Lần này tìm thấy nó về, cô để tôi nuôi nó cho. Để cho cô thì vất vả quá, cả mẹ lẫn con… Nói thật nhé, cô còn trẻ, rồi cũng phải tìm xem ai người ta để ý đến mình…!
    Chi Nga đang như đứt từng khúc ruột, nghe bà Thức nói thế cũng thấy tấm chân tình của hai vợ chồng bà. Nhưng, biết tìm con ở đâu bây giờ, Hận ơi!
    Chị Nga cúi chào bà Thức rồi chạy ra cổng, chạy về phía trung tâm thị xã. Chị chạy gằn từng bước, vừa chạy vừa ngó nhìn xung quanh. Chỗ nào chị cũng thấy như thằng Hận đang đứng cười ngây dại với chị với hai con mắt mở to, đen láy và đôi môi mọng đỏ …
    
    Ông Thức ngó ra ngoài cửa sổ, thấy mưa bụi đã ngớt, có chút nắng hanh vàng, thì quay sang cáo bạn, đòi về. Mặc cho mấy ông bạn cựu chiến binh chèo kéo rồi nói khích, ông vẫn kiên quyết:
    - Xin các anh, hôm nay tôi phải về. Chuyện cơ quan cũng có mà chuyện gia đình cũng có chỗ neo. Chả nói giấu gì, hai vợ chồng già, con cái không có, nhìn nhau đôi lúc muốn rớt nước mắt. Để bà ấy còi cõi một mình, xót xa lắm…
    Mấy ông bạn nhìn nhau, thôi thì ông ấy đã nói thế thì cũng đến phải để cho ông ấy về. Một ông bạn đèo ông Thức ra ga, chờ mua vé xong rồi ông Thức nhảy lên tàu mới quay về.
    Nghĩ cuộc đời mình cũng chả ra làm sao. Ngồi trên cái toa “tàu chợ”, lổn nhổn quang gánh, ầm ào tiếng người, ông Thức lại nghĩ về mình. Đi bộ đội chống Pháp được hai năm, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hẳn hoi, rồi hoà bình. Về nhà cưới vợ! Ơ, bà vợ ông ngày ấy đẹp lắm, răng đen, đẹp theo kiểu cổ. Thì ông cũng cổ đấy thôi. Ông phục viên làm cán bộ huyện, ở nhà vợ ông vào tổ đổi công, rồi hợp tác xã… Hai vựo chồng cứ như sao Hôm, sao Mai, mãi chẳng có con… Đùng một cái, sau cái ngày “mùng năm tháng Tám” năm ấy, ông lại được gọi tái ngũ. Rồi đi B, đi một mạch vào tận Nam bộ, đánh nhau mãi, suốt hơn mười năm…
    Trở về, bà ấy vẫn đằm thắm, dịu dàng dù phải chịu bao nhiêu là truân chuyên. Cái khổ nhất là vợ chồng không có con. Thôi thì, nó xấu xí, nó chẳng ra gì, nhưng nó là đứa con của mình… Ông thì công tác, đi đây đi đó, bạn bè đủ loại, cũng có cái nguôi ngoai, nhưng với người đàn bà thì muôn vàn cơ khổ!
    Tàu cuối năm đông cứng, người dưới xuôi lên kiếm ăn, người buôn chuyến cứ lèn căng từ toa này sang toa kia. Ông Thức thu người, dựa lưng vào đống bao tải của ai đó, cố nhắm mắt, như để tách khỏi cái bầu không khí đang muốn nghẹt thở xung quanh.
    Lúc ông choàng dậy, tàu đã vào đến ga. Len mãi ông mới nhảy được xuống đất. Khổ, lại lòng thòng mấy cân mì sợi mà cái bà vợ ông bạn cứ ấn vào. Đã bảo “Nhà tôi có người đâu mà ăn?”, thì lại cứ cười cười mà nhét vào tay: “Không ăn thì cho hàng xóm!”. Bây giờ nó nát vụn ra thế này, dễ hàng xóm cũng chẳng dám cho, cho để họ bảo nhà cán bộ khinh người, thừa ăn, cho đồ nát… Rách lắm cơ!
    Ông Thức nhằm phía cửa ga, chìa vé cho người soát vé rồi thủng thẳng đi ra cổng. Nghĩ thế nào, ông quay lưng ghé vào cái quầy nho nhỏ bán đủ thứ, kẹo bánh. Ông mỉm cười một mình, định bụng mua gói kẹo cho “thằng bé”. Bỗng ông cảm thấy như có đôi mắt nào đang nhìn mình. Ông nhìn quanh và nghe tiếng trẻ con gọi tên:
    - Bác Thức! Bác Thức ơi…
    Ông Thức sững sờ nhìn thấy “thằng bé” đang rướn người lên mà gọi. Nó gọi thất thanh, khiên ông phải chạy vội đến và sà vào thằng bé đang đứng một mình. Trên người nó quàng mảnh áo mưa, loà xoà. Ông Thức nắm lấy cánh tay thằng Hận rồi hỏi nó:
    - Cháu đi đâu ra đây? Đi với ai?
    Ông bỗng chợt nghĩ hay là mẹ con chị Nga đã bỏ đi, bỏ ông, bỏ cái cửa hàng để lại ra đi. Cơ khổ, hai mẹ con thân sơ thất sơ! Nhưng nếu có đi thì cũng phaỉo nói với ông một tiếng, đợi ông về chứ? Hay có ai trêu chọc, hành hạ? Mà ông đối xử với mẹ con cô ấy bằng cả tấm chân tình của con người…
    Thằng Hận níu chặt lấy ông, không trả lời. Ông Thức nhìn quanh:
    - Ai đưa cháu ra đây, Hận?
    Thằng Hận cười, chỉ vào ông lão đang từ đằng kia đi tới. Nhìn thấy ông lão rách rưới, ông Thức buông thằng Hận ra, đứng thẳng lên, nhằm ông lão, giận dữ. Tức thì, ông lão cũng nhận ra thằng Hận đang đứng nép vào một người đàn ông, dáng chừng như nó rất quen thân. Ông lão chững lại khi thấy thằng Hận chỉ tay vào mình. Ông lão cảm thấy sợ, có lẽ chuyện không xong rồi! Một “nước cờ” nhanh chóng xuất hiện. Ông lão rẽ vào một đám đông hình như đang xô sát hay mua bán gì đó, tránh không gặp người kia.
    Ông Thức nhìn ông lão, rồi co chân chạy tới. Lão già ghê thật! Một tay bắt cóc chính hiệu! Nhưng ông chạy được một quãng, thấy khuất bóng ông lão, thì dừng lại. Ông sợ, để thằng Hận một mình ở đấy, nhỡ ra có đồng bọn của chúng bắt mất thằng bé? Ông đành quay lại, không đuổi theo kẻ bắt cóc nữa, thấy thằng Hận đang cười:
    - Cháu muốn về với mẹ! Bác Thức ơi!
    Ông Thức bế nó lên, dỗ dành:
    - Ừ, để bác đưa về với mẹ Nga! Thế ai đem cháu ra đây?
    - Ông cụ, kia kìa, đến nhà cho cháu ăn kẹo. Kẹo ngon lắm…
    - Rồi sao nữa? Ông Thức sốt ruột.
    - Ông cụ bảo cháu đi theo ông ấy về quê!
    - Thế mẹ cháu đâu?
    - Mẹ đi đâu rồi? Cháu muốn về nhà với mẹ Nga cơ!
    Ra thế! Ông Thức đặt thằng Hận xuống, mua cho nó một gói kẹo rồi nắm tay nó dẫn ra khỏi sân ga:
    - Thôi, bây giờ bác cháu ta về với mẹ Nga nhé!
    Thằng Hận lại ngửa mặt lên cười!
    Được một đoạn, thấy thằng Hận lếch thếch, ông bế nó lên. Nhưng chỉ một chốc, cánh tay ông mỏi nhừ. Thế là ông để nó lên vai, cứ thế công kênh nó mà đi. Hai bác cháu nghễu nghện, thỉnh thoảng có người quen mặt chào, ông lại cười với họ. Một niềm vui khôn tả ập đến với ông Thức. Lần đầu tiên trong đời, ngoài bốn mươi tuổi đầu, ông được làm “trâu ngựa” cho một đứa trẻ! Ôi, phải chi nó là con ông!
    Nghĩ thế, nên đáng ra phải về cửa hàng giao thằng Hận cho mẹ nó, ông đi tắt một quãng phố, về thẳng nhà mình. Được cái thằng Hận không nói gì, nó nói muốn về với mẹ, nhưng khi ông bảo “Về nhà bác nhé!”, thì nó chỉ cười! Cái thằng, nhẹ dạ thế chả trách bị bắt cóc là phải! Đúng là connhà không có cha! Ông phải dạy nó mới được!
    Về đến nhà, ông Thức co chân đạp mạnh làm cánh cổng, làm nó bật ra. Tiếng ông oang oang:
    - Bà ơi! Bà Thức ơi! Ra đây mà xem này…
    Bà Thức từ đầu hồi chạy ra, nhìn thấy thằng Hận đang cười trên cổ ông thì bà hốt hoảng:
    - Chết rồi! Thế này thì chết chứ chả sống!
    Ông Thức đặt thằng Hận xuống, ngạc nhiên:
    - Cái gì mà bà bà bảo chết?
    Bà Thức sà xuống vuốt tóc thằng Hận, rồi ngước lên nhìn chồng, thì thầm:
    - Cô Nga cô ấy đi tìm con suốt từ trưa đến giờ. Cô ấy đến cả đây, nghe bà Thắm bảo ông bắt nó…
    ƠngThcs quẳng cái túi mùi sợi xuống hè, cười cười:
    - Đứa nào bảo? Ừ mà tôi bắt nó đấy! Thì đã làm sao?
    - Còn hỏi làm sao nữa! Ông bắt nó đi mà không nói, để mẹ nó khóc hết nước mắt… Cô ấy đang chạy cuống chạy cuồng lên vì thằng con kia kìa! Thế mà ông còn cười được?
    Ông Thức thẫn thờ:
    - Tôi có bắt nó đâu? Vừa từ trên tàu xuống, thấy thằng bé đứng trơ ở ngoài ga. Hỏi nó, nó bảo có mọtoong cụ đến nhà nó bắt nó đi theo. Phải không Hận?
    Thằng Hận cười:
    - Ông cụ bảo đưa cháu về quê! Cháu không đi đâu, cháu muốn về với mẹ!
    Bà Thức sợ sệt, hai bàn tay cứ cuống lên:
    - Thôi hay là để tôi chạy đến báo cho cô Nga, mẹ nó, để cô ấy biết mà mừng. Chứ không thì cô ấy đến đâm đầu vào ô tô mất!
    - Thì bà đi đi! Bảo cô ấy cứ từ từ nhá! Mà bà cũng cẩn thận đấy!
    Bà Thức lấy xe đạp ra, nhảy pê- đan rồi nhoay nhoáy đạp đi. Ông Thức, nhìn theo bà một quãng rồi kéo thằng Hận vào nhà. Nó ngoan ngoãn đi theo và lại cười…
    Trông thấy chị Nga đang thẫn thờ ở trước cửa hàng, bà Thức nhảy khỏi xe:
    - Cô Nga! Thấy rồi…
    Chị Nga như người mất hồn, ngơ ngác nhìn bà Thức:
    - Chị hỏi ai?
    - Tôi đây! Tôi là vợ ông Thức đây. Tìm thấy thằng con cô rồi!
    Chị Nga bừng tỉnh:
    - Bác Thức? Bác nói sao ạ? Nói lại em nghe nào!
    Bà Thức thì thầm vào tai chị Nga:
    - Ông Thức nhà tôi ông ấy thìm thấy thằng Hận con cô rồi.
    - Thế ạ? Bây giờ cháu đang ở đâu hả bác?
    - Đang ở nhà tôi. Cô lên đây tôi đèo đi…
    Chị Nga không nói không rằng, định nhảy lên xe đạp của bà Thức. Nhìn thấy hai bàn tay chị đen toàn than, bà cười:
    - Đi vào rửa tay đi đã! Rõ khỉ!
    Có lẽ không cần phải thuật lại cái cảnh hai mẹ con chị Nga gặp lại nhau. Chỉ biết rằng, hai vợ chồng ông Thức đứng ngây ra nhìn người mẹ ôm ghì lấy đứa con vào lòng. Chị Nga nức nở chán, lại xoay ra phát vào mông thằng Hận bồm bộp, khiến bà Thức phải sốt ruột, can thiệp:
    - Cái cô này! Sao lại đánh nó? Lần sau có đi đâu thì đem nó lên đây cho tôi. Ở với tôi đố đứa nào bắt được.
    Ông Thức nhìn vợ, cười:
    - Nấu cơm! Nấu cơm! Cái bà này, đi nấu cơm cho cả nhà ăn. Mẹ con cu Hận ở đây ăn cơm nhá!
    Trong lúc chị Nga lúi húi cùng bà Thức dưới bếp, ông Thức bày ra baonhiêu thừ trò chơi. Thằng Hận, lần đầu tiên nó được chơi với một người đàn ông. Hình như đây là điệu lạ lùng đối với nó. Nó vẫn cười, nhưng hình như có khác lệ thường. Nó nhìn ông Thức mà cười say đắm hơn, chứ không có vẻ ngây dại như mọi ngày…
    Cơm nước xong, trời cũng vừa tối. Ngày cuối năm, đêm sập xuống rất nhanh, khiến chị Nga không kịp đưa con về lúc trời còn sáng. Nhìn thằng Hận ngồi trên đùi ông Thức, chị Nga thấy vui vui mà cũng thật tủi lòng. Có lẽ trong đời nó, đây là lần đầu tiênnó được sung sướng đến thế. Đọt nhiên chị lại nghĩ đến Tĩnh, nó cũng nằm trong lòng Tĩnh, nhưng đó là lúc nó đang ốm đau.
    Ông Thức kể lại câu chuyện ngoài ga, chị Nga cúi đầu lắng nghe. Khi ông Thức dừng lời, chị nhìn hai vợ chồng ông bà;
    - Em cám ơn hai bác! Không có bác hôm nay chắc em chết mất! Thật là ơn tái sinh cho cháu…
    ƠngThcs nghĩ ngợi, rôi hỏi:
    - Tôi không hiểu tại sao cái người bắt cóc thằng Hận con cô lại là một ông lão già nua? Đã thế lại bảo là đưa nó về quê? Hình như trong chuyện này có cái gì đó, hả cô?
    Chị Nga cúi đầu, im lặng, dường như chị đang phải chịu một gánh nănbg ghê gớm đang đè lên đôi vai ốm yếu. Nhưng thật bất ngờ, chị ngẩn lên, nhìn ông Thức rồi lại nhìn bà:
    - Đúng là câu chuyện của em thật đáng buồn, lại rất đáng xấu hổ. Em định giấu suốt đời này, kể cả với con em. Nhưng thôi, giấu mãi cũng chẳng được, mà càng giấu thài lại càng đau lòng. Em coi hai bác đây như anh, như chị, như ân nhân, em xin kể lại chuyện đời em để hai bác nghe. Nghe rồi, nếu chỗ nào thương được thì thương, còn chỗ nào không được thì bỏ quá cho em!
    - Bố em, là thầy giáo bình dân học vụ ở thị xã này từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
    Ông Thức thong thả:
    - Cụ tên là gì?
    - Bố em tên là Hoan. Hà Đức Hoan…
    Ông Thức nhổm dậy:
    - Thầy giáo Hoan? Giời đất ạ…! Thầy Hoan người cao cao, quê ở Bắc Ninh?
    - Thế ra… Ối bố ơi… bác cũng biết bố em?
    - Tôi học thầy Hoan! Nhưng mấy năm sau, thầy đi kháng chiến lên Việt Bắc?
    - Đúng thế đấy ạ! Trời ơi, thế ra trời cũng có mắt cho em gặp lại người quen của bố mình… Bố em lên Việt Bắc, gặp mẹ em rồi có em…
    - Bây giờ cụ thế nào rồi?
    - Mấy năm nay em không nghe tin tức gì. Nhưng thôi, bây giờ hai bác nghe em kể đã. Em là giáo viên cấp hai…
    Đêm ấy chị Nga đã kể lại hết câu chuyện của đời chị cho hai vợ chồng ông Thức nghe. Câu chuyện cũng chính là chuyện tôi đã thuật lại từ đầu cuốn sách này. Có điều, chị kể bằng một giọng buồn, lúc thì rành rọt, rõ ràng, khi lại ngắc ngứ, quặn đau và đầy nước mắt… Nhưng hầu như không phải chị kể mà là chị trút câu chuyện hoà nước mắt trước mặt hai người xa lạ, ở một nơi xa lạ mà chị lưu lạc đến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét