Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

RẮC-KI, CHÚC NGỦ NGON!

Tiểu thuyết
Phần 1 - HIỆN TẠI  
5.
Việc thi công ngôi biệt thự Hoa Chó Đẻ kéo dài quá lâu khiến thần dân trong khu vực phát bực mình. Lúc đầu họ cũng thông cảm, vì rằng ai cũng thế thôi, ai cũng có lúc phải làm nhà dựng cửa. Những đống vật liệu xây dựng to lù lù chắn các lối đi trên con đường tuy không hẹp lắm. Sắt thép ngổn ngang, tạo nên khung cảnh một công trường thi công vĩ đại, hay như một trận oanh tạc khu trục cơ của quân phát xit. Đêm đêm tiếng xe tải chở cát, chở gạch chạy ầm ầm, tiếng va chạm kim khí đinh tai nhức óc. Lòng người bất an.
Chưa kể, đội quân xay dựng gồm toàn những người tha hương, gầy gò và bất cần đời. Kéo theo họ là những dịch vụ khá phức tạp, khiến không chỉ người dân lo ngại, mà nhà cầm quyền cũng bắt đầu tham dự.
Nhưng tất cả đều vận hành theo một quy hoạch riêng, một nguyên tắc riêng. Quy luật của đồng tiền và nguyên tắc của kẻ mạnh. Công trình dự kiến là chín tháng, nhưng cho đến thời điểm này đã sang tháng thứ mười. Và nó vẫn còn hứa hẹn kéo dài thêm nữa. Bởi vì, người ta thấy một cô gái bán vé số đầu tiên của Khu phố, chỉ chuyên cung cấp vận may cho dân phu hồ, bằng các loại vé: chiều xổ, tối dò cũng có mà vé xổ liền cũng có... từ một thanh nữ hồn nhiên, nay vẫn hồn nhiên, nhưng đã mang một cái bụng khác nặng nề. Người Cai đội xây dựng là ông Năm Thợ Hồ, đã phải đe nẹt đám quân tướng của mình:
- Thằng nào? Liệu mà ăn ở cho phải đức, kẻo xà gồ, dầm thép, bê tông.... nó có mắt.
Một tên khá bảnh trai, lẻo mồm cúi mặt, rồi liếc ngang sang bên kia lán. Thằng bạn nó, thằng bạn thân lắm, biết chuyện lắm, nhìn ông Năm, hào hứng:
- Chắc là đến hôm hoàn công, "ra thợ" xin ông chủ nhà một mâm làm đầy tháng cho cháu ạ !
Cả bọn cười ồ. Hồi này chúng đã bớt hội thảo về cái tên của công trình Hoa Chó Đẻ.
Tuy nhiên người được hưởng lợi là bà Tư Chín, chủ quán cơm bụi, mà dân thợ hồ đã sớm đặt cho một cái tên: Nhà Hàng Khoai Mỡ.
Thật ra, cái tên này do chính tay thợ hồ, chuyên mua vận may đặt ra. Nó nhìn bà Tư Chín, tròn quay, múp míp mà gồ ghề, sau lớp vỏ sù sì là nước da hồng tươi trắng nõn trắng nà. Đã vậy, trong thực đơn từ cuối mùa khô năm ngoái đến sang đầu mùa khô năm nay, món canh khoai mỡ lễnh loãng và nhớt nhát luôn được phục vụ đầy đủ và chu đáo cho giai cấp công nhân "chó đẻ" - đấy là cách gọi của Tư Chín.
Nhà hàng Khoai mỡ có doanh thu ổn định, và tăng vọt vào cuối tuần. Nếu một ngày nào đó công trình hoàn thành, cánh thợ hồ ra đi, chắc cái quán cơm bụi của Tư sẽ dìu hiu, quạnh quẽ và thất thu biết bao nhiêu.
Tư Chín thở dài và chợt nhớ ra trong quán mình đang có một người khách. Đó là ông bác Đạo Sĩ Mùa Thu, nhưng nhất thời Tư chưa biết cái tên dị quái này. Mà nói cho ngay ra, ngoài tác giả thiên truyện này ra, chưa ai biết cái tên đó.
Đêm qua, Đạo Sĩ đi đâu, Tư không biết, vì Tư đã quên, nhưng sáng sớm nay, khi trở dậy mở cửa quán, Tư Chín giật mình khi nhìn thấy "ông bác" ria nhân tạo đang đứng trước cửa quán. Ông xoay lưng lại phía quán, không có vẻ gì là sốt ruốt hay chờ đợi, thản nhiên nhìn cái hình khối mờ mờ, viền ánh sáng đèn từ bên nội thành hắt sang. Ngay cả tiếng mở của rột roạt của bà chủ quán cũng chưa làm Đạo Sĩ quay đầu lại. Ông đang ngẫm nghĩ, hay chiêm ngưỡng ngôi biệt thự dở dang, Tư không biết. Tư hồi hộp, Tư lo sợ... Tư e hèm và chào:
- Good morning! Ông bác!
Đạo Sĩ quay đầu chậm rãi, khẽ gật đầu trong bóng tối:
- Cô em cứ tự nhiên. Cảm phiền cô em cho một ly cà phê đá...
Tư mở rộng cánh cửa, nhẹ nhõm:
- Mời ông bác vô. Để em bật đèn.
Bà Tư Chín Lé bật tất cả các bóng đèn trong quán, mà thật ra nó cũng chỉ có hai cái, một cái bóng huỳnh quang, ám khói, còn cái kia là bóng đèn tròn, vàng quạch. Tư nhanh nhẹn mở tiếp cái cánh cửa phía bên hông, một làn gió nhẹ từ phía cánh đống năn, lác lùa vào. Đạo Sĩ mím môi ngồi chờ đợi. Tuy thế, đôi mắt to và sâu hơi nheo lại, lướt theo từng bước đi dịu dàng, uyển chuyển và có phần hồi hộp của bà chủ quán.
Thế rồi từ đấy, Tư Chín cũng cảm thấy bất an. Bà lẩn thẩn sắp sửa những món ăn để bán. Mà sao sáng nay, cái thằng đồ tể vẫn đem thịt, rau, cá... từ ngoài chợ lâu đến thế nhỉ? Nó mắc dịch hay làm sao thì cũng phải mang đến cho bà chứ.
Tư tìm thằng Rác, nhưng không thấy, chắc chắn không thấy rồi. Nó dậy sớm hơn Tư, nó ra đi sớm hơn cả nhưng tay ăn sương, cờ bạc. Nó đã đến với bãi rác của nó. Dường như ở đó, chỉ ở bãi rác nó mới cảm thấy sinh khí của cuộc sống.
Cho đến khi mọi hoạt động của con người bắt đầu bình thường. Đó là vào ban ngày, ban ngày của con người, còn ban đêm của con ngợm. Đạo Sĩ đã nói với Tư như thế.
Đầu tiên là ông Năm Thợ Hồ, thong dong bước vào quán. Một con người già dặn, từng trải, điêu luyện như Năm Thợ Hồ cũng phải đứng sững lại khi nhìn thấy Đạo Sĩ Mùa Thu. Đạo Sĩ lãnh đạm nhìn ông và khẽ nhếch râu, khiến cho Năm Thợ Hồ biết rằng: lão đang chào ta.
- Chào ông anh. Ônh anh ở đâu mà cà-phe sớm zdậy? (lưu ý chúng ta, Năm Thợ Hồ kêu là cà-phe, chứ không phải cà-phê).
Quả thật, Năm Thợ Hồ bắt đầu bận rộn bởi ý nghĩ: Đêm qua thằng cha này ở đâu? Hơn mười tháng ở đây, mọi ngóc ngách, ngõ hẻm Năm này đều biết. Mà Năm không biết thì đám quân sĩ của Năm cũng biết. Chỉ có một chỗ. Năm Thợ Hồ mỉm cười một mình, nhìn vào cái lô cốt đen sì và tăm tối của Tư Chín, gọi thân mật:
- Tư ơi Tư?!
Có tiếng động lịch kịch, lạo xạo, và tiếng bà chủ quán thanh thanh:
- Dà...! Anh Năm hả?
- Anh Năm đây...
- Đen hả anh Năm?
- Con gì vô đây nữa. Tư biết tính Năm mà.
Các tiếng trao qua đổi lại giữa Tư và Năm, khiến Đạo sĩ chạnh buồn. Nhưng vốn cao ngạo, nỗi chạnh buồn ấy thoáng qua rất mau. Ông nhìn gã thợ hồ đầu bạc, mỉm cười:
- Anh thứ Năm?
- Dạ. Thứ Năm!
- Vậy là thứ Năm!
- Sao không thứ Năm?
Không biết rồi hai gã đàn ông già cả này sẽ còn nói với nhau những gì nữa, nếu không có bước chân nặng và dè dặt của bà Tư Chín, với một ly cà phê nóng, đen ngòm trong tay.
- Của anh đây! Tư Chín đặt ly cà phê xuống trước mặt Năm Thợ Hồ, và không quên liếc sang bàn bên kia, nơi Đạo Sĩ Mùa Thu đang trầm ngâm. Bỗng bà chủ quán reo lên:
- Ý quên! Chết cha... Ông bác uống trà nóng hay trà đá?
- Gì cũng được. Cà phê của cô em ngon lắm, khéo pha lắm.
Chờ cho Tư Cín vào trong bếp, Đạo Sĩ nói với Năm Thợ Hồ:
- Thứ Năm là con số của thất bại. Tôi nhìn anh, từ mái tóc đến dáng ngồi, rồi lại thêm cái thứ của anh nữa, tôi biết anh là người vất vả, ít thành công...
Bị bất ngờ, nhưng Năm Thợ Hồ kịp trấn tĩnh:
- Ông anh nói gì tôi không hiểu?
- Nhiều năm tôi là người nghiên cứu thuyết "Thế nhân trụ thế", tôi có thể phán chắc co anh mấy câu. Anh ít thành công, nhưng lần này, anh thành công lớn. Nhất là khi anh trúng thầu cái biệt thul Hoa Chó đẻ kia.
Năm Thợ Hồ nhột dạ. Chẳng lẽ cái thằng cha môi mỏng, ria mực tàu kia lại là thánh. Năm Thợ Hồ cười cười:
- Đổi mồ hôi lấy miếng ăn thôi ông anh ơi.
Năm nói vậy, là nói với cái nghề xây dựng khốn khổ của mình. Nhưng sau mười tháng ở cái biệt thự này, Năm đã kiếm được rất khá. Bởi vì ông chủ của nó hào hoa, phóng khoáng và ngu dốt. Tận cùng ngu dốt. Vì ông già của hắn, cái ông lão "cực phẩm nhân thần" giàu có đã đẻ ra hắn.
- Nhưng mồ hôi của anh đặc biệt lắm, có giá lắm. Anh cứ nghĩ kỹ lời tôi.
Năm bực mình, dôc cạn ly cà phê, mà đáng lẽ ngày khác Năm nhâm nhi, Năm ngắm nhìn cái mông, cái eo của Tư chủ quán cho đến khi có vài thằng phu hồ đến phá đám, Năm mới đứng dậy. Nhưng hôm nay, Năm hét to:
- Tư ơi, Tiền!
Tư Chín đon đả chạy ra: 
- Sao anh Năm bữa nay giàu quá ha?
Chẳng là, mọi ngày Năm Thợ Hồ thường được đàn em bao cà phê sáng, chưa bao giờ Tư Chín thấy ông ta phải móc bóp hay túi ngực áo.
- Tiện đây trả luôn. Tôi đi sơm có chút việc. Chờ cho Tư Chín cúi xuống nhậnt iền, Năm Thợ hồ nói nhỏ nhưng gằn từng tiếng vào tai Tư Chín. Bà lôi ở đâu ra cái thằng cha mắc dịch kia. Mới sáng sớm ra đã nói tầm bậy, tầm bạ.
Rồi Năm Thợ Hồ vùng vằng đi nhanh ra cửa. Tư Chín nhìn ông bác Đạo Sĩ, chợt mỉm cười, rồi thấy mặt mình như nóng lên, dù mới sáng sớm.
- Nhiều chuyện! Đúng là đồ dê già!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét